Đánh cược vào Việt Nam

Boston – ‘Những cuộc hội đàm mang tính đột phá’ không phải là thuật ngữ đầu tiên nảy ra trong đầu khi ta xét đến lịch sử quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên với cuộc gặp diễn ra trong tuần này, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barrack Obama có cơ hội đặt quan hệ giữa hai nhà nước cựu thù trong chiến tranh trên một nền tảng mới. Đối với Việt Nam, cuộc gặp này đánh dấu một thời điểm hệ trọng và có thể tạo biến đổi.

Khoảng 38 năm sau khi kết thúc một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử, Việt Nam vẫn còn tương đối nghèo. Nhưng hơn hai thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh đã làm giảm đáng kể nạn đói nghèo, và những cải thiện quan trọng, tuy không đồng đều, về mức sống. Việt Nam đương đại là một nước đang công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, đang chật vật biến tiềm năng của mình thành hiện thực. Để đạt được như vậy, Việt Nam đương đầu với ba nhóm thách thức hệ trọng. Mối quan hệ với Mỹ đều có liên quan với mỗi nhóm thách thức đó.

Nhóm thách thức đầu tiên là về kinh tế. Dù có tiềm năng, Việt Nam gần đây đã sa vào quỹ đạo tăng trưởng thấp, đó là kết quả không chỉ của tình trạng suy thoái toàn cầu mà còn do hệ thống quản lý kinh tế kém cỏi của nước này. Khác với các nước Đông Á đã công nghiệp hóa thành công, Việt Nam thiếu giới lãnh đạo mạnh, có năng lực, và tương đối có quyền tự chủ cần để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp một cách chặt chẽ, mạnh mẽ, và lâu dài. Thay vì thế, những nhóm lợi ích chỉ biết vun vén tối đa cho bản thân bên trong và trên các biên giới của nhà nước đã bất chấp lợi ích quốc gia để kiếm lợi cho riêng mình. Bằng cách này, Việt Nam đã hình thành một trật tự kinh tế hỗn loạn đe dọa gây thiệt hại cho tăng trưởng trong tương lai.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cần ba điều: cơ sở hạ tầng tốt hơn, lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn, và cách quản lý có năng lực, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao hơn. Các mối quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ tự thân không thể giải quyết các nhược điểm này. Mặt khác, thương mại gia tăng với Mỹ có thể sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và mang lại các lợi ích có thể đáng kể cho thường dân Việt Nam. Triển vọng quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ có thể tạo nguồn sinh khí mới cho các cải cách kinh tế chậm chạp của Việt Nam. Việc Đảng Cộng sản nhất quyết về một nền kinh tế thị trường được điều phối không nhất thiết là rào cản đối với việc phát triển một nền kinh tế thị trường hiệu quả hơn. Nhưng cách quản lý kinh tế hiệu quả sẽ đòi hỏi phải có một cách tiếp cận mới mẻ, và những cơ hội kinh tế và động cơ khuyến khích từ Mỹ có thể khuyến khích cách tiếp cận đó.

Nhóm thách thức thứ hai liên quan đến các vấn đề quốc tế. Một trong những thách thức quan trọng dù có thể không thể giải quyết được là xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Khác với Mỹ, Việt Nam có hàng ngàn năm kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc. Nhưng sự vươn lên của Trung Quốc đặt ra những vấn đề khó khăn cho cả Việt Nam và Mỹ. Một mặt, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Hà Nội sẽ được rất nhiều nếu có quan hệ ổn định, và thiệt rất nhiều nếu có quan hệ bất ổn. Mặt khác, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh kinh tế của Việt Nam.

Trong những mối đe dọa này, rõ nhất là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á (một thuật ngữ phù hợp hơn “Biển Nam Hoa”). Lo ngại phải quá nghiêng về một trong hai hướng, nhiều vị trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn nhắc đến tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược với cả Trung Quốc và Mỹ; đó là một ý tưởng hợp lý. Tuy nhiên, quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ có thể sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn các hành vi bắt nạt của Bắc Kinh, dù bước đi quan trọng nhất sẽ là Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam cần được ủng hộ mạnh hơn trên trường quốc tế. Các quan hệ chặt chẽ với Mỹ có thể hữu ích.

Nhóm thách thức cuối cùng liên quan đến chính trị Việt Nam và quả thực hệ thống chính trị của nước này. Một số người đã mô tả tình hình chính trị hiện nay ở Việt Nam là khủng hoảng. Quả thật, sự cạnh tranh căng thẳng trong nội bộ đảng trong mấy năm qua đã tạo ra một bối cảnh chính trị có tính cạnh tranh và dễ thay đổi hơn. Tuy nhiên, vì thiếu chế độ pháp trị và các thể chế có trách nhiệm giải trình, chính trị Việt Nam đã thoái hóa thành một kiểu lệch lạc của đa nguyên trong nội bộ đảng trong đó các xu hướng tự vun vén tối đã cho bản thân của các nhóm lợi ích đã gây tác hại cho cách quản lý nhà nước chặt chẽ, đôi khi tạo ấn tượng về một nhà nước mất phương hướng.

Hiện thời, các cải cách chính trị căn bản vẫn chưa thấy đâu. Nhưng các cải cách như vậy có lẽ cần thiết nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng chính trị và kinh tế bê bết hiện nay. Những cải thiện quan trọng về các quyền chính trị, việc chấm dứt các cuộc bắt bớ tùy tiện những người phê phán chế độ, việc tôn trọng nhiều hơn các quyền được hiến pháp bảo đảm về tự do báo chí và tự do lập hội có thể sẽ đưa đến những cải thiện rất quan trọng trong các mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington. Suy cho cùng, sự tiến hóa của nền kinh tế chính trị Việt Nam sẽ do chính chính trị ở Việt Nam quyết định. Song, tính chính danh trong tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể giành được bằng các biện pháp trấn áp.

JL

(Bài này viết và dịch từ tiếng Anh)

 

10 thoughts on “Đánh cược vào Việt Nam

  1. Đồng ý rất nhiều điểm trong bài viết của tác giả.
    -Đánh “cược” “vào” VN- nói lên quan điểm của người “ngoại cuộc” – và có “được hay mất”.
    Ai đây? Quốc gia nào? Thiển ý có thể nhận ra dù tác giả không nêu đích danh.

    Nhưng quan tâm đến chuyện tác giả đề cập của những tấm lòng thiết tha về đại cuộc Việt Nam là Dân Việt trong và ngoài Nước – những kẻ “trong cuộc”.
    Trích “Đối với Việt Nam, cuộc gặp này đánh dấu một thời điểm hệ trọng và có thể tạo biến đổi”…”trên một nền tảng mới”.

    Vậy “tác động” nào có thể giúp cho sự “biến đổi” : rất mong được tác giả quảng diễn thêm.
    Xin coi đây như một cách tác giả mở rộng đề tài trong phản hồi hay trong các bài viết kế tiếp.
    Thân kính.

    • Chính phủ VN đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đa phương, trước hết là với 4 cường quốc: Mỹ, Trung quốc, Nga, Ấn độ. Trong một mức độ nào đó chính phủ VN đã thành công trong lĩnh vực này. Trong mối quan hệ đa chiều đó thì bất cứ tác động nào từ bên ngoài cũng sẽ đẩy VN thay đổi theo hướng này hay hướng khác.
      Không nói ai cũng hiểu, VN đangh rất cần sự giúp đỡ của Mỹ. Nhưng tôi thấy Chính phủ Mỹ có vẻ còn quá dè dặt. Có thể họ còn bị mặc cảm bởi những từ ngữ như “Cộng sản’ Xã hội chủ nghĩa” v.v…

      Trong quá khứ, Mỹ đã mắc nhiều sai lầm về vấn đề VN, bởi vì Mỹ không hiểu VN.

      Ông Thiệu có một câu nói nổi tiếng ai cũng biết: “Đừng nghe Việt cộng nói, hãy xem Việt cộng làm”. Theo tôi câu này chỉ là một nửa sự thật. Cần phải nói như thế này mới đúng:” Đừng nghe người VN nói, hãy xem người VN làm.”
      Hàng nghìn năm nay VN là một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn là Trung Quốc”. Vì vậy trong quan hệ đối ngoại họ phải nói dối để tồn tại. Nếu tôi có điều kiện gặp Tổng thống Mỹ, tôi sẽ giải thích cho ông ta về đều này để xóa đi những ngờ vực.
      Đồng ý với những phân tích của GS J. London. Nhưng để làm được điều đó, cần một người có đủ Tâm và Tài, để quy tụ những trí thức cấp tiến ở VN. Nói cách khác cần một Lãnh tụ.
      Lúc này, người Mỹ nên ủng hộ những thay đổi ở VN theo xu hướng tiến bộ, hơn là đòi hỏi VN thay đổi theo tiêu chuẩn Mỹ. Ông nghĩ sao?
      Cẩm ơn ông!

    • Chính phủ VN đang cố gắng xây dựng những mối quan hệ đa phương, trước hết với 4 nước lớn: Mỹ, Trung quốc, Nga, Ấn độ. Trong chừng mực nào đó họ đã thành công.
      Trong mối quan hệ đa phương đó thì bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài cũng đẩy VN thay đổi theo hướng này hay hướng khác.
      Tiêu đề bài viết này là “Đánh cược vào Việt nam”.
      Người ta chỉ đánh cược khi chưa hiểu hoặc chưa tự tin vào việc làm của mình. Tiêu đề của bài viết đã nói lên sự thật là người Mỹ vẫn chưa hiểu nhiều về VN, để có thể tự tin trong các quyết sách của mình.
      Nhàn rôi sinh nông nổi. Rất muốn tranh luận với GS J. London thêm. Nhưng sao post bài ở đây khó quá, toàn báo lỗi?

  2. Xin cho biết :
    Thế nào là Chủ nghĩa xã hội ?
    Thế nào là chủ nghĩa cộng sản ?
    Mong sự trả lời . Cám ơn !

  3. “Song, tính chính danh trong tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể giành được bằng các biện pháp trấn áp”

    Trấn áp đã rất hữu dụng hàng mấy thậy kỷ rồi . Tại sao phải sửa chữa những gì không hư hỏng ?

    It’s been working for decades. Why fix what’s not broken?

  4. Đây chỉ là một nhận xét cuả cá nhân tôi, viết ra như một sự chia sẻ vì hy vọng sẽ học hỏi được đôi điều từ blog cuả giáo sư London, không chủ ý phục vụ cho một tổ chức hay phe phái nào:

    1. Hoà giải, hoà hợp dân tộc?
    Điều này chỉ xảy ra giưã những cá nhân đơn lẻ từ sự đồng điệu cuả tâm hồn, tư duy học thuật, hay tình thân thương đồng bào vượt lên trên sự khác biệt cuả chiến tuyến trong quá khứ hay quyền lợi trong hiện tại. Ngoài ra, mọi thứ đều có vẻ giả tạo và đầy mưu chước. Dàn khoan TQ ở Biển Đông là một cơ hội để cờ đỏ sao vàng tung lên khắp năm châu, và cờ vàng đôi nơi tự mình dẹp đi vì nguy cơ cuả quê nhà, như một sự quên mình cho lãnh thổ cuả quê nhà.

    2. “Đánh cược vào Việt Nam”? Hoà Kỳ chẳng mất gì, vì HK đã bắt tay với một nước CS lớn hơn cả VN nhiều lần, đó là Trung Hoa. Nhưng, chừng nào quân đội Hoa Kỳ chưa được chấp nhận đổ quân hay hạ cánh tại Cam Ranh, ngày đó Việt Nam vẫn còn là một cánh tay nối dài cuả Trung Hoa về Chính trị lẫn Kinh tế. Là một người Việt Nam, dĩ nhiên tôi mong sao quê hương mình được phát triển, vươn lên trong cộng đồng quốc tế. Nhưng phải thực tế mà nói rằng, Hoa Kỳ đã không đủ sức, hay đã không màng – không biết nói làm sao cho chính xác – duy trì những giá trị mà nhân dân các nước nghèo nhỏ yếu cần giúp đỡ vẫn mong đợi, như thiết lập một thể chế tiến bộ, dân chủ, trong đó có sự bảo vệ chắc chắn những đồng minh cuả mình. Tại sao các nước Đài Loan, Nam Hàn hay Nhật Bản, Philipines, ngay cả HongKong, etc. luôn cảm thấy hoang mang, lo ngại? Hoa Kỳ phải thể hiện và thực hiện sự đảm bảo cuả tinh thần đồng minh. Một hòn đảo nhỏ mà Hoa Kỳ đã không thể giúp cho Nhật Bản lấy lại từ tay TQ và Nga, thì có phải là một sự bất công không. HK có thể giúp cho Việt Nam lấy lại vùng biển và những hòn đảo từ bàn tay bành trướng cuả Trung Cộng không? Chúng tôi óan ghét điều này.
    Hãy đánh cược vào quê hương cuả tôi đi, ở nơi đó có đầy đủ sự dối trá, xảo thuật. Nếu cao tay HoaKỳ sẽ giúp cho lãnh đạo thay đổi được thể chế, thoát được gọng kìm cuả Trung Hoa. Hoang tưởng, cơ duyên, hay nguy cơ? Không ai biết trước lịch sử. Nếu không đánh cược, Hoa Kỳ sẽ suy nghĩ như thế nào về quan hệ với Việt Nam? Có một con đường nào khác?

    3. Quan hệ cho học thuật:
    Tôi cảm kích vô cùng khi biết có một người Mỹ am tường tiếng Việt và hiểu biết về Việt Nam. Biết đâu, một ngày nào đó Prof. London sẽ trở thành đại sứ cuả HK ở VN hay ông nghị cuả tiểu bang California 🙂
    Tôi mong anh hãy tìm gặp và làm quen với nhiều học giả, chuyên gia từ nhiều phía chứ đừng để mình rơi vào sự ảnh hưởng cuả một nhóm người nổi tiếng hoặc một “thể loại” tinh hoa thời thượng nào đó.

    Trong hành trình đi kiếm tìm cảm hứng và chất liệu hiện thực từ đời sống cho một tác phẩm giả tưởng, tôi thấy mình may mắn, không chút oán hờn… mặt trời và trăng sao…

  5. Gs. London là một người thường đặt ra những câu hỏi gây tranh cãi và … “daring” nhất 🙂 Nào là cờ Vàng, hoà giải, Nuke, rồi thì “đánh cược, Yes or No?”, etc.
    Nghiên cứu, trắc nghiệm bằng trò chuyện, tiếp cận với dư luận chứ không bằng mấy cái multiple choice questions chán ngắt. Chúng tôi qúi mến và thích lối làm việc đầy hứng thú này, cho nên anh đừng có nản lòng một đôi khi bị phản ứng dữ dằn nhé.

    Cái vụ ngày đen tối bị ném đá tơi bời trên mạng, anh đã về nhà kể vợ nghe. Tiếp thu những lời khuyên cuả nàng và còn kể lại cho bạn đọc biết, thì anh quả thật là một người dễ thương và hồn nhiên. Ah… Nhưng nếu có một đôi ngày nàng nổi cơn tự ái da Vàng – chứ không phải cờ Vàng – rồi lấy đũa cuả mình ra mà đá vào đôi chân nĩa đáng ghét cuả anh, thì anh có nổi giận và đánh trả hay không nhỉ? 🙂

    Khi thấy Kyo York cầm micro hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với nòng pháo vươn lên trời cao (bắn ai thế nhi?) thì tôi phát cười hét lên “No, Kyo. Stupid” Nhưng rõ ràng anh ta là kỹ sư IT thì chẳng stupid. Ta chỉ có thể nhìn thấy ở chàng ca sĩ “khờ” ấy một cái tâm hồn nhiên, chỉ “nhìn” và enjoy một bài hát là một bài hát. Ca từ “phải động” cuả bài hát không đủ sức mạnh chính trị làm Kyo sợ bị các cưu chiến binh ở quê nhà trừng phạt để từ chối ca lên sự hùng tráng cuà nó.

    Hoa Kỳ đã và sẽ mãi mãi là nơi sản sinh ra những con người của Tự do, Bác ái và Nghệ sĩ tính. God bless America.

Comments are closed.