Những Đóng góp và Hạn chế của ‘Xã hội hóa’: Khía cạnh Kinh tế Chính trị về các Dịch vụ Thiết yếu ở Việt Nam

Trong 6 tháng qua, tôi đã nghiên cứu và viết một báo cáo cho Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về cái gọi là “xã hội hóa” tại Việt Nam. Toàn báo cáo (dài 120 trang) chưa được dịch sang tiếng Việt và tôi phải nhấn mạnh phân tích này phản ánh quan điểm của riêng tôi chứ không phải là quan điểm của UNDP.

Về những kết quả và lý luận của nghiên cứu tôi sẽ bổ sung sau. Trong bài blog này tôi chỉ xin cung cấp thông tin chung về báo cáo, mang tên “Những Đóng góp và Hạn chế của ‘Xã hội hóa’: Khía cạnh Kinh tế Chính trị về các Dịch vụ Thiết yếu ở Việt Nam”.

Xin nhắc lại: Các ý kiến, phân tích và kiến nghị chính sách của báo cáo này không nhất thiết phản ánh các quan điểm của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Báo cáo này là một ấn phẩm độc lập theo yêu cầu của UNDP. Xin gửi bình luận hoặc đề xuất đến: jlondontraloi@gmail.com hoặc chức năng bình luận trên trang blog này.

 

Những Đóng góp và Hạn chế của ‘Xã hội hóa’: Khía cạnh Kinh tế Chính trị về các Dịch vụ Thiết yếu ở Việt Nam

 

Việt Nam ở Thời Điểm Phải Chọn Lưa

Trong hai thập niên, việc phát triển các dịch vụ thiết yếu ở Việt Nam đã góp phần quan trọng cải thiện mức sống. Người dân Việt Nam hiện nay giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, và có trình độ học vấn cao hơn từ trước đến nay. Vì những lý do này và nhiều lý do khác, có nhiều lạc quan về các triển vọng phát triển của Việt Nam. Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể lặp lại thành tựu của những nền kinh tế đạt kết quả cao ở Châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan; ở các nền kinh tế đó, công cuộc phát triển đã kết hợp tăng trưởng kinh tế định hướng xuất khẩu, phân bố thu nhập và tài sản một cách tương đối bình đẳng, và tạo điều kiện cho nhiều tầng lớp được tiếp cận [sử dụng] các dịch vụ có chất lượng.

Tuy nhiên, có nhiều lý do lo ngại về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đã giảm sút, và những bước tiến về phát triển con người đã chậm lại. Những tình trạng bất bình đẳng xã hội, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở các tình trạng bất bình đẳng dựa trên thu nhập, cũng như các cảm nhận về bất bình đẳng đang tăng lên. Những xu hướng gần đây này là triệu chứng của một số nhược điểm thể chế sâu xa hơn trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam; những nhược điểm này có nguy cơ gây phương hại đến tăng trưởng kinh tế của đất nước. Những cách tổ chức sắp xếp thể chế chi phối việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ giáo dục và y tế ở Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về khía cạnh này.

Việt Nam đã đạt được những bước phát triển rất ấn tượng về mức độ cung cấp tuyệt đối các dịch vụ giáo dục và y tế. Nhiều thành quả trong số này được tạo điều kiện thuận lợi bằng các chính sách và cách thực hiện huy động các nguồn lực thông qua những phương tiện ngoài ngân sách [nhà nước]. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phân tích nhận định rằng để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo hơn nữa thì sẽ đòi hỏi phải cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng của các dịch vụ giáo dục và y tế.

Việt Nam chi tiêu gần 17 phần trăm GDP cho các dịch vụ giáo dục và y tế, một con số rất cao xét theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.[1] Một thông điệp trọng tâm của bài nghiên cứu này là những thách thức mà Việt Nam đương đầu về giáo dục và y tế không còn chủ yếu là về số lượng các nguồn lực. Quan điểm trọng tâm của bài nghiên cứu này là việc kết hợp cụ thể các chính sách và những cách thực hiện không chính thức đã tiến triển xung quanh việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ trong hai thập niên vừa qua trong một hệ thống hỗn loạn và kém hiệu quả khiến cho các tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn, giảm tốc độ xóa đói giảm nghèo và có nguy cơ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai của đất nước này. Để bảo đảm một tương lai thịnh vượng, chính phủ Việt Nam phải khuyến khích chuyển từ những cách tổ chức sắp xếp hiện tại sang những cách tổ chức sắp xếp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, và có trách nhiệm giải trình hơn, phù hợp với mọi tầng lớp dân chúng và một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Để bàn luận những vấn đề này và đề xuất những con đường đi tới, bài nghiên cứu này đưa ra một phân tích kinh tế chính trị về việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ trong ngành giáo dục và ngành y tế của Việt Nam. Bài nghiên cứu này tập trung nghiên cứu về các nguồn gốc, động lực, và những ảnh hưởng của một tập hợp phức tạp các hiện tượng liên quan đến thuật ngữ tiếng Việt xã hội hóa. Khi đặt trọng tâm như vậy, chúng tôi không giả định rằng ‘xã hội hóa’ bao hàm tất cả các vấn đề có liên quan. Thay vì thế, chúng tôi có giả định hạn hẹp hơn, cho rằng ‘xã hội hóa’ đại điện cho một số vấn đề rất hệ trọng cần được bàn luận thẳng thắn, công khai hơn trong quá khứ.

 ‘Xã hội hóa’

Tính đến cuối thập niên 1980, các dịch vụ thiết yếu ở Việt Nam được cấp kinh phí gần như toàn bộ bằng ngân sách nhà nước và các nguồn lực huy động qua các công ty quốc doanh và hợp tác xã. Nhưng tình trạng đói nghèo trầm trọng của Việt Nam đã hạn chế đáng kể số lượng tuyệt đối của các nguồn lực sẵn có cho các dịch vụ. Việc cung cấp dịch vụ vẫn ở trong tình trạng thiếu thốn cùng cực và việc nhanh chóng bãi bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã khiến các chính sách xã hội mang tính chất xã hội chủ nghĩa do nhà nước chủ đạo trở nên không bền vững. Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, các dịch vụ được cung cấp bằng những biện pháp chắp vá, tạm bợ. Sau đó, và nhằm tạo nền tảng tài chính vững vàng hơn cho các dịch vụ, nhà nước Việt Nam bắt đầu thúc đẩy nhiều loại chính sách dưới ngọn cờ ‘xã hội hóa’.

‘Xã hội hóa’ ở Việt Nam là một thuật ngữ chuyên môn phổ biến, và cách dùng cùng với các nghĩa đa dạng và thậm chí mâu thuẫn gây hiểu lầm. Về mặt chính thức, ‘xã hội hóa’ thường được dùng để chỉ một tập hợp cụ thể các chính sách chính thức. Một định nghĩa như vậy có nhiều chỗ không ổn. Thứ nhất, người ta có thể không hiểu được ý nghĩa của các chính sách ‘xã hội hóa’ nếu không nhắc đến bối cảnh chính trị và kinh tế đặc thù của chúng. Cần phải đặc biệt chú ý đến tài chính công vì động lực cho các chính sách ‘xã hội hóa’ ban đầu xuất phát từ những hạn chế về nguồn lực công trong bối cảnh của quá trình chuyển sang cơ chế thị trường của Việt Nam. Hơn nữa, việc thực hiện các chính sách ‘xã hội hóa’ đồng hành với nhiều cách thực hiện không chính thức mà nhìn chung không có trong các chính sách chính thức. Vì lý do này, từ ‘xã hội hóa’ trong bài nghiên cứu này được hiểu về mặt thực nghiệm là một tập hợp phức tạp của những ý tưởng, thể chế và cách thực hiện đã phát triển song hành với những nỗ lực cải cách việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ ở Việt Nam kể từ cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.

Về cốt lõi, các chính sách ‘xã hội hóa’ ở Việt Nam tìm cách giải quyết một vấn đề quen thuộc với tất cả mọi quốc gia và đặc biệt quen thuộc với các quốc gia nghèo và đang phát triển: làm thế nào để đạt được những cách tổ chức sắp xếp có thể cung cấp và chi trả một cách hiệu quả cho những dịch vụ có chất lượng trong bối cảnh khó khăn kinh tế. Ở Đông Á và trên thế giới, các chính phủ đã áp dụng nhiều cách xử lý vấn đề này với nhiều mức độ thành công khác nhau. Còn Việt Nam thì sao? Những mục tiêu được công bố của các chính sách ‘xã hội hóa’ là đáng ca ngợi. Trong bối cảnh các nguồn lực ngân sách bị hạn chế, các chính sách ‘xã hội hóa’ nhằm mục đích ‘huy động các nguồn lực và tài năng từ xã hội’ và kết hợp các hình thức chi trả của nhà nước, hộ gia đình và các loại hình chi trả khác sao cho bảo đảm tất cả mọi người dân Việt Nam có thể tiếp cận sử dụng một mức tối thiểu cơ bản của các dịch vụ thiết yếu.

Bài nghiên cứu này nhận định rằng nhiều thách thức trong những thách thức thực tiễn mà Việt Nam đương đầu hiện nay về việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ xuất phát từ phương cách cụ thể và phụ thuộc vào con đường đã chọn mà qua đó những ý tưởng, thể chế, và cách thực hiện ‘xã hội hóa’ đã tiến triển. Điều hết sức quan trọng là chính cuộc khủng hoảng tài khóa và hoàn cảnh khó khăn kinh tế trầm trọng mà Việt Nam gặp phải vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 đã khiến việc cung cấp các dịch vụ do nhà nước trợ cấp toàn bộ trở nên không bền vững và đòi hỏi Việt Nam phải chuyển sang những cách tổ chức sắp xếp mới.

Sự tiến triển của những cách tổ chức sắp xếp mới sẽ diễn ra thông qua một quá trình thử nghiệm nhìn chung đặc thù, kết hợp ‘các chiến lược sinh tồn’ tùy cơ ứng biến xuất phát từ bên trong các đơn vị cung cấp dịch vụ và các chính sách từ trên xuống nhằm tạo ra nền tảng tài chính vững vàng hơn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ. Các chiến lược sinh tồn gồm một hỗn hợp các cách tạo ra thu nhập không chính thức mà nhân viên phục vụ thực hiện để duy trì việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kế sinh nhai. Các chính sách từ trên xuống gồm các chính sách ‘xã hội hóa’ với mục đích (1) tạo điều kiện thuận lợi để hướng các nguồn lực đến các dịch vụ, chủ yếu bằng cách cho phép các chương trình cùng chi trả mà qua đó các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể tận dụng những mức thu nhập hộ gia đình cao hơn và (2) mở rộng các hình thức cung cấp dịch vụ ngoài nhà nước (trong đó có tư nhân) để giảm bớt sức ép đối với ngân sách và tăng nguồn cung và phạm vi cung cấp dịch vụ nói chung. Trên thực tế, cả hai mục đích trên đã được theo đuổi một cách hỗn loạn và không có trách nhiệm giải trình với đặc trưng là pha trộn các luật lệ chính thức và không chính thức, và quyền sở hữu tài sản không được định nghĩa rõ ràng.

Ngoài ra có nhiều câu hỏi cần đặt ra về xã hội hóa; tuy từng được nêu ra trong quá khứ, những câu hỏi này chưa được bàn luận một cách có hệ thống. Một câu hỏi như vậy là liệu ‘xã hội hóa’ có liên quan hay tạo ra các kết quả có liên quan đến việc tư hữu hóa các dịch vụ hay không, và nếu có thì tới mức độ nào. Một câu hỏi khác là liệu các chính sách ‘xã hội hóa’ có thực sự tạo ra những kết quả như dự định, và nếu có thì tới mức độ nào. Câu hỏi thứ ba là về tương lai của các chính sách ‘xã hội hóa’ và các phương án thay thế khả dĩ.

‘Bức tranh tổng thể’

Trọng tâm của bài nghiên cứu này là khía cạnh kinh tế chính trị của các dịch vụ. Nhưng ta có thể không hiểu khía cạnh kinh tế chính trị của các dịch vụ nếu không nhắc tới bối cảnh tổng quát của nền kinh tế chính trị Việt Nam. Trong mối liên hệ này, có ba điểm cần được nhấn mạnh đặc biệt. Thứ nhất là những điều kiện hạn chế mà qua đó các dịch vụ ở Việt Nam phát triển, cả về nguồn lực lẫn các năng lực nhà nước. Những điều kiện hạn chế này, vốn đã rất trầm trọng vào cuối thập niên 1980 và trong phần lớn thập niên 1990 và dần dần giảm bớt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh và khá thất thường và quá trình liên tục cải cách thể chế, tuy nhiên hiện vẫn còn quan trọng. Điểm thứ hai liên quan đến mối quan hệ giữa những thách thức mà Việt Nam đương đầu về sự điều tiết (governance) của những dịch vụ thiết yếu và các nhược điểm thể chế vốn là đặc trưng của nền kinh tế chính trị tổng quát. Điểm thứ ba liên quan đến những thách thức của việc thực hiện và đạt được những cải cách thể chế có ý nghĩa.

Thứ nhất, trong bối cảnh những khó khăn trầm trọng, một hình thức huy động nguồn khác thường nào đó là điều cần thiết và quả thực là không thể tránh khỏi nếu muốn duy trì hoạt động của các dịch vụ thiết yếu. Sự tiến triển của ‘xã hội hóa’ có liên hệ chặt chẽ với những mẫu hình chi tiêu công cộng và các thế mạnh và mặt hạn chế về các thể chế điều tiết và quản trị (tức là governance theo định nghĩa khác quan khoa học xã hội).

Vì thế, phương hướng nghiên cứu thích hợp không phải là đặt câu hỏi liệu Việt Nam có lợi hay bị thiệt nếu có hay không có ‘xã hội hóa’, mà thay vì thế nên đặt câu hỏi Việt Nam lẽ ra đã có thể hoặc có thể đạt kết quả như thế nào trong tương lai trong bối cảnh cụ thể của những phương tiện để huy động và phân bổ nguồn lực, các mẫu hình chi tiêu công cộng, và cải cách thể chế.

Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ hai, về các thể chế và vấn đề “sự điều tiết và quản trị” (governance) trong nền kinh tế chính trị tổng quát của Việt Nam. Quả thực có thể thấy nhiều điểm giống nhau đáng kể giữa điều đang diễn ra trong các dịch vụ và trong nền kinh tế nói chung. Trong hai thập niên, những dòng nguồn lực lớn được đưa vào các ngành sản xuất của nền kinh tế Việt Nam. Các tỉ lệ đầu tư ở mức trên 40 phần trăm GDP kể từ năm 2005 thuộc hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động đầu tư này đang giảm nếu xét theo những số đo như Tỉ số vốn trên sản lượng tăng thêm (Incremental Capital Output Ratio – ICOR, còn gọi là Hệ số sử dụng vốn) và Năng suất các yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity – TFP). Việc đặt các ngành sản xuất và ngành xã hội của Việt Nam cạnh nhau có một hàm ý hiển nhiên: Việc phân tích những vấn đề chỉ liên hệ với ‘xã hội hóa – chẳng hạn các mức lệ phí chính thức và không chính thức và việc cung cấp dịch vụ do các thành phần ngoài nhà nước thực hiện – không thể đưa ra những câu trả lời hoàn toàn thỏa đáng về khía cạnh kinh tế chính trị của các dịch vụ ở Việt Nam; những vấn nạn nền tảng, chẳng hạn như các hạn chế về nguồn lực và các nhược điểm thể chế, cũng cần được xem xét.

Cũng như trong nhiều lĩnh vực chính sách công ở Việt Nam, các chính sách ‘xã hội hóa’ thường là dưới dạng những phản ứng sau-khi-sự-việc-xảy-ra (ex-post) đối với các cách thực hiện hiện đã có, phản ánh cách tiếp cận “thử và sai” phổ biến ở Việt Nam ở những giai đoạn đầu của Đổi Mới. Điều chưa được nhấn mạnh đầy đủ là cách thức mà những biện pháp đặc thù và các chính sách chính thức đã định hình và củng cố các lợi ích và động cơ trong việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ thiết yếu. Khi thực hiện các nỗ lực nhằm nâng cao hay đi xa hơn ‘xã hội hóa’, Việt Nam sẽ cần giải quyết các nhu cầu của những người làm việc trong ngành cung cấp dịch vụ và khắc phục những lực cản quyết liệt kháng cự cải cách thể chế bằng những quy định quản lý nhà nước phù hợp và sử dụng các động cơ có chọn lọc. Điều này lại đòi hỏi phải có hiểu biết tinh tế hơn về những thách thức xung quanh việc cung cấp và chi trả cho các dịch vụ ở Việt Nam trong nhiều bối cảnh địa lý, kinh tế xã hội và cơ cấu tổ chức khác nhau, cũng như những kinh nghiệm liên quan của các nước khác.

Cách bố trí của bài nghiên cứu và nhắc lại các mục đích

Phần còn lại của bài nghiên cứu được sắp xếp như sau. Phần thứ hai xem xét sự tiến triển của các ý tưởng, chính sách, và cách thực hiện ‘xã hội hóa’. Phần thứ ba làm sáng tỏ ảnh hưởng của ‘xã hội hóa’ đến bức tranh phúc lợi của Việt Nam và phân biệt các phương thức chính của ‘xã hội hóa’. Phần thứ tư đánh giá hiệu lực và hiệu quả của các chính sách ‘xã hội hóa’ xét theo các mục tiêu được công bố. Phần thứ năm và phần thứ sáu xem xét các cơ chế tạo ra các ảnh hưởng của các chính sách ‘xã hội hóa’ lần lượt trong các ngành giáo dục và y tế. Nhiều hạn chế trong các hạn chế của các chính sách ‘xã hội hóa’ xuất phát từ mức độ trách nhiệm giải trình thấp. Phần thứ sáu bàn đến các nhược điểm này. Phần kết luận tóm tắt những kết quả khám phá chủ chốt, và đề xuất nghị trình nghiên cứu, tư vấn, và cải cách.

Bài nghiên cứu này không thể khẳng định là toàn diện về phạm vi nghiên cứu hay thấu đáo về độ sâu. Bài nghiên cứu này nhằm mục đích tạo ra cơ sở đầy đủ cho cuộc thảo luận có căn cứ về những vấn đề tuy từ lâu đã được công nhận là quan trọng nhưng hiếm khi là chủ đề của một phân tích xuyên suốt và hướng về tương lai. Vào lúc mà người Việt Nam đang tích cực cân nhắc những cải cách hiến pháp, một phân tích như vậy có thể có những đóng góp mang tính xây dựng cho các cuộc tranh luận chuẩn tắc đang diễn ra và các lựa chọn chính sách liên quan tới quyền công dân, các dịch vụ, và khế ước xã hội trong nền kinh tế thị trường ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam.

 


[1] Dựa trên các tính toán của Vũ Quang Việt, tham khảo với tác giả. (Estimate is of total expenditure including public and non-public spending.)

 

 

10 thoughts on “Những Đóng góp và Hạn chế của ‘Xã hội hóa’: Khía cạnh Kinh tế Chính trị về các Dịch vụ Thiết yếu ở Việt Nam

  1. J,

    Great work .

    Không dám đánh giá ở khởi sự bài nghiên cứu .
    Xin cứ giữ sự khách quan khoa học của một chuyên gia quốc tế và một người ” Dùng tiếng Việt ” trong bối cảnh hiện tại và sự đối thoại không tránh khỏi với các liên quan nhà nước, sẽ đầy tế nhị .

    Cần mở rõ các xa gần của cụm từ ” Xã Hội Hoá ” và ” Tư Nhân Hoá” để người đọc ngoại đạo khỏi bối rối hay nhầm lẫn , đồng thời mở cho ra cái Thể Chế quản lí các tiến trình ấy . Công trình của ông có ich lợi cho Việt Nam bao nhiêu là do khả năng nghiên cứu thực tiễn và khách quan khoa học nhưng cũng cần cách sử dụng ngôn ngữ thẳng thắn, trực diện .

    Thể chế nào, nhà nước nào , thì cũng cần chẩn bệnh xã hội , thể chế cho đúng . Trong khi con bệnh là cả một đất nước lâu dài, tiếp diễn chứ không chỉ là một thể chế, chế độ .
    Cám ơn và thân kính

  2. Dear professor London,

    I am looking forward to reading your report ‘The contributions and limits of ‘Socialization’’. Love to read new ideas, new findings! However, I doubt that it is any difference from the report from professor David Dapice and his group “Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt”, or that of professor Carl Thayer, and other researchers at the IMF, World Bank, and so on. Vietnamese government knows this. They are not ignorance of the problems and solutions. All of you are the brain, while the Communist party is the heart. But ‘corruption and crony-capitalism’ is the blood streams (veins and arteries) of the body. The “heart” circulates ‘blood’. Stop the blood stream, the heart dies; so does the brain. ‘Blood transfusion’? Be careful what you ask for, there may be ‘rejection’ from the heart and other vital organs, and all be dead. Seem like “No way out!”

    I read many blogs debating, discussing about ‘the future of Vietnam’, and I’d like to make this general observation. I admire and respect people who care and struggle for a freer and better Vietnam. Individuals who are concerned for the future of Vietnam could be categorized into two groups: (1) a freer and more democratic Vietnam group (not necessarily better and brighter) can be achieved by means of regime change (political), and (2) a better and brighter Vietnam group (not necessarily freer or more democratic) can be achieved by social and economic changes. When I say two groups, I don’t mean they are exclusive of the other. I only mean that group one emphasizes more on political change, while group two concentrates more on social and economic changes. My question is ‘why can we have or do both?’

    I also notice that individuals from group-two tend to be more of researchers, analysts, and professors- like professor London. They prefer ‘peaceful revolution’ (or soft power). The problem that I have with this group-two is: “ok! You want to change from a poor, uneducated totalitarian regime to a richer, more educated totalitarian regime. Then what?’ Totalitarian is totalitarian. Their argument follows: once the people are richer and more educated, they will change the regime. It slows but we are going to get there. It’s been shown. Not necessarily!

    On the other hand, the group-one says the only way to have a better and brighter future is political change. Totalitarian regime is the cause of poor and uneducated mass. But how? And, more seriously, how many more innocent lives need to be sacrifice to achieve the ‘regime change’? Will there be a better and brighter future once the ‘regime change’? Not a guarantee either. Current world events have demonstrated that. They, too, have problems!

    Vietnam had been in this situation before: Phan Boi Chau and Phan Chu Trinh. In short, Phan Chu Trinh wanted to change within, while Phan Boi Chau with outside. Both assisted the other. They both were Vietnam’s hero and patriots. Unfortunately, both failed.

    What I am trying to advocate is both groups must work together to achieve ‘freer, more democratic, better and brighter Vietnam’. We have to fight from the inside and outside. Group-two needs the help of group-one to pressure the regime to change. Group-two should tell the regime that ‘hey, why don’t you adopt our changes or otherwise, your people are going for a revolution’.

    This time, I think it will work because the world has changed. Globalization and internet have made it happen. We are in the 21st century, not 20th.

  3. “Việt Nam chi tiêu gần 17 phần trăm GDP cho các dịch vụ giáo dục và y tế, một con số rất cao xét theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực”

    Đảng Cộng Sản VN giải ngân 1 số tiền gần bằng 17% GDP cho các ban ngành quản lý giáo dục và y tế . Thật sự tới giáo dục và y tế thì chưa có thống kê nào chính xác là được bao nhiêu tiền .

    Quản lý giáo dục và y tế khác hẳn với giáo dục và y tế per se. Quản lý có thể dùng để bóp nghẹt giáo dục và tàn phá y tế, không có nghĩa phát triển hoặc thúc đẩy phát triển .

      • I pointed out what it really meant. CP (com party, not government) spending for education and public health means giving that amount of money to the people “in control of” -not manage- educacation and public health. How much or what percentage of that amount actually “spent” on real education and public health still remains a mystery.

        Quản lý in vietnamese sense is to control, not to manage. A great deal would be spent on making sure nobody step over the cp-dictated line than improving education. Still another large amount would be spent on how to improve the dictator’s image instead of real education, which leaves almost nothing for increasing teachers’ starving salaries, educational facilities …

        Bigger spending than most in the region does not mean the CP want to improve general education and public health. They just want a tighter control of those aspects.

        • Biết chứ. Thế nhưng trước khi nói thẳng phải nói ngọt. Đây là một tiêu chuẩn bất buộc của việc viết báo cáo bạn ạ.

          • Khôn thế. Trước khi chửi thì phải khen cái đã!! Không có gì đáng khen thì cũng phải khen: hôm nay bác mặc cái áo sạch thế! có nghĩa là bác thường ăn mặc rất bẩn thỉu tanh tưởi.
            “Xã hội hóa” đúng như bình luận đầu tiên của bác Nghi Tưởng chính là Tư nhân hóa. Nhưng, cái nhà nước tự gọi là Xã hội chủ nghĩa này (XHCN cũng có nghĩa dân gian là Xuống Hố Cả Nút) không chịu công nhận tư nhân mà cái gì cũng phải tập thể nên phải dùng từ lòng vòng như thế để khỏi ngượng. Nhà nước yếu kém mà lại đòi ôm đồm mọi việc (gọi là chó già giữ xương)đến khi không làm được thì đẩy sang dân gọi là “xã hội hóa” cho nó ra vẻ hiểu biết tí. Nhưng nhân dân thì biết nếu nhà nước không để cho tư nhân làm và không tư nhân hóa thì nhà nước vốn dĩ đã què quặt sẽ chết sớm

  4. Theo tôi, để cho người đọc nước ngoài hiểu, cần làm rõ hơn những cách định nghĩa khác nhau dẫn đến áp dụng khác nhau đến độ mâu thuẫn của khái niệm “xã hội hóa” ở Việt Nam, trong nhiều ngành dịch vụ công vốn trước đây được xem là chỉ của nhà nước, chỉ thuộc nhà nước, chỉ do nhà nước.

    Về lý thuyết, đối với một số ngành, chẳng hạn như giáo dục, từ/khái niệm xã hội hóa vốn là một sự gán ghép, thậm chí sai lầm. Trong giáo trình Giáo dục học được dạy chính thống trong các trường đại học, cao đẳng, giáo dục được định nghĩa là một thiết chế xã hội, một hoạt động xã hội, được hình thành và vận hành trong quần thể người đã được tổ chức thành xã hội, trong quan hệ có tính xã hội giữa người với người. Vậy thì còn xã hội hóa thế nào nữa.

    Cũng từ giáo dục, các chủ trương, chính sách và giải pháp điều hành được gọi là xã hội hóa đó lúc đầu được giải thích là không chỉ huy động nguồn lực vật chất của xã hội cho giáo dục cùng với đầu tư từ ngân sách, mà là cả xã hội cùng chăm lo giáo dục, tham gia vào sự nghiệp giáo dục… Điều này vốn đã là nguyên lý giáo dục của Đảng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tại sao không tiếp tục nguyên lý đó mà lại phải “xã hội hóa” với cách giải thích ấy ?

    Cuối cùng, rất nhiều vấn đề về thể chế, cơ chế, sự thống nhất trong điều phối của quá trình xã hội hóa đó trong trách nhiệm quản lý chung của nhà nước suốt mấy chục năm qua chưa định hình được, dẫn đến tùy tiện, lãng phí và làm méo mó tính chất công ích của những dịch vụ được xã hội hóa cũng cần phải được phân tích thấu đáo, cùng với yêu cầu luận giải nó trong so sánh với chủ nghĩa xã hội trước đây, định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay; giữa một hệ thống định hướng công hữu với tư nhân hóa. Điều này có ý nghĩa nhân văn của nó trong trách nhiệm của người nghiên cứu khi chỉ cần nhớ và lưu ý rằng, trong giáo dục chẳng hạn, “xã hội hóa” trước hết là phải đóng học phí cho con em đi học, trong đó có con em nông dân, trong khi đất đai của họ vẫn thuộc sở hữu toàn dân và vốn việc quốc hữu hóa tài sản đất đai của họ trước đây được hứa hẹn sẽ được hưởng nền giáo dục hoàn toàn miễn phí trong xã hội xã hội chủ nghĩa.

Comments are closed.