Bây giờ thì sao?

Tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay đang biến động rất nhanh. Và chẳng ai có thể dự đoán được quá trình diễn biến sẽ ra sao, kể cả giới lãnh đạo trong bộ máy.  Liệu Việt Nam đã bước vào một thời khắc hệ trọng là chưa rõ.

Để xem xét những khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, ta nên nhắc lại một số điểm nhấn quan trọng trong bốn tuần vừa qua vì chúng thể hiện những căng thẳng và mâu thuẫn trong nền chính trị Việt Nam – vốn rất khó đánh giá – sẽ được hóa giải như thế nào, trong ngắn hạn hay dài hạn.

Trước tiên, ta sẽ cố gắng hiểu Việt Nam đang ở vị trí nào và trở lại câu hỏi về tương lai ở cuối bài này và trong các thảo luận tiếp theo.

Cách đây chưa đầy một tháng, sau khi CTN Trương Tấn Sang hội đàm với Barack Obama tại Nhà Trắng, tôi đã viết một bài hơi lạc quan về ý nghĩa của cuộc gặp này (Dù tôi không dự buổi nào trong chuyến đi của CTN Sang, một số người bạn của tôi đã có mặt và thấy ấn tượng với sự lưu tâm của Ông). Về cơ bản, việc tôi ủng hộ “quan hệ toàn diện” là chủ yếu liên quan đến khả năng một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nhà nước sẽ mang lại kết quả thực tiễn cho người dân Việt Nam.

Cảm giác lạc quan của tôi đã ở lại không lâu vì trong hai tuần sau cuộc gặp lịch sử này, Việt Nam lại có hành vi đàn áp như trước. Khi mới biết về Nghị Định 72 do chính Nguyễn Tấn Dũng ký, tôi đã muốn ói (Nhưng ý nghĩa của Nghị Định 72 – mà sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 – chưa rõ. Nó là công cụ để đàn áp hoặc là bước để tuân theo những điều kiện của TPP hay cả hai?). Thế nhưng chỉ trong vòng một tuần tình hình ở Việt Nam đã thay đổi rất nhanh.

Những ai biết lịch sử đều hiểu những cải cách sâu trong bất cứ nền chính trị-kinh tế nào không bao giờ xảy ra chỉ hay chủ yếu từ trên xuống mà là sản phẩm của những áp lực từ dưới lên, trong nội bộ và tình hình quốc tế.

Về bối cảnh chung tình hình vẫn thế. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn mà hiện nay đã rơi vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo và những thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phải được cải cách một cách sâu rộng nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình hình này.

Thế nhưng, trong những tuần vừa qua đã có một số phát triển hệ trọng.

Hãy điểm lại những sự kiện dưới đây:

  • Trong hai tuần lễ vừa qua, nhóm blogger chống lại Điều 258 đã hoạt động rất mạnh và dũng cảm để đòi hỏi Nhà nước Việt Nam bỏ điều này. Dù chưa có kết quả nhưng những người này hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên và cởi mở. Điều này là vô cùng quan trọng trong diễn biến chính trị của đất nước.
  • Một đảng mới, là Đảng Dân Chủ Xã Hội gần như đã được thành lập với sự tham gia của những người đã từng là đảng viên ĐCSVN. Mặc dù chưa chắc đảng này sẽ có ảnh hưởng gì, việc những người có danh tiếng đã hành động một cách quyết liệt là quan trọng (Chúng ta sẽ tìm hiểu về chủ nghĩa dân chủ xã hội trong những bài tiếp theo).
  • Một nhóm thanh niên mà trước đây đã bày tỏ sự bất bình đối với hành vi hung hăng mang tính đế quốc của Hoa Lục đã bị bắt giữ bất hợp pháp trong khi đang học tiếng Anh. Nhóm này được biết đến như một tập hợp những người trẻ yêu nước và muốn Việt Nam có một tương lai tốt đẹp hơn (Nếu Phan Chu Trinh còn sống, ông sẽ nghĩ thế nào về việc bắt giữ những người trẻ yêu nước đấu tranh vì những quyền tự do cơ bản này?). Nhóm này hoàn toàn ôn hòa và nên được tôn trọng chứ không phải chịu những hành vi bạo lực, hăm dọa v.v.
  • Và mới nhất là hai sinh viên Uyên và Kha đã bất ngờ “được” trả tự do nhờ những quyết định trong nội bộ (rất có thể là từ Bộ Chính Trị). Trong phiên tòa, Uyên tuyên bố mạnh mẽ với những câu nói đáng nhớ. Sau khi được trả tự do, hàng trăm người ủng hộ hai sinh viên này đã bày tỏ sự phấn khởi trong thị xã Long An, một trong những địa phương bảo thủ nhất cả nước.

(Không rõ giới bảo thủ đã ủng hộ việc kết án phi lý của hai thanh niên này cách đây mấy tháng hiện giờ đang nghĩ gì, nhưng rất có thể một tỷ lệ của nhóm này đang xem xét lại những chính kiến của họ trong một bối cảnh khác.)

Chúng ta (từ mọi phía) nên đánh giá những diễn biến trên như thế nào? Ở đây, tôi xin chia sẽ ba ý tưởng.

Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định vai trò thiết yếu của những người trong và ngoài bộ máy đã và đang đấu tranh vì những quyền chính trị và nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta phải nhìn rõ, chuyện TQ và phản đối TQ, dù là hai vấn đề rất lớn, không phải ở trung tâm của những diễn biến ở Việt Nam hiện nay. Từ nhóm 72 và 258 đến Uyên-Kha, từ một nhóm thanh niên ở Hà Nội đến những người trong Đảng muốn cải cách, những đấu tranh ở Việt Nam chủ yếu xoay quanh thể chế xã hội và chính trị. Trước đây nhiều người nói về TQ vì đây là chủ đề tương đối an toàn. Nhưng, ngày nay những người có đầu óc cải cách càng ngày càng nói thẳng vào vấn đề.

Thứ hai, chúng ta có thể giả định cuộc gặp gỡ này cùng với sự phát triển trong nền chính trị của Việt Nam đã ép giới lãnh đạo ở đỉnh cao quyền lực phải suy nghĩ lại và lèo lái cái “Tàu Nhà Nước” về một hướng khác (chưa biết là đi đâu, chưa rõ là một ngã rẽ tạm thời hay là một quyết định chắc chắn). Rất có thể chúng ta phải chờ mấy thập kỷ nữa trước khi biết cuộc gặp gỡ Việt – Mỹ vào tháng 7 năm 2013 có vai trò như thế nào.

Cuối cùng, chúng ta phải đề cập đến một yếu tố khó đánh giá nhất, là “hộp đen” gọi là chính trị nội bộ trong ĐCSVN. Về vấn đề này tôi cảm thấy sự hiểu biết của chính tôi là quá hạn chế, cũng như 99,99 phần trăm của dân số Việt Nam.

Phải chăng đang có một số thay đổi quan trọng trong định hướng chính trị của Việt Nam? Có phải sự ảnh hưởng của bộ phận ‘an ninh’ trong bộ máy đang giảm đi? Phải chăng việc Ngân và Nhân vào Bộ Chính Trị cùng với một số chuyện khác đang mang lại một số thay đổi trong quá trình dư luận của Bộ Chính Trị?

Rất có thể chúng ta sẽ không biết những câu trả lời cho đến lúc chế độ của Việt Nam trở thành một chế độ minh bạch và cởi mở. Thế nhưng, chúng ta không nên quyết định về tương lai trước khi nó xảy ra. Không nên quyết định về những khả năng trong một bối cảnh. Đã đến lúc chúng ta nên từ bỏ quan điểm số phận.

Con đường cải cách của Việt Nam đã kéo dài quá lâu. Có thể nói là Việt Nam đã phải chờ gần 100 năm, dù độc lập là cực kỳ quan trọng nhưng độc lập sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân không được hưởng những quyền tự do cơ bản.

Tôi biết một Ông nổi tiếng nào đó có viết những câu như này. Thế nhưng, tương lai của Việt Nam không phải là về Ông ta mà là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và những quyết định, ứng xử của chính họ ra trong thời gian tới. Tốt nhất là ĐCS Việt Nam không nên chống lại cải cách mà phải có một số quyết định lịch sử để bắt đầu một quá trình hòa giải, một quá trình cải cách có sự tham gia của toàn dân.

Chẳng ai muốn Việt Nam có một quá trình cải cách mất trật tự. Phải là diễn biến hòa bình. Diễn biến hòa bình không phải là âm mưu của các thế lực thù địch mà là sản phẩm của chính người dân Việt Nam muốn đất nước bước vào một thời kỳ mới.

JL, Hồng Kông

 

21 thoughts on “Bây giờ thì sao?

  1. “Chẳng ai muốn Việt Nam có một quá trình cải cách mất trật tự. Phải là diễn biến hòa bình. Diễn biến hòa bình không phải là âm mưu của các thế lực thù địch mà là sản phẩm của chính người dân Việt Nam muốn đất nước bước vào một thời kỳ mới.”

    Và chỉ có những người cộng sản bảo thủ, những kẻ tham quyền cố vị, những kẻ lợi ích nhóm – tư bản đỏ mới từ chối diễn biến hòa bình để rồi cuối cùng họ nhận ra: Mất nước cũng không có gì to lớn lắm!

  2. Mùa Xuân Ả Rập cũng vậy,chỉ từ 1 nhúm lửa nhỏ của anh sinh viên bị chèn ép (như sự chèn ép của nhiều người khác),đốm lủa đã trở thành núi lửa,cuốn phăng đi bộ máy áp bức mà người ta tin khó có thể thay đổi
    Tôi rất đồng ý với JL,bất kỳ cuộc đấu tranh nào cũng có những mất mát,nhưng dể giảm thiểu tối đa,nó chỉ có thể là thay đổi trong hòa bình

  3. Tình hình sinh hoạt chính trị của Việt nam có những khởi sắc rất đáng khích lệ , rất ôn hòa và hợp pháp , cộng thêm với những thành đạt về mặt đối ngoại sẽ có nhiều ảnh hưởng đến sự thay đổi trong chính sách của Đảng và nhà nước .  
    Việc trả tự do cho Phương Uyên và cũng hy vọng các tù chính trị khác được trả tự do sớm hơn đem lại niềm tin trong nhân dân và cảm quan tốt hơn đối với dư luận thế giới .
    Hy vọng việc trả tự do này sẽ bắt đầu cho một sự đổi mới sâu sắc, chứ không phải là một ân xá hay nhượng bộ để giải hòa với dư luận thế giới và xoa dịu sự bất đồng trong nước .

    • Việc giảm án cho Phương Uyên thực ra, chỉ là một “mánh chính trị-ngoại giao” để giảm áp lực cho chuyến đi của ông PTT Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ !
      Bản thân Phương Uyên cũng mất đi cơ hội hoàn thành nốt chương trình đại học (sau 3 năm) vì cái quy chế hiện hành.
      Các chèn ép, đe dọa giới bloggers vẫn xảy ra tuy không còn trắng trợn như trước !

      Đừng ảo tưởng sự giảm án như thế là là dấu hiệu thay đổi. Nó chưa nói lên được vấn đề gì cả !

  4. “Tốt nhất là ĐCS Việt Nam không nên chống lại cải cách mà phải có một số quyết định lịch sử để bắt đầu một quá trình hòa giải, một quá trình cải cách có sự tham gia của toàn dân”.Rất thực tế. Đổi mới chế độ kinh tế của VN hiện nay đã tới mức phải thay đổi chế độ chính trị, văn hóa, giáo dục và y tế thì VN mới có thể tiếp tục hòa nhập và phát triển đồng dạng chung với thế giới đc. ĐCS VN hãy vì dân vì nước chứ đừng vì đặc quyền đặc lợi của đảng duy nhất cầm quyền mà thủ tiêu quyền làm chủ đất nước của dân.

  5. cộng sản là mang bản chất lựa bịp, ngay những người cộng sản với nhau họ cũng không có dân chủ thì làm sao họ mang dân chủ cho người khác được

  6. Tôi ko đồng ý cách lập luận của Mr. JL như thế này: “tôi đã muốn ói ” dù “ý nghĩa của Nghị Định 72… chưa rõ” => nó phản ánh một thứ phản xạ có điều kiện thiên kiến, chứ ko phải hành động của một người có lý trí.
    Tôi đã đọc Nghị định 72, đọc đi đọc lại cả chục lần để xem có gì ” đặc biệt” không nhưng chẳng thấy có gì cả. Tựa chung làm nhằm Bảo vệ thông tin của người dùng internet. cũng như những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia. Nắm đầu những đơn vị cung cấp dịch vụ internet lậu, không đăng ký nhằm trốn thuế tại Việt Nam.
    Các vấn đề nêu trong bài này tạm thời chưa có thời gian bàn đến…
    Có sưu tầm như thế này của một bloger, mời các vị bớt chút thời gian đọc:
    Hôm trước trên kênh ZDF có một khán giả gửi một câu hỏi tới bà Melinda Crane (ai không biết bà ta có thể dùng google. Ai muốn kiểm chứng, lên kênh ZDF, đó là kênh truyền hình quốc gia Đức) một câu hỏi như sau, trước tiên tôi để nguyên văn tiếng Đức:
    Frau Crane, was ist ihre Meinung über Obama, wenn man betrachtet, dass er die Zensur von Mubarak kritisiert, wenn Obama doch selbst Zensur betreibt, wie im Falle von Wikileaks?
    Dịch: Thưa bà Crane, bà nghĩ sao khi ông Obama chỉ trích việc kiểm soát của ông Mubarak nhưng ngay chính bản thân ông Obama cũng điều hành chính sách đó, như Wikileaks tiết lộ?
    Melinda Crane:
    Das sind für mich zwei ganz Unterschiedlichen Felder. Aus Obamas Sicht hat Wikileaks vertrauliche Dokumente geklaut, es ist keine Zensur, als geheim gestufte Dokumente weiter der Öffentlichkeit enthalten zu wollen. Die Zensur von Mubarak ist eine andere, sie verhindert die Meinungsäusserung der Bürger in der Öffentlichkeit.
    Dịch: Với tôi đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Dưới góc độ của ông Obama thì việc đó không phải là kiểm soát, mà Wikileaks đã ăn cắp những tài liệu thuộc diện bí mật. Việc kiểm soát của ông Mubarak là nhằm ngăn cản việc thực thi quyền tự do ngôn luận ở nơi công cộng.
    Bạn nghĩ sao về câu trả lời của bà ta? Wikileaks đã ăn cắp tài liệu tối mật của Mỹ?
    (Karel Phùng).

    • Ok, sorry Davit… nhưng nhiều khi khi mình mới biết tin có những phản ứng nội tạng (visceral) .. đúng là chúng ta phải chờ xêm bạn ạ…

  7. ” Khi mới biết về Nghị Định 72 do chính Nguyễn Tấn Dũng ký, tôi đã muốn ói”

    Nghị định 72 tựa chung làm nhằm Bảo vệ thông tin của người dùng internet, cũng như những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia. Hạn chế những đơn vị cung cấp dịch vụ internet lậu, không đăng ký nhằm trốn thuế tại Việt Nam. Cụ thể các hành vi bị cấm như sau:
    Điều 5. Các hành vi bị cấm
    1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

    a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

    b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

    c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

    d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

    đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

    e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.

    3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

    4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.

    5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.

    Thưa ngài Lôn đôn, ngài muốn ói vào chỗ nào ạ ????????

    • Hy vọng bạn có thể hiều những câu như “Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” thì rất rẽ bị làm dụng để dàn áp những người có chính kiến ổn hòa, bất bạo động bạn ạ… Nghị Định rất chung, thiếu cự thể, và rất dễ thành một công cự để vi phạm những tự do cơ bản… bạn hiểu không ạ?

      • Đất nước nào mà chả có luật định để bảo vệ tổ quốc hả ông? Hay chỉ Mỹ của ông là được phép bảo vệ an ninh quốc gia còn những nước khác thì phải bỏ ngỏ tất cả???
        Tôi cũng rất hy vọng là ông có thể động não để hiểu rằng tùy thuộc hoàn cảnh buộc người ta phải ra luật cho phù hợp để bảo vệ sự bình yên thịnh vượng cho dân tộc họ, và tôi rất hy vọng rằng ông không phải là người viết bài thuê cho bọn phản phúc.

      • Hoàn toàn đồng ý với JP về câu trả lời này. Mới đọc qua trích dẫn của Thung về nghị định 72, tôi chộp ngay điều khoản 5-1-a. Bẫy thòng lọng là ở đây… Trong một rừng điều luật, người ta chỉ cần đưa vào 1 ý nhỏ. Nếu khi được thông qua, cái bẫy chết người này sẽ buộc bao nhiêu người yêu nước vào gông cùm, xiềng xích.
        Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với phát biểu của Phương Uyên tại toà: “Tôi không chống nhà nước Việt Nam, tôi chỉ chống lại đảng cộng sản VN”. Phải nói thẳng rằng, nếu thăm dò ý kiến toàn dân VN thì tất cả ai cũng đồng ý với câu nói trên, tất nhiên trừ 3 triệu đảng viên cộng sản vì cái “cục quyền lợi” của họ.
        Lập luận rằng dân bầu ra quốc hội, sau đó quốc hội nhật trí điều 4 hiến pháp: Trò hề, nhảm nhí… đi bầu tại VN ai cũng biết đó là một trò nhảm nhật thế giới đương đại. Có ý định tẩy chay không đi thì tổ trưởng đường phố đến nhà giục, trước bầu cử tổ trưởng họp và gợi ý công khai bầu cho vị này, vị kia, một người trong nhà đại diện cho cả chục người trong hộ cũng OK, miễn sao đi cho đủ và bầu cho “đúng”! Như vậy, thử hỏi trong quốc hội có mấy % ngoài đảng. Mà ngoài đảng, tôi cá 10 ăn 1 rằng người đó không phải là đoàn viên cs.
        Ngay trong triết học Mác Lê cũng đã nêu nguyên tắc phủ nhận, cái thay thế sau bao giờ cũng hơn hẵn cái cũ trước. Một “bầy sâu” mà còn đòi mọi người dân phải tôn trọng mình thì… không dám đâu! Một anh Ba tuyên bố chưa bao giờ kỷ luật cấp dưới của mình thì người ta chỉ cười khinh bỉ vì cái trò ấy chỉ dùng một khi biết khuyết điểm của cấp dưới (phàm con người, ai lại không có khuyết điểm) để doạ cho nó trung thành với mình, nếu không thì hất cẳng.
        Tóm lại, tôi cũng như JP… MUỐN ÓI QUÁ,,, OẸ… OẸ…

  8. “Cảm giác lạc quan của tôi đã ở lại không lâu vì trong hai tuần sau cuộc gặp lịch sử này, Việt Nam lại có hành vi đàn áp như trước”

    Ông JL đã quá tự đề cao mình rồi đấy, đối với chúng tôi là người dân VN thì không cần thằng tàu thằng mỹ nào lạc quan cả, tôi chỉ mong muốn cho đất nước và dân tộc VN chúng tôi được bình yên phồn thịnh thôi ạ.

    • Cảm ơn bạn…. tôi luông luông cố gắng không tự đề cao mình…..”đối với chúng tôi là người dân VN thì không cần thằng tàu thằng mỹ nào”… thì xin hỏi, “chúng tôi là người dân VN” – có bạn nào người VN có thề đống vai trò đại biểu cho toàn dân hà? Và nếu không, làm sao đến bây giờ không ai thât sự hỏi dân trực tiếp bạn? Cảm ơn đã bình luận.

      • Các ông, nước Mỹ đã đem quân trực tiếp đánh VN để áp đặt cái tự do dân chủ mà ông đang nói tới lên đất nước VN của chúng tôi, nhưng chúng tôi không chấp nhận và đã đi theo ĐCSVN để đánh lại các ông và các ông đã chịu thua, phải rút quân về nước.
        Nay đất nước VN đang hòa bình, ổn định để phát triển, đường lối chính trị của VN không được một số nước phương tây ủng hộ, đó là mặt hạn chế, nhưng không vì thế mà phải thay đổi đường lối chính trị.Dù khó khăn thế nào chúng tôi cũng sẽ vượt qua như trong cuộc chiến đấu với quân đội Mỹ của các ông.Nhưng bạn trẻ ông nhắc tới chỉ là số rất ít trong xã hội VN.
        Tôi nói để ông biết, trong cuộc họp tổ dân phố nơi tôi ở về góp ý cho thay đổi hiến pháp năm 1992 bằng văn bản được triển khai đến từng hộ dân, 100% dân ở tổ tôi ủng hộ ĐCSVN, họ chỉ góp ý về từ ngũ trong bản dự thảo hiến pháp để cho rõ nghĩa, sáng sủa hơn mà thôi.

  9. Luật pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN thì phải coi chừng khi họ thể hiện , với những điều nghe rất có lý , nhưng đến khi họ muốn bắt người , thì họ bẻ công tất cả mọi sự lí luận , vu khống , chụp mụ phản động , phản bội tổ quốc và bắt bỏ tù , đã có bao nhiêu blogger bày tỏ quan điểm ôn hòa đang ngồi tù rồi , thưa các bác !
    Tôi là người VN , tôi muốn nói là tôi không tín nhiệm luật pháp nước xã hội chủ nghĩa VN khi nó được thể hiện .

  10. Phải chăng ông Jonathan London là người Anh nên thiên về giải pháp chính quyền nhượng bộ đòi hỏi dân chủ của dân? Thì chính là nước Anh đã trải qua diễn biến hòa bình để đưa đến chế độ quân chủ lập hiến. Vương triều nước Anh đã nhượng bộ dân dần dần nên ngày nay người dân Anh có được các quyền căn bản. Nhờ diễn biến hòa bình nên không có đổ máu mà vương triều Anh vẫn còn tồn tại. Còn tại Pháp thì diễn biến không được hòa bình cho lắm nên vua và hoàng hậu đã bị chặt đầu và biết bao máu người dân đã chảy. Đằng nào thì hai nước Anh và Pháp cũng đã có dân chủ. Nhưng có dân chủ bằng diễn biến hòa bình như Anh chẳng hơn hay sao?

    • Trước hết, xin chia sẻ tôi là người quốc tịch Mỹ nhưng trước hết là con người… Về diễn biến hòa bình thì đúng là nêu so sánh các đường tới xã hội dân chủ có nhiều kinh nghiệm khác nhâu. Tôi tin rằng người Việt Nam có khả năng tới một xã hội dân chủ hơn một cách có trật tự. Sẽ bàn thêm sau. JL

  11. Điều trong Nghị Định 72 có thể không làm muốn ói nhưng làm buồn cho tương lai quốc gia là điều qui định về trang thông tin điện tử cá nhân:

    Trích: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”

    Điều qui định này thực chất là cấm cá nhân làm việc loan truyền tin tức. Người dân không có quyền thành lập tổ chức mà chỉ đảng CSVN mới có quyền thành lập tổ chức cho nên cấm cá nhân loan tin tức là dành độc quyền cho đảng loan tin tức.

    Việc qui định này hàm hồ. Nó nhằm mục đích cấm cá nhân loan truyền tin tức chính trị bất lợi cho chính quyền CS nhưng những tin tức khác như tin về khoa học kỹ thuật, tin về nghệ thuật, về thể thao cũng đâu phải là tin nào cũng liên quan đến cá nhân đó. Chẳng hạn tin một hãng ở Mỹ sáng chế ra một loại điện thoại di động mới thì đâu phải là tin tức liên quan cá nhân đó, mà thuộc loại tin tức tổng hợp. Theo qui định thì chủ nhân trang web đó cũng không được đăng loại tin tức đó trên trang của mình. Chỉ vì muốn ngăn cản thông tin bất lợi cho đảng CSVN mà đảng ngăn cấm dân loan truyền các tin tức có lợi cho việc mở mang kiến thức, nâng cao dân trí.

  12. Cám ơn JL.
    Phải nói là tình hình sẽ ko thể đảo ngược đc, mọi người đã bớt sợ hãi, nhất là các bạn trẻ. Nhờ Internet và đc mở rộng giao lưu, các bạn đã vượt qua sự ngu dân kiểu Gơben của chế độ.
    Và nhà nước đã phải rất vất vả để chống đỡ, từ lý luận thậm chí cả lừa bịp…các bài viết chính danh bây giờ ko dám đề tên thật, các DLV thì toàn văng bậy.
    Bắt đầu đến giai đoạn trấn áp, bạo lực, chi trả tiền cho đội ngũ “an ninh quốc gia” quân đội (lương rất cao) để họ gắn với chế độ, nhung một điều rất thật là ngân sách đã hết tiền. Nếu in tiền sẽ xảy ra một chuyện khác (lạm phát, kinh tế sụp đổ) mà chuyện nay thì chế độ CS rất kém.
    Điều tất yếu sẽ xảy ra….cái ko tính đc là nó sẽ chết kiểu gì và khi nào mà thôi?
    Mọi chuyện còn lại chỉ là trò diễn của CS thôi, điều đáng buồn là mọi bài diễn đều bị bắt vở.
    Chúc ngài JL mạnh khoẻ và may mắn!

Comments are closed.