Hướng về giải thưởng (Chú trọng đến mục tiêu tối hậu)

Trước những diễn biến mới nhất ở Việt Nam – cụ thể là kết luận bất mãn (tuy phần lớn nào có thể dự đoán được) của công cuộc sửa đổi hiến pháp, chuỗi các vụ bắt blogger (mà giờ đã thành xu thế ổn định), và mối lo ngại ngày một gia tăng về tình hình của nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ – ta rất dễ kết luận rằng chẳng có gì thay đổi trong chính trị Việt Nam.

Một tia sáng đang nhanh chóng tàn lụi

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội dầu tuần trước là một cú chớp loé sáng rồi vụt tắt trong quãng thời gian mấy tuần đáng ngán ngẩm. Những lá phiếu tín nhiệm, theo quan điểm của tôi, đã và vẫn là một diễn biến quan trọng trong quá trình phát triển của Quốc hội – một diễn đàn mà ngay từ những ngày còn non trẻ của nó, đã bị đặt xuống một vị trí hoàn toàn phụ thuộc vào chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và do đó đã và vẫn thể hiện mọi hạn chế của một chế độ độc đảng.

Sự quan trọng của những lá phiếu là chúng đưa ra một yếu tố có thể gọi là “sự không xác định trước được” (indeterminancy) trong nền chính trị của đất nước, một yếu tố vốn gần như đã biến mất ở một đất nước nơi hệ thống cai trị theo thứ bậc và đầy bí mật của các chi bộ đảng đã thâm nhập vào gần như tất cả các tổ chức xã hội. Nói cách khác, nền chính trị của Quốc hội không còn hoàn toàn hay chỉ là thứ chính trị được sắp đặt từ trước mà chúng ta đều đã quá quen thuộc. (Dù vậy, Quốc hội vẫn là một cơ quan được cấu thành, chỉ định, hành động, lửa chọn, và quản lý do một chế độ độc đảng.)

Các vụ bắt bớ blogger

Khổ thay, trong vài ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu của Quốc hội cộng với những ì xèo mà nó gây ra, cảm giác về cơ hội (về cái có thể diễn ra) đã nhường chỗ cho cái điều quen thuộc đến phát chán nọ. Như bây giờ người ta đã rõ, Nhà nước, có lẽ là theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, đã tăng cường gấp đôi nỗ lực bịt miệng và dập tắt sự phát triển của ‘phong trào’ cải cách chính trị càng ngày càng sôi động của Việt Nam.

Chúng ta hãy quay trở lại để nói nhanh về các vụ bắt bớ. Trong vòng ba tuần, ba người đã bị buộc tội theo một công cụ mới được các cơ quan trấn áp ở Việt Nam ưa chuộng: Điều 258 Bộ luật Hình sự. Cái biện pháp đậm đà màu sắc Stalin này quy định rằng, “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Tôi hỏi, tại sao nhiều tiến bộ, bộ máy nhà nước của Việt Nam, một quốc gia với tiềm năng to lớn như thế, lại vẫn có những bốc đồng của một nhà nước công an trị? Làm sao những định chế áp bức như thế có thể đóng góp được gì cho tương lai của đất nước?

Các vụ bắt bớ, tất nhiên, nhằm bịt miệng không chỉ một vài cá nhân, mà còn nhằm đe đoạ tất cả những người có và đang phát triển đầu óc đổi mới. Còn quá sớm để biết liệu chúng có hiệu quả hay không. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng việc bắt giữ, không phải là dội nước lạnh lên những ý kiến bất đồng về chính trị, mà đã làm sâu sắc thêm cảm giác quyết tâm ở những người bên trong, bên ngoài, và trên biên giới bộ máy ở một quốc gia đang tìm kiếm cải cách chính trị mang tính đột phá. Cùng lúc, hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam một lần nữa bị kéo xuống bùn.

Ảo tưởng Internet?

Các vụ bắt giữ cũng kéo theo một cơ hội để đánh giá tỉnh táo về các khả năng và giới hạn của du luận chính trị trên nền Internet ở Việt Nam. Một bài báo gần đây trên tờ Financial Times về  hoạt động trên hoạt động chính trên mạng ở Đông Nam Á  (tác giả Daving Pilling, với sự hợp tác của Nguyễn Phương Linh) cho thấy sức mạnh của Internet trong việc hình thành và phát triển những cuộc tranh luận chính trị mở.

the-net-delusionNhưng bài báo cũng chỉ ra những giới hạn của hoạt động trên mạng trong xã hội toàn trị, dẫn chiếu đến cuốn sách hấp dẫn nhưng không phải là không gây tranh cãi của Evgeny Morozov, “Ảo tưởng net” (The Net Delusion – xem bài điểm sách rất đáng suy ngẫm ở đây) – cuốn sách phản bác ý kiến cho rằng Internet là một công cụ hiệu quả của hoạt động đấu tranh cho tự do.

Lùi lại để quan sát những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng có thể nhất trí rằng, mặc dù Internet ở Việt Nam đã giúp ích cho công cuộc hình thành và phát triển những thảo luận chính trị mang tư duy cải cách sống động, nhưng cho đến giờ, thảo luận chính trị công khai ở Việt Nam vẫn tồn tại chủ yếu (dù không hoàn toàn) trên cyberspace.

Mặc dù các cuộc thảo luận thường thú vị, nhưng, có lẽ cũng có thể thấy trước được, là chúng thường chuyển hoá thành một loại “căn phòng trút giận”, trong đó, người ta mất rất nhiều sức vào việc phê phán các khuynh hướng chính trị lạc hậu của Việt Nam mà bỏ rất ít công sức (có lẽ do sợ những mối nguy hiểm cố hữu) cho những giải pháp chính trị có tính chủ động.

P.O.S.

Nghiên cứu khoa học xã hội về các phong trào xã hội cho thấy rằng, tuy những lời công khai kêu gọi cải cách có thể là một động lực mạnh mẽ, nhưng những kêu gọi như thế chỉ được hiện thực hoá, trở thành các phong trào lớn mạnh và hiệu quả khi chúng tập trung và được hỗ trợ bởi các hành động có tổ chức, có kỷ luật, xoay quanh những mục tiêu chính trị cụ thể.

Điều này, đến lượt nó, lại đòi hỏi phải có những hình thức tổ chức để có thể huy động và triển khai “các nguồn lực khác nhau cho phong trào xã hội”, suốt một thời gian liên tục trong một môi trường chính trị thay đổi liên tục. Ngược lại, sự thể hiện một cách hỗn loạn trên mạng, mặc dù có thể có tính xả stress (“nhuận tràng”), tự nó không chắc có thể mang lại kết quả hữu hình vào.

Công cuộc cải cách ở Việt Nam quả thật có thể được ví với một “căn lều lớn”. Nhưng cho đến nay, các hoạt động bên trong căn lều đó vẫn hỗn loạn một cách không thể chối cãi. Điều này đưa chúng ta đến với khái niệm “cấu trúc của thời cơ chính trị” (political opportunity structure hay P.O.S.).

Sự hình thành các phong trào xã hội không diễn ra trong chân không, mà là trong môi trường xã hội năng động, được tạo hứng khởi từ một loạt những cơ hội và rủi ro tiến triển không ngừng. Thành công hay thất bại của các phong trào cải cách trên toàn cầu thường phụ thuộc vào việc các phong trào đó vận hành như thế nào trước những rủi ro, đe doạ đó.

Quá trình cải cách hiến pháp là một ví dụ tốt để minh hoạ khái niệm “cấu trúc thời cơ chính trị”. Việc thảo luận về sửa đổi hiến pháp không tình cờ tiến triển. Thay vì thế, nó do Nhà nước khởi xướng một cách vụng về, và sau đó được nắm bắt bởi một nhóm người có tâm, những người cảm thấy có một cơ hội chính trị, và rồi họ tận dụng nguồn lực và tài năng của họ một cách có tổ chức, khôn ngoan, chiến lược.

Thứ mà ban đầu là một quá trình được giới bảo thủ trong nhà nước đạo diễn đã phát triển (nhờ những hành động can đảm của các nhà ủng hộ cải cách) thành một cuộc thảo luận sinh động trên tầm quốc gia, điều thật sự chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam.

Nhớ lại, những người cổ vũ cải cách hiến pháp trong ví dụ này đã tập trung vào vấn đề cụ thể là liệu có nên, và phải làm thế nào, để sửa đổi hiến pháp một cách căn bản – việc này có liên quan đến vấn đề còn to lớn hơn, là cải cách thể chế.  Phải công nhận là dù phong trào sửa đổi hiến pháp (và tôi nghĩ nó là một phong trào, theo cách nào đấy) vẫn chưa đem đến những thay đổi đáng kể trong thể chế chính thức của Việt Nam, nó có mang lại một số thay đổi khá rõ nét trong giọng điệu và đặc điểm của các cuộc thảo luận chính trị ở  Việt Nam. Và điều đó, trong quan điểm của tôi, là một kết quả rất đáng kể.

Phong trào hiện tại xoay quanh tình hình ông Cù Huy Hà Vũ có lẽ là một thời cơ chính trị khác. Một lần nữa, đây là một thời cơ được tạo bởi những hành động vụng về của những yêu tố áp chế mà đáng tiếc vẫn sinh tồn trong nhà nước. Nhưng giờ đây phong trào đó có trong tay một nhà bất đồng chính kiến hùng biện và có quyết tâm cao; một nhân vật thu hút sự ủng hộ rộng lớn cả trong và ngoài Việt Nam.

Nhìn lại toàn cảnh tình hình

Trước tình hình bắt bớ và giam giữ liên tục không ngừng nghỉ, người ta không nên chỉ nhìn cây mà bỏ qua nhìn rừng. Nhìn rộng ra là một việc làm có ích.

Có thể phát biểu một cách an toàn rằng 12 tháng qua, tình hình khá khác so với bất kỳ thời kỳ nào có thể đem ra so sánh trong lịch sử Việt Nam. Có thể nhìn thấy đặc điểm nổi bật của giai đoạn này trong bộ máy nhà nước, cùng với việc Ban Chấp hành Trung ương khiển trách Bộ Chính trị, cái ghế lung lay của ông Nguyễn Tấn Dũng, và gần đây nhất là thất bại có vẻ của phe bảo thủ trong việc nhét Nguyễn Bá Thanh vào Bộ Chính trị. Ngân và Nhân vẫn còn là hai nhân vật bí ẩn và hãy còn quá sớm để nhận rõ liệu sự cởi mở mà người ta gán cho họ là diễn hay là thật.

Chúng ta nhận thấy rất rõ, rằng tranh giành giữa các phe phái đã luôn hiện diện trong Đảng. Có lẽ là đáng khích lệ khi mà cuộc chiến phe phái đã mang một bộ mặt công khai hơn. Quả thật, đối với tôi, tranh giành phe phái trong Đảng càng trở thành chuyện “bình thường” hơn và công khai hơn thì Việt Nam càng đi gần hơn đến đa nguyên về chính trị – chế độ đa nguyên có thể giúp cho sự chuyển đổi để đi đến một tương lai dân chủ hơn. Mặc dù nín thở theo dõi là dở hơi, nhưng các diễn biến chính trị trong nội bộ Đảng là rất đáng kể và những người có tư duy cải cách cần phải được theo dõi cẩn thận để có phản ứng phù hợp.

Trong khi đó, bên ngoài nhà nước đảng trị, và trên biên giới của nó, Việt Nam rõ ràng là khác hẳn so với cách đây một năm. Tuy rằng người ta vẫn có thể bị tống vào tù vì đã phát tán biểu tượng chính trị “sai lệch”, hay vì nói những điều không đẹp về Bắc Kinh, hay vì kêu gọi lật đổ chính quyền, nhưng hàng ngũ  những người Việt Nam có tư duy cải cách ngày nay được thoải mái tuyên bố họ muốn cải cách chính trị ngày một đông đảo thêm, và không chỉ chia sẻ trên mạng. Chẳng hạn, nhiều người Việt Nam thoải mái nói rằng họ muốn xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp. Những người mà tôi đang nghĩ đến không có mực tiêu giải tán Đảng và chắc chắcn họ không phải là “thế lực thù địch”. Họ là những người Việt yêu nước, mong muốn Đảng Cộng sản Việt Nam chấm dứt độc quyền lãnh đạo và cạnh tranh cùng các đảng phái yêu nước khác để cùng thúc đẩy lợi ích quốc gia trong một trật tự xã hội hoà bình, an ninh và dân chủ.

Một số câu hỏi thực tiễn

Trong ngắn hạn, có những câu hỏi quan trọng cần được đặt ra. Chẳng hạn, trước cải cách, các đảng nên vận hành như thế nào trong tình hình bị đàn áp tàn nhẫn với hàng loạt vụ bắt bớ theo Điều 258? Đó là một câu hỏi hay. Có lẽ cần kiên nhẫn, thận trọng, có óc tưởng tượng, có khả năng tháo vát, và tránh rơi vào những cái bẫy khác nhau mà kẻ thù của cải cách giăng ra.

Mặc dù phải thừa nhận điều này khó thực hiện, nhưng cần phải nhìn vượt ra bên ngoài thể chế và các cơ quan chuyên trấn áp. Công an – những người hiện diện trong các vụ bắt giữ và đe doạ – là lực lượng cuối cùng cần được phân tích, họ chỉ là những người thực hiện các mệnh lệnh cụ thể của thể chế. Họ là con người, đang sống, đang hít thở không khí, có gia đình và có hy vọng. Tương lai nghề nghiệp của họ phụ thuộc vào việc họ tuân thủ triệt để đến mức các mệnh lệnh do những chính sách sai lầm đưa ra.

Cũng có thể nói y như thế về lực lượng bình luận viên trên Internet, do nhà nước thuê, những người liên tục cố gắng định hướng dư luận bằng đủ thứ lý lẽ nguỵ biện. Trên trang blog tiếng Việt của tôi chẳng hạn, các quan sát của tôi về biểu tình ở Việt Nam bị một số “người đọc” hiểu sai thành lập luận ủng hộ biểu tình. Tôi nhấn mạnh rằng biểu tình trong chính thể dân chủ là một cơ chế để gây áp lực lên các chính trị gia thiếu trách nhiệm giải trình. Tôi không ủng hộ bản thân hành động biểu tình, và tôi phản đối biểu tình bạo lực dưới mọi hình thức. Một người đọc khác bảo tôi nên tập trung vào các nạn nhân của chất độc màu da cam và dioxin. Tôi tuyệt đối là nên làm thế. Nhưng vấn đề này, bản thân nó, chẳng liên quan gì đến cải cách chính trị. Và trong vài ngày qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều bài báo lố bịch, chúng chỉ làm tăng thêm chứ không làm giảm những lo ngại về tình hình Cù Huy Hà Vũ.

Hành động bắt bớ và đe doạ cũng như là thứ “chính trị một chiều” khiến người ta chán nản và không dễ xử lý. Tuy nhiên, những người cổ suý cho cải cách thực sự sẽ bị thua nếu họ dành phần lớn công sức vào phản ứng với những thứ đó và tương đối ít công sức vào các giải pháp chính trị chủ động.

Tính chủ động (chứ không phải “phản ứng” – càng không phải phản động) có thể giúp người ta xử lý các khía cạnh tâm lý mệt mỏi của việc sống trong một nhà nước công an trị, trong khi cũng có thể thúc đẩy một cách tiếp cận mang tính tích cực hơn.

Xưa, nay, và tương lai

Có ví dụ nào trong lịch sử mà Việt Nam nên nhìn vào không? Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ, những nhà hoạt động đã từ chối, không để bị nhụt chí trước hành động trấn áp phi lý, và họ hướng năng lượng của họ không phải vào cảnh sát hay những kẻ áp bức, mà vào việc loại bỏ các chính sách trấn áp. Trong phong trào Quyền Dân sự ở Hoa Kỳ, các nhà hoạt động, từ những xuất thân khác nhau, đã nhấn mạnh nhu cầu phải duy trì kỷ luật và tập trung vào mục tiêu cao nhất. Tinh thần này được tóm gọn trong mấy từ (hãy để mắt đến việc) “Chú trọng đến mục tiêu tối hậu” [“(Keep your) Eyes on the prize”]. Ở đây cần nhấn mạnh rằng thành công của phong trào không phải là ở chỗ hát được nhiều bài hát, mà là ở vấn đề tổ chức.

Ở Hàn Quốc, công nhân và sinh viên đấu tranh cả thập kỷ để có cải cách. Và ngày nay, mặc dù nền chính trị của Hàn Quốc vẫn chưa hoàn hảo, nhưng họ đã đi trước Việt Nam nhiều năm ánh sáng – thật mỉa mai khi mà các lãnh đạo của Việt Nam đều ưa thích “mô hình Hàn Quốc”.  (Hàn quốc nào là mô hinh? Hàn Quốc tiên tiến của hôm nay? Hoặc Hàn Quốc công an trị của Park Chung Hee? Ai mà cho rằng Việt Nam có thể tái tạo kinh nhiệm của Hàn Quốc thời Park qua việc đán áp và bỏ vốn vào những công ty lớn thật là đang sống dưới một ảo tưởng nguy hiểm. Bẹnh đó tôi gọi là “Chaebol dreaming.”)

Về Việt Nam, cuộc đấu tranh của chính Việt Nam để giành độc lập, mặc dù – thật đáng tiếc – đầy bạo lực và huỷ diệt, đã có nhiều lúc “bên thắng cuộc” được gợi hứng bởi niềm tin tưởng sâu sắc vào chiến thắng cuối cùng. Theo rất nhiều người ở trong và ngoài bộ máy nhà nước Việt Nam, và ở mọi bên, chiến thắng cuối cùng vẫn chưa đến.

Nếu Việt Nam đạt được những cải cách họ cần thực hiện để gia nhập hàng ngũ các xã hội tiên tiến và cởi mở của thế giới, thì những gì cần có là tổ chức cẩn thận, chính xác, và quyết tâm lâu dài. Lịch sử không thể vội được. Nhưng thay đổi sẽ không đến nếu không có sự can đảm, thận trọng, và trí tưởng tượng.

Những người cổ vũ cho cải cách ở Việt Nam hình dung, và một xã hội trong đó các quyền tự do thể hiện trong hiến pháp được đảm bảo thật sự. Trong xã hội đó, mọi thủ đoạn kiểu Stalin đều chỉ còn là quá khứ. Một nước Việt Nam mạnh, an ninh, và dân chủ, được cai trị bởi pháp luật và một hệ thống tư pháp thực sự độc lập. Nếu đảng viên của Đảng Cộng Sản muốn củng cố tính chính danh của họ, họ phải tiêu diệt hết các thủ đoạn của nhà nước công an trị và bắt đầu xúc tiến những cuộc cải cách mang tính đột phá mà rõ ràng Việt Nam đang cần. Họ càng sớm làm việc đó thì Việt Nam càng sớm tìm ra con đường thực sự hứa hẹn để đi đến tương lai. Nhưng họ sẽ chỉ làm như vậy nếu những người ủng hộ cải cách để mắt theo dõi giải thưởng.

JL

 

19 thoughts on “Hướng về giải thưởng (Chú trọng đến mục tiêu tối hậu)

  1. JL viết: “Nếu đảng viên của Đảng Cộng Sản muốn củng cố tính chính danh của họ, họ phải tiêu diệt hết các thủ đoạn của nhà nước công an trị và bắt đầu xúc tiến những cuộc cải cách mang tính đột phá mà rõ ràng Việt Nam đang cần.”

    Người CS dư biết điều này, nhưng hiện giờ họ đang bị tê liệt, không làm gì được. Như Alexander Vuving (hay Vũ Hồng Lâm) đã vạch ra, kể từ cuối thập niên 80, người CS đã thiết lập tại VN một “quốc gia thu tô”, chuyên môn tạo ra nhiều chướng ngại trong xã hội để thu “tiền mãi lộ” của người dân VN, một việc làm mà Trần Hữu Dũng đã so sánh với việc giới địa chủ thu địa tô của tá điền thuê ruộng của họ.

    Sự hình thành của “quốc gia thu tô” đã giúp người CS cũng như gia đình họ có được một đời sống vương giả mà không cần phải thực sự lao động. Những cuộc cải cách mang tính đột phá mà Jonathan London nói đến sẽ bắt buộc người CS san bằng những chướng ngại nói trên, điều mà họ nhất định không muốn làm, vì chúng là nguồn thu nhập chính của họ. Thế nhưng nếu người CS vẫn ngoan cố, tiếp tục duy trì hiện trạng tồi tệ hôm nay, thì người dân VN sẽ trở nên ngày một bần cùng hơn, khiến họ dễ có thể đứng lên, tìm cách thay đổi chế độ bằng những cách tương tự như ở Bắc Phi.

    Đằng nào thì người CS cũng sẽ mất cuộc sống sung sướng mà họ đang dùng bộ máy chính quyền để bắt người khác đài thọ cho họ. Cái thế “tiến thoái lưỡng nan” của người CS có thể giúp chúng ta hiểu tại sao chế độ CS hiện giờ lại tỏ ra hoàn toàn thụ động trước những thử thách cam go mà VN đang gặp phải, trái với người CS của cuối thập niên 80, những kẻ đã có khả năng thi hành những thay đổi cần thiết để sống còn: Trong thời điểm nói trên, người CS không còn gì để mất ngoài chính quyền, còn bây giờ thì những người “CS” sống bằng “nghề thu tô” sẽ mất rất nhiều nếu họ chịu “xúc tiến những cuộc cải cách mang tính đột phá mà rõ ràng Việt Nam đang cần.”

    Do đó nên họ có thể sẽ không chấp nhận bất cứ thay đổi đáng kể nào, khiến cho việc dân VN nối lên thay đổi chế độ trở thành một việc càng lúc càng dể có thể xảy ra…

    • Saigon Buffalo
      Không biết ông này là người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở TP Buffalo – New York, hay TP Buffalo – Minnesota, hay là một “con trâu” đang gặm cỏ ở Sài Gòn, nhưng dù là gì thì ông ta vẫn sống ở trên trời. Ăn theo Vũ Hồng Lâm, Trần Hữu Dũng – mấy ông chuyên gia “kinh thế” chỉ nghiên cứu cách thức điều hành xã hội để bày tỏ sự bất bình mà không thèm màng tới cách thức ấy đã đem lại cái gì cho xã hội. Với họ, xã hội Việt Nam đương đại na ná như xã hội người Mường truyền thống mà cụ Từ Chi đã mô hình hóa bằng công thức quan/dân (trên quan dưới dân)! Nếu những người cộng sản chỉ biết “thu tô” thì một thằng không cộng sản như tôi sẽ không có cơ hội đọc trang mạng của Jonathan London để được thưởng lãm cái còm của Saigon Buffalo, không có cơ hội được nhìn ngắm sự thay đổi của đất nước mình. Các vị không ưng cái chính thể này, các vị muốn thay đổi nó, được thôi, nhưng hãy đánh giá đúng về nó, đừng ngồi một chỗ tưởng tượng rồi vu cho nó những điều nó không có. Tôi thấy một số tác giả ở hải ngoại hay sử dụng khái niệm “lương thiện trí thức”, tôi không rõ Saigon Buffalo có biết khái niệm này không?

      • Một người với mức độ lương thiện tối thiểu chỉ cần đọc báo được chế độ “CS” cho phép xuất bản cũng có thể thấy rằng khái niệm “quốc gia thu tô” là một khái niệm rất chính xác.

        Trái với những quốc gia văn minh đánh thuế người dân để có tiền chi phí cho các dịch vụ công cộng như quốc phòng, an sinh xã hội, y tế và hạ tầng cơ sở, “quốc gia thu tô” tại VN dành phần lớn số tiền thuế để nuôi sống các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ triền miên. Chế độ “CS” cần phải duy trì những chiếc thùng vô đáy này, vì chúng là nơi tạo ra “công ăn việc làm thoải mái” cho thân nhân và tay chân của họ. Tiền thuế người dân VN phải đóng để đài thọ cho cuộc sống dễ dãi của những người này có khác gì địa tô mà tá điền phải trả cho địa chủ, kẻ không có làm mà vẩng có ăn.

        Bên cạnh đó chế độ còn tạo ra một bộ máy công chức khổng lồ mà người dân phải “bôi trơn”, một động từ thường gặp ngay trên báo chính thức tại VN. Tiền “bôi trơn” có khác gì tiền “tô” mà họ phải trả để vượt qua những chướng ngại do chính bộ máy này dựng lên. Có thể nói lực lượng Cảnh Sát Giao Thông là thành phần nổi bật nhất của “bộ máy thu tô” đang cầm quyền tại VN và Trung Tá Hồ Lưu Luyến lại là người đại diện khá tiêu biểu của lực lượng đó. Xem một đoạn trong một bảng tin sau đây ở dantri.vn:

        http://dantri.com.vn/phap-luat/doanh-nghiep-to-bi-ep-tra-tien-nhau-cho-csgt-730422.htm

        “Ngày 12-5, ông TNK, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Ba Ngòi, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), cho biết: Ông đã gửi đơn “tố” Trung tá Hồ Lưu Luyến, Trạm phó Trạm CSGT Cam Ranh (thuộc Phòng CSGT Công an Khánh Hòa), thường xuyên bắt ông trả tiền các độ nhậu tiếp khách của ông Luyến.

        Thấy tên trên điện thoại là sợ!

        Theo ông K., doanh nghiệp của ông có hơn 10 đầu xe tải chạy đường dài nên ông rất “biết điều” với lực lượng CSGT, đặc biệt là với Trung tá Luyến. “Vì tôi luôn tỏ ra “biết điều” nên ông Luyến hay mời tôi nhậu nhưng thực chất là gọi tôi đến để trả tiền cho các độ nhậu của ông ấy. Mỗi lần thấy tên ông Luyến hiện lên trong điện thoại là tôi phải chuẩn bị tiền đến một quán nhậu nào đó để trả, riết thành quen. Những lần tính tiền nhậu cho ông Luyến trước đây khi thì 2 triệu đồng, lúc 5 triệu đồng, cùng lắm là 5 triệu đồng tôi chấp nhận được. Tuy nhiên, ngày 10-1-2013, tôi “xanh mặt” với cái hóa đơn hơn 13,3 triệu đồng cho chầu nhậu tiếp khách của ông Luyến” – ông K. nói.

        Theo ông K., trưa 10-1, ông nhận điện thoại của ông Luyến rủ đến một quán nhậu ở phường Cam Linh, TP Cam Ranh. Đến nơi, ông hết hồn với phiếu tính tiền hơn 13,3 triệu đồng cho ba chai Chivas 21 (mỗi chai 2,7 triệu đồng), một con chồn nặng 3,7 kg với giá gần 5 triệu đồng. Dù số tiền quá hớp nhưng ông phải bấm bụng trả rồi lấy hóa đơn đỏ ra về.”

        Đối với “ông TNK, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Ba Ngòi, TP Cam Ranh”, khái niệm “quốc gia thu tô” rõ ràng không phải là mộ sự tưởng tượng.

  2. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa việc khảo sát thông tin trên internet rồi bị các thông tin này mê hoặc với tư duy tư biện. Bài này cung cấp thêm cho tôi bằng chứng để củng cố điều trước đây tôi đã ám chỉ rằng: Lý thuyết Xã hội học và vài ba cái “học” nào đấy từ phương Tây được Jonathan London áp dụng một cách máy móc vào sự chuyển biến của một xã hội mà ở đó, những đặc điểm riêng về văn hóa có quá nhiều khác biệt so với các xã hội đã sản sinhh ra cnhững thứ “học” được Jonathan London vận dụng để phân tích tình hình xã hội Việt Nam đương thời. Sẽ có những người hể hả tán dương Jonathan London khi thấy ông viết về “hạn chế của một chế độ độc đảng”, về việc “tăng cường gấp đôi nỗ lực bịt miệng và dập tắt sự phát triển của ‘phong trào’ cải cách chính trị càng ngày càng sôi động của Việt Nam”, về câu hỏi “những bốc đồng của một nhà nước công an trị?”… Và cũng sẽ có người cười khẩy vì thấy Jonathan London viết và lòng vòng lập luận không khác gì luận điệu của những người đang nhìn Việt Nam như một xã hội độc tài, mất dân chủ, vi phạm nhân quyền… Rốt cuộc, nhiệt huyết của Jonathan London với đất nước Việt Nam của chúng tôi sẽ có ý nghĩa gì đây? Hay cuối cùng thì Jonathan London sẽ lại trở thành “điểm tựa khoa học” cho những người đang muốn thay đổi xã hội Việt Nam bằng cách phê phán, miệt thị xã hội ấy mà không biết con đường tiếp theo sẽ là gì?

    • Cảm ơn Bình Mình về những lời báo động .. đặc biệt về/v cách viết của tôi đối với lý thuyết xã hội ‘từ phương Tây’…’ áp dụng một cách máy móc ‘… ‘vào sự chuyển biến của một xã hội mà ở đó, những đặc điểm riêng về văn hóa có quá nhiều khác biệt so với các xã hội đã sản sinh ra’… và ‘Sẽ có những người hể hả tán dương Jonathan London khi thấy ông viết về “hạn chế của một chế độ độc đảng”, về việc “tăng cường gấp đôi nỗ lực bịt miệng và dập tắt sự phát triển của ‘phong trào’ cải cách chính trị càng ngày càng sôi động của Việt Nam”, về câu hỏi “những bốc đồng của một nhà nước công an trị’….

      Về cáo buộc thứ nhất, thì đúng ra một tỷ lệ lớn của nghiên cứu về các vấn đề liên quan ‘phong trào xã hội’ có xuất phát từ nghiên cứu về kinh nghiệm ở phương Tây… thế nhưng có nhiều nghiên cứu về phương đông chứ…. một vd là cuốn sách ‘The Power of Tiananmen: State-Society Relations and the 1989 Beijing Student Movement’ do Dingxin Zhao… có nhiều cuốn sách, bài việt khác (chẳng hạn cuốn ‘Rightful Resistance’ v.v.)… cũng có thể lý luận rằng trong lịch sử xã hội Việt Nam lý thuyết của Lenin ‘áp dụng một cách máy móc vào sự chuyển biến của một xã hội mà ở đó, những đặc điểm riêng về văn hóa có quá nhiều khác biệt so với các xã hội đã sản sinh ra…’ đúng không anh?

      Blog không phải là nơi để trình bầy nghiên cứu nên tôi chỉ tìm hiểu những y thưởng… vâng, làm như thế cững có nguy cơ nhất định của nó…

      Anyways… tôi sẽ phấn đấu viết một cách tốt nhất… mực đích là đống gốp một cách xây dựng nhất… và chỉ có nhận xết là đán áp không phải là một con đường hứa hẹn cho Việt Nam…

      Đối với “người đang nhìn Việt Nam như một xã hội độc tài, mất dân chủ, vi phạm nhân quyền” thì tôi phải chia sẻ, Việt Nam còn nhiều hạn chế về những vấn đề này…. hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ thành một xã hội có nền văn hóa chính trị đa nguyên hơn và tạo điều kiện cho Việt Nam để thực hiện được tiêm năng lớn của mình một cách tốt hơn bây giờ…

      Một lần nữa cảm ơn bạn.

  3. Jonathan London thân mến
    Bạn lại không đọc kỹ ý kiến của tôi rồi. Khi viết: “Lý thuyết Xã hội học và vài ba cái “học” nào đấy từ phương Tây”, tôi chỉ nhắm tới các lý thuyết được Jonathan London sử dụng để khảo sát, đánh giá xã hội Việt Nam đương đại, vì qua các entry trên blog này, chữ “xã hội học” được Jonathan London nhắc lại khá nhiều lần. Còn việc người cộng sản Việt Nam sử dụng học thuyết Marx – Lennine lại là chuyện rất khác, vì liên quan tới việc tiếp nhận một lý thuyết để xác lập một định hướng tư tưởng làm động lực tinh thần cho sự nghiệp giành lại nền độc lập cho dân tộc chúng tôi. Lịch sử không lặp lại, nhưng chí ít dù hôm nay có muốn phê phán chính thể cộng sản, thì cũng không thể phủ nhận công sức của những người cộng sản với đất nước này. Còn hôm nay họ đang thế nào, họ còn có ích cho đất nước này không, họ cần tự điều chỉnh hay họ phải bị thay thế, đều là những câu hỏi cần phải trả lời bằng những nghiên cứu chuyên sâu, khách quan, cụ thể… Jonathan London có quyền nghiên cứu, Jonathan London có quyền đưa ra ý kiến, nhưng nếu không thận trọng, không xem xét toàn diện, không thoát khỏi ảnh hưởng của những người quen biết, Jonathan London sẽ chỉ là một người, bằng một phương pháp khác, tiếp tục sự nghiệp của những người Mỹ đã phải cuốn cờ rời khỏi Việt Nam cách đây mấy chục năm.

    • Thanks Anh…tôi sẽ dọc lại và đọc kỹ…và trả lời sau (đang ở công viên với gia đình …)

      • Cảm ơn Bình Minh về binh luận… về việc “không thoát khỏi ảnh hưởng của những người quen biết”… thật ra, có thể tôi biết Bình Minh hơn những người khác mà Bình Minh thấy là “người quên biết” của tôi. Đúng ra những người tôi đã quên biết gần đây quý một số nguyên tắc cở bản với tôi… nhưng có thể là quan điểm của tôi hơi khác….

        Về cở bản, tôi (nghĩ rằng tôi) hiểu ý của bạn… dù chưa hiểu câu “ba cái “học”” mà bạn có nêu ra…. về những lời khác của Bình Minh tôi lại xin khẳng định, mạng lý thuyết xã hội mà tôi tiếp cận không phải là “của tây” mà nó là trên cơ sở của nhiều nỗ lực nghiên cứu ở nhiều khu vực thể giới…khổn phải là “của tây” bạn ạ….

        Và cho bạn biết, là nhà xã hội học, dù cũng có hạn chế, thì chính Marx là nhà lý thuyết cực kỳ quan trọng đối với tôi… chắc chắn tôi đã độc Marx nhiều hơn và sâu hơn đại đa số của Đảng viên VN…. vấn đề của tôi không phải là học thuyết của Marx mà là “học thuyết M-Lenin” mà vốn từ thời Stalin cấm quyền đã thành một mô hình, một công cụ nghèo về mọi mặt…. tôi sẫn sàng bàn luận với bạn về quan điểm của tôi.. tạm tôi cảm ơn và hẹn gạp lại tron thời gian tới….

  4. Bài viết của Ông London được xem là có lòng thành thật chỉ trong quan điểm của những người thật sự muốn cải cách để đất nước Việt nam tiến bộ , đối với Đảng Cộng sản Việt nam và các đảng viên của nó , thì xem tư tưởng của ông London là không phù hợp , vì họ muốn duy trì quyền lực và độc quyền cai trị nhân dân , ngay cả với bạo lực của công an trị, tất cả các chính thế đọc tài trên thế giới , bất kì chủ nghĩa nào cũng vậy , bộ máy công an khổng lồ đã tiêu phí biết bao nhiêu tiền bạc , công sức cũng chỉ để đàn áp nhân dân và bảo vệ cho sự sống còn của Đảng ..không biết cho đến khi nào Việt nam mới thực sự giải thể nhưng sự vô lý để có thể đoàn kết được toàn dân trong mọi nỗ lực hợp lý thì mới mong đất nước phát triển mạnh được .

  5. Nếu đảng viên của Đảng Cộng Sản muốn củng cố tính chính danh của họ, họ phải tiêu diệt hết các thủ đoạn của nhà nước công an trị và bắt đầu xúc tiến những cuộc cải cách mang tính đột phá mà rõ ràng Việt Nam đang cần.?
    // You’re right, Mr. London.

  6. Mafiovi
    Xin lỗi Mafiovi, đến cái tên Việt mà ngài cũng chẳng thèm dùng thì nói gì đến tình yêu đất nước!
    Và thưa ngài, tôi không hiểu tại sao ở bên Hoa Kỳ xứ sở có số tù nhân cao nhất thế giới, cảnh sát bắt giam người này người khác suốt mà chẳng thấy ai bảo đấy là nhà nước công an trị (theo con số công bố năm 2012 của Trung tâm Nghiên cứu nhà tù quốc tế thì đến thời điểm đó ở Hoa Kỳ có 2.193.798 tù nhân, trung bình cứ 100 người dân thì có 737 người xộ khám). Còn ở xứ An Nam, trừ tù hình sự và các loại từ khác độ một trăm nghìn, có bói đến cả ngày may ra mới có vài chục ông bà dân chủ, người yêu nước nhố nhăng bị công an bắt xộ khám, thì lại gọi là nhà nước công an trị? Còn chuyện cải cách ấy à, chắc món đột phá khoái khẩu nhất của Mafiovi là Đảng cộng sản phải mở cửa cho mấy ông cờ vàng trở về lập đảng này đảng kia, kiếm cái ghế nghị sĩ trong quốc hội rồi ba hoa khoác lác về chiến thắng oai hùng. Không biết Mafiovi này có phải là chủ nhân blog http://mafiovi.blogspot.com? Nếu đúng thì chẳng có gì lạ.

    • @ con Bao
      “cứ 100 người dân thì có 737 người xộ khám”
      Nhờ Bác điều chỉnh những con số này cho được hợp lý nhé !

      • Xin lỗi, tôi viết nhầm: “100 nghìn người dân thì có 737 người xộ khám”. Cảm ơn NL!

  7. Đọc bài viết của tác giả thấy phân tích khá hấp dẫn.
    Mạo muội đôi lời với đoạn kết.
    Trích “1/Nếu đảng viên của Đảng Cộng Sản muốn củng cố tính chính danh của họ, họ phải tiêu diệt hết các thủ đoạn của nhà nước công an trị và bắt đầu xúc tiến những cuộc cải cách mang tính đột phá mà rõ ràng Việt Nam đang cần.
    2/Họ càng sớm làm việc đó thì Việt Nam càng sớm tìm ra con đường thực sự hứa hẹn để đi đến tương lai.
    3/ Nhưng họ sẽ chỉ làm như vậy nếu những người ủng hộ cải cách để mắt theo dõi giải thưởng”.

    Tôi tự xuống hàng để phân làm ba ý:
    1/Đảng viên nói chung chung thì không làm được. Thiển nghĩ nên nêu đích danh tầng lớp trong đảng có khả năng. Đó là lớp lãnh đạo – cấp địa phương – cấp bí thư và cấp lãnh đạo trong BCT của Ủy viên Trung ương Đảng ( số lương 175 người/ tổng số trên 03 triệu đảng viên.
    -Họ chẳng “dại” gì mà xúc tiến những cải cách Đột Phá mà chỉ sửa đổi để cho có vẻ mới, theo xu hướng thời đại (và lòng Dân). Vì sửa đổi mà nội dung “vũ như cẩn” thì cái ghế quyền hành và lợi lộc của họ mới còn – trong tình thế hiện tại. Thậm chí họ còn sẵn sàng làm tay sai cho ngoại quốc – điển hình là “nương theo cùng ý thức hệ cộng sản” của đảng CS Tàu và sẵn sàng mất nước hơn là mất đảng…
    2/…càng sớm càng tốt cho hứa hẹn tương lai đất nước.
    Đất nước VN và Dân tộc VN đối với tinh thần và não trạng của đảng viên csvn chẳng nghĩa lý gì, kể từ thời ông Hồ, qua các lãnh đạo kế tiếp đến nay ! Ảo tưởng Đại Đồng của CNCS/QT nay đã bị lật tẩy, hết che mắt được người Dân, giới lãnh đạo các cấp của đảng đã sẵn sàng bôi xóa, sửa đổi Lịch Sử Ngàn Năm chống Ngoại Xâm phương Bắc và Hán hóa Dân tộc Viêt Nam của Nước Tàu (nay là CHND Trung Quốc)
    3/…để mắt để theo dõi giải thuởng:
    *Nhà cải cách tức đảng viên CS (theo ý của tác giả) thì họ chỉ cải cách giả vờ – mà chỉ sửa đổi (mà “càng sửa lại càng sai và càng sai thì lại càng sửa” -châm ngôn để đời) hầu che mắt và bịp bợm người Dân và cộng đồng thế giới. Điều nổi bật là các lãnh đạo csvn rất “quan tâm đến các giải thưởng”. Đó là những gì cụ thể như chức vụ hống hách đương quyền, tài sản – đất đai quốc gia trở thành của cải riêng cá nhân và gia tộc; và nếu không kiếm chác được gì thêm…thì sẵn sàng làm tay sai và biến Nước Việt Nam thành phiên thuộc trực tiếp của Tàu Cộng để tiếp tục duy trì được đảng trong vị thế độc tôn cai trị như Nhóm lãnh đạo cao cấp csvn đã và đang làm !
    NHƯNG
    *Nhà cải cách tức quần chúng VN (bao gồm mọi thành phần) trong và ngoài Nước luôn chú tâm đến mục tiêu tối hậu
    -là lật đỗ đảng csvn và thay vào đó bằng một thể chế Dân Chủ – Tự Do – Tam quyền Phân lập hầu VN mới có thể phát triển thực sự, đem lại ấm no, thịnh vượng cho mọi người Dân , sánh vai với các nước tiến bộ trên Thế Giới.

    Chân thành.

  8. Hạ nghị sỹ Mỹ phản đối “Dự luật nhân quyền Việt Nam”
    Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega ngày 27/6 đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2013” hay còn gọi là dự luật H.R. 1897. Thông cáo báo chí của hạ nghị sỹ Faleomavaega đã bày tỏ sự thất vọng cả về cách thức dự luật được thông qua ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cũng như động cơ của dự luật này.
    Thông cáo cho rằng “Dự luật được ghép cùng với ba dự thảo nghị quyết khác nên đã không có một cuộc bỏ phiếu riêng rẽ nào được thực hiện. Cả bốn dự luật và dự thảo nghị quyết được tất cả nhất trí thông qua nhưng không có ghi nhận kiểm phiếu.”
    Hạ nghị sỹ Faleomavaega còn cho rằng dự luật nhân quyền sai trái này chịu sự tác động mạnh mẽ bởi cộng đồng người Việt ở Mỹ. Ông nói trong thông cáo: “Là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, tôi chia sẻ với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhưng đưa ra những thông tin không chính xác và chống lại Chính phủ Việt Nam không phải là hành động đúng đắn. Nước Mỹ có một lịch sử đáng tự hào trong việc gác lại quá khứ để nối lại và xây dựng quan hệ. Với trường hợp của Việt Nam, hãy để quá khứ là quá khứ, để quá trình hàn gắn được bắt đầu.”
    Cũng trong thông cáo này, hạ nghị sỹ Faleomavaega đánh giá cao một dự luật khác, mang mã số H.R. 2519, của nghị sỹ Barbara Lee. Dự luật này quy định về sự trợ giúp cho các nạn nhân chất độc da cam.
    Ông khẳng định “Tôi tin rằng nước Mỹ cần phải chịu trách nhiệm trong việc tẩy rửa 11 triệu gallon chất độc da cam đã rải xuống Việt Nam trước đây”, đồng thời nhấn mạnh “bất cứ nghị sĩ nào nếu thực sự quan tâm về nhân quyền nào cũng đồng ý rằng đây chính là vấn đề nhân quyền cần phải được giải quyết.”

  9. Lương thấp, thu tô, ăn hối lộ là chủ trương chứ không phải hậu quả nó đã được 2000 đúc kết của nền Chính trị Trung Hoa. Các công Ty Nhật sang VN cũng phải chấp nhận làm ngơ cho nhân viên ăn bớt để đổi lấy sự trung thành.

    Khó nhất của VN không phải là các chủ thuyết mà ai sẽ khống chế lượng cung tiền? TQ hay Mỹ.

  10. Tại sao anh lại viết bài này không có ai đọc? Tôi thấy có nhiều người đọc đấy chứ? Năm mới, tôi kính chúc anh và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui, hạnh phúc và luôn giữ tình yêu với đất nước, con người Việt Nam!

  11. Anh bị “lún sâu” vào Việt Nam rồi. Tôi đọc bài này của anh cũng thấy mí mắt sưng mọng. Nếu anh chưa hành thiền thì phải học hành thiền thôi anh JL ạ. Bảo trọng.

Comments are closed.