Sợ cái gì? Những câu hỏi về Internet và dân chủ hóa

Trong những tuần lễ vừa qua tôi có nhận xét rằng nền văn hóa chính trị của Việt Nam đã có một số thay đổi rõ nét. Và chẳng có gì tranh cãi nếu khẳng định một yếu tố quan trọng trong quá trình này là vai trò của mạng Internet và các nền tảng công nghệ của mạng xã hội như các trang blog và Facebook.

Thế nhưng ở phía sau hiện tượng này cũng có hai câu hỏi thích thú và quan trọng. Một là những thuận lợi và hạn chế của mạng trong việc đấu tranh cho một xã hội đa nguyên hơn, dân chủ hơn tại Việt Nam. Hai là một câu hỏi quan trọng nhưng có vẻ ít khi được đề cập đến, đặc biệt chính trong những cuộc dư luận trên cộng đồng mạng là vai trò của Đảng và Nhà nước đối với việc kiểm soát mạng.

Sau khi bàn về hai câu hỏi này tôi sẽ đặt một vài câu hỏi mà cá nhân tôi rất muốn hỏi về tương lai và nội dung của quá trình đấu tranh để xem ý của bạn từ mọi khía cạnh là như thế nào.

Hai câu hỏi này khác nhau. Một câu hỏi về lực lượng đấu tranh và câu thứ hai về lực lượng kiểm soát mạng (gồm không chỉ là đàn áp mà còn có những yếu tố quản lý hầu như “không hại” hoặc có giá trị thực tiễn).

Đối với câu hỏi thứ nhất, thì rõ ràng mạng là một phương tiện cốt lõi, đã tạo ra nhiều thay đổi trong không gian công cộng tại Việt Nam. Nhưng, cũng rõ là chính phương tiện này có một số rủi ro và hạn chế nhất định của nó. Vì chính trong quá trình bày tỏ chính kiến trên Web mà những người “nói gì,” viết gì” có thể đặt chính mình vào tình thế dễ bị đàn áp hoặc bị cô lập… trong đó có chính tôi (J. L.). (Trong tương lài gần, tôi sẽ chia sẻ một số ý nữa về những vấn đề này.)

Có vẻ những người Việt Nam có tính toán đến những rủi ro này và một dấu hiệu đáng hứa hẹn là đại đa số người Việt Nam lên mạng viết một cách tự tin.

Thế nhưng nếu chúng ta đến với câu hỏi về sự tổ chức quá trình đấu tranh thì lại có một câu hỏi phát sinh là: Sự hạn chế của mạng hiện nay là như thế nào? Bởi vì trong môi trường xã hội của Việt Nam, công khai quan điểm của mình đối với quan điểm đấu tranh (tôi không thích từ “chiến lược” vì nó có từ “chiến”!) chưa chắc là khôn ngoan. Chắc là những người (trong và ngoài bộ máy) khi đề cập đến cách đấu tranh vẫn nói nhẹ nhàng, cẩn thận, và tránh đụng chạm và tôi cho rằng đó cũng là hành vi thận trọng thôi. Dư luận trên mạng hiện nay nhiều khi là một không gian để “nói bằng loa.” Và chính vì thế chất lượng của những bài viết, những bình luận vẫn rất không đồng đều.

Thật ra, ở các nước khác, mạng cũng vậy. Thế nhưng, tôi giả định, nếu mạng không bị “đóng cửa” thì vấn đề này sẽ bớt đi… Ở các nước thật sự có tự do ngôn luận thì mạng là không gian nói cái gì đều được trừ việc đe dọa những người khác. (Ở đây tôi xin đề nghị các Ông Công An bỏ lý cớ ‘đe dọa an ninh trật tự.’ Vì số người thật sự muốn phá hoại trật tự là rất ít.

Câu hỏi thứ hai, về vai trò của bộ máy trong quá trình điều tiết không gian mạng, là thật phức tạp mà quan trọng. Xin nhấn mạnh ở đây, tôi không có ý nói về chuyện CAM chui vào FB hay chuyện bắt giữ, đe dọa, v.v. và v.v. dù các vấn đề này là “nghiêm trọng chết người.” Mà chính là vai trò xây dựng và điều tiết không gian trên mạng.

Nhiều người hỏi làm sao ở Việt Nam không áp dụng những biện pháp đàn áp tương tự  như Trung Quốc? Có giả thuyết là kỹ thuật kém và kinh phí không cho phép. Tôi nghĩ đó cũng là một yếu tố, nhưng thực tế rộng hơn thế: Một phần vì những hạn chế này và một phần vì quan điểm trong Đảng có quyết định là không cố gắng bóp cổ mạng hoàn toàn, hoặc chỉ bóp một số cái cổ khi thấy có đe dọa cụ thể đến bộ máy hoặc là một người cụ thể trong bộ máy…

Chắc có nghiều người đã và đang tiến hành nghiên cứu về vấn đề này và tôi chỉ viết một cách khiêm tốn để chia sẻ vài ý tưởng ‘chưa chín’ của riêng tôi… và đặt ra một số câu hỏi tôi thấy là vừa thú vị vừa quan trọng.

Bây giờ xin đề nghị một ý tưởng có thể là “khiêu khích” hơn: Ngay trong TW Đảng có một “cuộc chiến đấu” giữa những người dám có một xã hội thực sự tự do hơn (ở đây không nên phóng đại) và những người giữ quan điểm bảo thủ lạc hậu.

Cách đây sáu tuần tôi có cơ hội nói chuyện với một người biết nhiều về Ban Tuyên giáo TW Đảng và qua thảo luận đó tôi biết những người làm trên ban nay biết rất rõ Việt Nam chẳng nên áp dụng những biện pháp như TQ và thật sự muốn Việt Nam có một văn hóa chính trị thoáng hơn. (Một lần nữa tôi không phóng đại vì biết những người này giữ quan điểm “đi từ từ…” Riêng tôi lo ngại là như từ trước đến nay đã cho thấy, “từ từ” liệu có quá dễ thành “chẳng thay đổi gì cả”?)

Thế nhưng dù yêu hay ghét Đảng, không ai có thể phủ nhận việc cho đến giờ một số người có thể bày tỏ chính kiến hầu như vô tư trên FB (chưa nói đến blog riêng) là nhờ một phần nhất định (ngoài hạn chế kỹ thuật) của những quyết định có ý thức (concious decisions) trong Đảng.

Ở đây tôi kết thức với một câu hỏi về con đường cải cách sắp tới. Theo tôi, muốn thành công Việt Nam phải phát triển một liên minh rộng, gồm những người ở bên trong và ngoài bộ máy. Tôi biết nhiều người bác bỏ ý tưởng này của tôi và tôi vẫn tôn trọng họ. Như đã nói trước, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rất khó đoán hành vi của những người trong một bộ máy một Đảng trong quá trình chuyển biến và mất ổn định, chính vì những người trong bộ máy che giấu quan điểm thực sự của mình cho đến lúc họ bị bắt buộc phải chọn hoặc họ nhìn thấy một cơ hội nhất định.

Ở phương Tây, có một thuật ngữ là “lều lớn” có được sử dụng khi đề cập đến ‘chính trị liên minh”, hàm ý là môt không gian đủ rộng để phát huy đầy đủ những lực lượng cải cách trong xã hội. Chú ý, “big tent” trong trường hợp này không có nghĩa là “rạp xiếc.” Những người sợ dân chủ có nhiều loại. Có người sợ mất ghế (hoặc nay là sợ mất xe Bentley, vài căn hộ). Có những người khác vì học đường lối lâu quá mà đi đến giả định một xã hội dân chủ sẽ mất trật tự, thành ra một rạp xiếc như Philipin chẳng hạn.

Thế nhưng đối với riêng tôi, tôi tin rằng cũng có thể ở Việt Nam có một quá trình xuất phát từ ngoài lẫn trong bộ máy, cho phép Việt Nam có một trật tự xã hội dân chủ, minh bạch, có trách nghiệm giải trình cao. Muốn cái đó thì phải lo những cách tốt nhất để đấu tranh cả trong lẫn ngoài bộ máy. Phải có lòng dũng cảm. Phải có trí tưởng tượng. Phải có một đầu óc sáng suốt và cởi mở. Mạng, dù quan trọng, chỉ là một phương tiện.

JL, Hà Nội

 

12 thoughts on “Sợ cái gì? Những câu hỏi về Internet và dân chủ hóa

  1. Tuy còn nhiều vấn đề về giả thuyết hay học thuật cần tiếp tục làm rõ và trao đổi thêm nhưng đây la một bài viết hay, ngắn ngọn, dí dỏm và nhiều hàm ý sâu sắc. Bác Nguyễn Hưng Quốc viết trên blog VOA cũng có bài hay về xã hội dân sự trong đó có nói về hình thái mới của xã hội dân sự qua các phong trào đóp đóng/ bày tỏ ý kiến về Hiến pháp và các vấn đề khác trên Internet. Cá nhân tôi với góc độ nghiên cứu cũng quan tâm đến “big tent” như bài viết đề cập, cụ thể là cần nghiên cứu sâu về nhận thức pháp quyền của các nhóm xã hội có vai trò tạo lập chính sách. Chẳng hạn, một ví dụ như liệu có những khoảng cách quá xa về nhận thức pháp quyền giữa các cơ quan của Chính phủ như Bộ Tư pháp với cơ quan biên tập xây dựng dự thảo?
    Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị từ 1982, khoảng cách từ ký kết đến thực sự áp dụng xây dựng văn bản pháp luật như thế nào, chắc chắn cũng sẽ là một nội dung thú vị mà các nhóm trong“big tent” quan tâm thảo luận.
    Trân trọng cảm ơn tác giả bài viết.

  2. Kể từ khi internet được phổ biến ở VN , và tiếp tục mở rộng đến khi nó trở nên một phương tiện truyền bá thông tin đại chúng (bây giờ thì chưa được hoàn toàn như vậy) , nhân dân và đa số là những sinh viên ,học sinh đã tham gia vào việc bày tỏ quan điểm nhiều hơn , tuy chưa phải là nơi thật sự an toàn để bày tỏ quan điểm bất đồng hay chống đối , nhưng chắc chắn một điều khác biệt trước đây , những tiếng nói này chưa hề được mạnh dạn nói lên ở những nơi công cộng như đã được bày tỏ ở trong blog hay web ,bộ máy kiểm soát của nhà nước đã không còn đủ sức để ngăn chặn hay trừng phạt được tất cả vì số đông đang lớn mạnh , những nhà nước vẫn có những cố gắng của nó để dập tắt đi những tiếng nói đối lập manh , có trọng lượng và tầm nguy cơ sâu rộng , vì vậy như thời gian vừa qua , nhà nước đã bắt đi một số người như có tính răn đe cho những người khác và tạo ra sự sợ hãi chùn bước , nhưng cũng chỉ làm chậm lại tiến trình của những người đồng quan điểm đang dần dần hội tụ lại với nhau để có thể thành một tổ chức chắc chắn hơn .
    Ngay trong nội bộ đang cũng có những ý kiến trái chiều , dù bị đặt ra ngoài lề bản thảo trong quốc hội vừa qua , cho thấy khuyng hướng tự do phát biểu và đề nghị thoáng hơn những năm trước đây rất nhiều và như vậy , trong tương lai gần , những người có ý kiến trái chiều ở TW , BCT và quốc hội sẽ tìm đến nhau để có thể trở thành một nhóm như là một khuynh hướng tự nhiên .
    tóm lại phần này , trong nhân dân , cũng như trong đảng đã có tiếng nói không giống như sự đòi hỏi của đảng mà là tiếng nói noí lên sự quan tâm về quyền lợi tổ quốc và quyền lợi của nhân dân trong những góc nhìn khác đang tạo ra những mảng đối lập rõ ràng , nhưng chưa thực sự đến gần lại với nhau để có thể thành một tổ chức .
    Sự hình thành một tổ chức đối lập rất khó nếu như bộ máy ra tay thanh trừng trong nội bộ đảng rồi đến nhân dân thì xã hội có thể sẽ đi đến tình trạng bạo loạn không ? Và nếu như có một sự cởi mở hơn để những thành phần cấp tiến trong đảng đang nắm ưu thế số đông , kết hợp với các mảng đối lập trong nhân dân để có thể tạo nên một tổ chức đối lập , thì sự cải cách mời mẻ này sẽ xây dựng một mô hình mới cho đảng và tiếp theo là sự cải cách thực sự cho xã hội ? những diễn tiến này đang được dự đoán là rất chậm chạp , có thể phải mất nhiều năm sau này?
    Hy vọng rằng , tiếng nói đòi hỏi nhân quyền được can thiệp từ tất cả các tổ chức , cá nhân trong cũng như ngoài nước có thể tác dụng tốt hơn , nhanh hơn để có thể đem đến sự cải cách trong ôn hòa ,đoàn kết để các đảng phái ,đoàn thể và tất cả các cá nhân có thể ngồi lại được với nhau , xây dựng đất nước ,
    Lúc đó hòa giải hòa hợp không chỉ là một lời nói , nhưng thực sự là một hành động tạo sự đoàn kết ,và chắc chắn rằng loại trừ đối lập sẽ không bao giờ tạo sự đoàn kết trong nhân dân , Neu bộ máy tuyên truyền của đảng trong quá khứ đã chứng minh rằng rất hiệu quả , mà nó được quyền nói chỉ một chiều , một mình mà không có một tiếng nói đối lập nào có thể lên tiếng phản bác được thì nay hệ thống thông tin toàn cầu hoàn toàn đánh bại bộ máy tuyên truyền của đảng với những tiếng nói đối lập vang vọng khắp nơi không ngừng ngày và đêm , tất cả mọi âm mưu xấu xa sẽ bị phơi bày; và cũng là phương tiện thông tin tốt nhất cho những người đồng cảnh , đồng cảm khắp thế gioi đến gần lại với nhau .
    thế kỷ 21 này phải là thế kỉ của sự công bằng trong tự do ngôn luận đến cho mọi người qua hệ thống internet toàn cầu .

  3. Tôi không nhớ ai đó -hình như Dennis Ritchie hoặc Alan Turing- có nói rằng máy vi tính chỉ thông minh bằng người sử dụng nó, và nguyên tắc GIGO (garbage in, garbage out) được phát triển để diễn tả bằng lý thuyết câu phát biểu trên. Tôi có thể phát triển ra internet và các phương tiện truyền thông mạng chỉ thông minh và, nhất là, can đảm bằng số người sử dụng nó .

    Với những tuyên cáo về sự an toàn của cá nhân trong môi trường toàn trị, ta có nên quảng cáo cho một loại mạng internet của những quyền tự do bị thiến bớt của các công dân ngoan ngoãn không nhỉ ? The New Internet, the Internet of Neutered Freedom, the Internet of Pet Citizens. Và anh có chấp nhận làm poster boy, hay devil’s advocate cho mạng Internet mới này không ?

  4. Em nghĩ điều cốt lõi trong tình hình hiện tại ở VN là cả lực lượng đấu tranh và kiểm soát đều chưa hiểu được hết sức mạnh của mình với công cục hỗ trợ new media mà cụ thể nhất là internet. Về phía lực lượng đấu tranh, đại đa số bị phát “sốt”, phát “cuồng” vì những giá trị ảo mà mạng xã hội mang lại, hơn là biến nó thành 1 nơi có thể xem là free public speaking space để tạo nên phong trào xã hội (Xem tại đây: http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nhuc-mat-dich-vu-bien-tuong-no-ro-tren-mang-xa-hoi-739208.htm). Vẫn có nhiều trang FB hay blog có thể hiện quan điểm cấp tiến và mạnh bạo trong suy nghĩ, nhưng em vẫn có cảm giác rời rạc và mang tính chất châm biếm nhiều hơn là hướng đến những mục tiêu dài hạn và tackle the root cause. Có lẽ là VN vẫn hay “nhanh” cái này mà “chậm” cái khác, “thừa” cái này mà “thiếu” cái kia. Nếu như việc Internet xuất hiện ở VN khá trễ, khoảng từ 1997 thì mức độ lan tỏa và số lượng người dùng Internet ở VN tăng chóng mặt. Khoảng 32 triệu người, hơn 1/3 dân số VN đang sử dụng Internet, chất lượng tốc độ Internet ở VN đứng đầu khu vực Đông Nam Á, nhưng người dùng Internet ở VN lại được biết đến với số lượng tìm từ khóa “sex” nhiều nhất trên thế giới! Thiết nghĩ, sự quan tâm của cư dân mạng với các vấn đề của xã hội và sức mạnh của công cụ Internet trong phong trào XH ở VN thật sự thiếu. Còn bàn về vấn đề sự khác biệt trong cách quản lý giữa VN và TQ, thì VN ít decentralized hơn nên điều kiện để chính quyền các địa phương lay là người dân của những địa phương này có thể tạo ra sự khác biệt và challenge the central government cũng khó hơn. Hơn nữa, Chinese netizens cũng nhận thức rõ hơn vai trò và sức mạnh của họ và có những cách luồng lách thể hiện tiếng nói rất hiệu quả. Cụ thể là bài viết bằng tiếng Trung có thể dễ bị kiểm duyệt nhưng viết bằng tiếng Anh thì khó bị kiểm soát hơn. Nói đến đây, lại quay về vấn đề cải cách giáo dục và việc yếu kĩ năng mềm (ngoại ngữ và tin học) của học sinh VN. Đến khi nào chúng ta mới có được 1 lực lượng đấu tranh đủ về chất và lượng?! Khi đó, những việc khác sẽ dễ dàng thực hiện hơn…

    Just my 2 cent thoughts. Thanks for your post and inspiration 🙂

  5. Thông tin tham khảo: Ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 16 blogger vì “kích động nổi loạn”.
    Các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Izmir đã bị bắt giữ 16 blogger vì phát tán trên internet thông tin chống phá. Theo hãng thông tấn DHA của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin hôm nay, trong suốt năm ngày biểu tình chống chính phủ, các blogger trên mạng xã hội đã xúi giục nhân dân nổi dậy và đã tham gia vào hoạt động tuyên truyền”.

    Theo DHA, cảnh sát đã tiến hành lục soát 38 địa chỉ và tất cả những người bị bắt giữ đã bị đưa đến sở an ninh địa phương. Thông báo rằng số lượng người bị giam giữ có thể gia tăng.
    Nguồn:newsland.com
    Việc bắt giữ các blogger là việc chẳng đặng đừng khi nhà cầm quyền thấy những người này viết những bài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

    • Sự cai/thống trị của nhà cầm quyền không phải là an ninh quốc gia, chỉ trích một chính sách tồi dở, và -khi chính quyền thường xuyên ra những chính sách tồi dở- ngay cả chính quyền tồi dở không phải phá hoại an ninh quốc gia . Đúng hơn, sự tồn tại quá lâu của một chính quyền tồi dở mới là nguyên nhân chính làm nguy hại tới an ninh quốc gia .

    • Có một sự làm lẫn không hay cố tính mạo nhận về “sự an ninh quốc gia” va ” sự lâm nguy của Đảng” khi truyền thông mở rộng sự thật ?

  6. Ở chế độ độc tài toàn trị VN, không có nhân quyền nên người biểu tình đông những mấy chục mạng mà không được coi là người biểu tình, chỉ bị coi là người đi “tụ tập đông người” đàn áp dã man bằng cách khiêng lên xe buýt, đưa đến “trại tập trung”, bắt ngồi “chém gió”, lúc đói bắt buộc phải ăn cơm gà, đến cuối giờ chiều buộc phải ra khỏi “trại tập trung”, uất ức quá một số không thèm về nhà “biểu tình nằm” ra đường đòi quay trở lại “trại tập trung”?
    Một em sinh viên hoàn cảnh khó khăn, làm thêm bằng cách đi rải truyền đơn, “vẫy cờ” phản quốc bị án tù nặng nề những 6 năm, một blogger viết bài khen đểu lãnh đạo đất nước bị bắt tạm giam.
    Ở xứ Mỹ, QUỐC GIA “NUMBER ONE” VỀ TỰ DO, DÂN CHỦ, một cậu bé văng tục chửi bậy, đe dọa khủng bố trên mạng phải đối mặt án tù có thể tới 20 năm, một ông Clifton Williams ngáp ngủ trong tòa bị phạt giam 6 tháng đến nỗi có người so sánh. Ngáp lớn trong Tòa Mỹ: 6 Tháng tù. Vậy hung hăng chửi tục trong Tòa như Nguyễn Văn Lý thì phạt thêm mấy tháng nữa?
    Xứ Thổ, một quốc gia cũng dân chủ: người biểu tình xuống đường chừng 200.000 mạng biểu dương đường lối chính sách của chính phủ, được cảnh sát sở tại tôn trọng nhân quyền của những người biểu tình, đối xử với người biểu tình nhân đạo đúng cách: dùng dùi cui, giầy đinh vuốt ve lên đầu, mặt, hơi cay xịt mù đường, vòi rồng phun xối xả… nhằm giải nhiệt mùa hè, chống nóng xứ Thổ, kèm theo là mời chừng gần 2 chục vị blogger vào nghỉ mát trong nhà đá vì đã có công đưa người biểu tình xuống đường!
    Thật bất công! Việt Nam cần thay đổi!

    • Bác Tôn nói đúng đấy , Việt nam cần phải thay đổi hết đám lãnh đạo đi cho dân nó nhờ ,

  7. Bạn viét bài đáng chú ý. Theo tôi, trong tình hình này hình như là quan trọng để ủng hộ những phe phái tiến bộ trong Đảng. Câu hỏi là làm gì để đưa sự ủng hộ này….

  8. Đọc nhiều bài viết của Jonathan dần dần tôi nhận ra thâm ý của anh chàng này rồi! Nhưng còn quá sớm để đánh giá đúng sai về thâm ý đó. Mong rằng những bài viết này không trở thành “cây gậy” chọc ngoáy làm “đục nước béo cò”, hay “củ cà rốt” tẩm độc hạ gục những chú thỏ ngây thơ!
    Bình Dân

Comments are closed.