Tự do

Trong lúc Việt Nam chuẩn bị đón mừng ngày 2 tháng 9, tôi xin tiếp tục bàn về ý nghĩa của ba lý tưởng: Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc. Tìm hiểu về ý nghĩa của cả ba lý tưởng nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Vào ngày 2 tháng 9 tôi sẽ cố gắng làm rõ mối quan hệ giữa những lý tưởng này với quan điểm cho rằng Việt Nam cần có một cuộc cải cách sâu rộng, thậm chí một diễn biến hòa bình do dân và vì dân Việt Nam, xuất phát từ những nỗ lực từ ngoài và trong bộ máy, từ trong và ngoài đảng cầm quyền.

Trong bài trước, tôi đã nêu rõ, độc lập quốc gia liên quan trực tiếp đến khái niệm uy quyền tối cao của một nhà nước. Tôi phân tích uy quyền chính đáng của bất cứ nhà nước nào phụ thuộc vào sự ưng thuận của nhân dân nước đó. Tôi khẳng định có 3 loại uy quyền. Một là sự uy quyền hình thức (tức là những gì được viết trên hiến pháp). Hai là, sự uy quyền thực quyền, tức là ‘de facto authority’ (ai có súng trong tay là người đó có uy quyền). Ba là uy quyền chính đáng có nghĩa là nhân dân chấp nhận sự lãnh đạo.

Tôi khẳng định vì những hạn chế của mô hình chính trị Lenin, chắc chắn là NNCHXHCN chỉ có uy quyền hình thức và uy quyền thực quyền. Rất khó để khẳng định là ĐCSVN có uy quyền chính đáng hay không trong khi Việt Nam chưa có cơ chế thăm dò sự ưng thuận của dân. Tôi kết thúc: “Tin vui” là Việt Nam có độc lập về nhiều mặt. “Tin buồn” là điều đó chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc nhất ở Việt Nam. Mời bạn đọc hết bài ‘Độc Lập’ tại link này. Trong bài này chúng ta hãy đi sâu vào lý tưởng và khái niệm ‘Tự do’.

Tự Do

Tự do. Không có lý tưởng nào gây nhiều tranh cãi hơn đối với toàn dân Việt Nam, và nó cũng là một khái niệm quan trọng nhất trong cụm từ ‘Độc lập, Tự do, Hạnh phúc’. Tự do ở Việt Nam: “không có gì quý hơn”, Hay “không có gì”? Để trả lời câu hỏi này, ta cần biết rõ Tự do là cái gì, cũng như Tự do không phải là cái gì. Thoạt tiên, lý tưởng Tự do nghe có vẻ đơn giản. Và thực sự về mặt nào đó nó cũng đơn giản thôi. Thế nhưng, Tự do cũng có nhiều mặt phức tạp, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới.

Những nhà triết học Tây phương như Hobbes, Locke, và Rousseau đều có ý tưởng về Tự do dựa vào quan điểm của họ về bản chất con người . Trước họ hơn một nghìn năm cũng có quan điểm tương tự đến từ phương Đông, như từ Khổng tử. Cũng có nhiều quan điểm về Tự do đến từ những nhân vật lịch sử – nam cũng như nữ, thuộc mọi thành phần.

Nói cho cùng, ba quan điểm của Hobbes, Locke, và Rousseau là đặc biệt quan trọng. Hobbes xem bản chất của con người là man rợ. Ông nhận xét rằng cuộc đời của con người là “cách ly, khốn khó, ác nghiệt và hung bạo, và ngắn ngủi” (“solitary, poor, nasty, brutish, and short), và vì thế xã hội nào cũng cần có một Nhà Nước Leviathan (dịch ra là con rồng biển ác) để giữ trật tự xã hội.

Mặt khác, Locke cho rằng bản chất con người là tự do. Rousseau cũng đồng tình với quản điểm này. Cả hai người đều cho rằng bất kỳ sự thống trị nào cũng phải có sự ưng thuận của dân. Thế nhưng, trong khi Rousseau cho rằng dân chúng rốt cuộc phải chấp nhận sự thống trị của một nhà nước nhân đạo thì Locke không chịu và viết rằng quyền hạn của nhà nước phải tuyệt đối đối với quyền của dân và chỉ có thể thống trị nếu có sự ưng thuận của dân.

Khi nói về Việt Nam và chủ nghĩa Lenin thì ta thấy chúng có chất bi quan của Hobbes và chất lãng mạn của Rousseau. Quan điểm của Locke thì đã bị tiêu tán, dù nó có mặt trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Quyền Con Người của Pháp, và ngay cả trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh cách đây đúng 68 năm.

Như thế thì thật tiếc là ở Việt Nam những lý tưởng đó đã bị phá hoại trong những ngày tháng ban đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa mà đến bây giờ vẫn chưa được tái lập dù về hình thức thì chúng vẫn còn tồn tại.

Từ Hiến pháp 1946 đến nay, về hình thức, Việt Nam vẫn còn những lý tưởng như tự do con người, tự do hội họp, tự do báo chí, v.v… Thế nhưng từ 1946 đến nay, những lý tưởng đó đã bị tê liệt do gánh nặng của tư tưởng Lenin vốn cho rằng quyền của Đảng “tiên phong” là trên hết.

Một cái hay về xã hội chủ nghĩa (ở đây không nói gì về chủ nghĩa Lenin) là nó coi ‘công lý’ là vấn đề quan trọng. Thế nhưng, trong khi phái dân chủ xã hội tin rằng một nền kinh tế thị trường có thể được quản lý và điều tiết một cách hữu hiệu bởi một cơ chế dân chủ thì Lenin (và sau đó là Stalin, Mao và cả Hồ Chi Minh, Trường Chinh, v.v…) cho rằng một xã hôi cộng sản cần có “sự thống trị tuyệt đối của Đảng tiên phong”:

“Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định bảo đảm sự ổn định và phát triển….”*

Đối với Lenin và những đồng chí của ông, sự thống trị tuyệt đối của ĐCS là thiết yếu. Cũng có lúc (như trong Chương trình Kinh tế mới) Lenin đã phải ôm lấy cơ chế kinh tế thị trường. Đừng nghĩ sai. Từ đảng Nhân dân Hành động (People’s Action Party) của Singapore đến Quốc Dân Đảng (Kuomintang) của Đài Loan cũng đã từng xem mô hình của Lenin là cần thiết. Hai đảng này đã chứng minh sự thống trị của một đảng theo mô hình Lenin cũng có thể liên kết chính trị và kinh tế.

Thế nhưng thực tế này liên quan đến Tự do như thế nào? Xin thưa: ở nước nào, nhà nước, dù lên cầm quyền bằng những phương tiện bạo động hay bất bạo động, dù quyết định bằng một quá trình độc tài hay dân chủ, quyết định những giới hạn của quyền Nhà Nước và trách nghiệm của dân.

Rất tiếc cho Việt Nam và các nước chủ nghĩa Lenin khác là họ đã lấy mô hình mà trong đó quyền của Đảng và Nhà Nước là tuyệt đối, và chẳng tôn trọng những quyền con người trong ý nghĩa phổ biến của nó.

Về lý tưởng, sự biện minh cho quyền lực tuyệt đối của nhà nước dựa vào một giả định sâu sắc và có vấn đề – đó là chỉ có ĐCS mới có thể bảo vệ được những lợi ích khách quan của nhân dân.

Giả định đó có phần tích cực, dù nó cực kỳ có tính tự phục vụ và nguy hiểm là nhà nước và ĐCS có thể đảm bảo công lý. (Trên thực tế, lịch sử cho thấy quản lý kinh tế tập trung thiếu khả thi). Mặt tiêu cực của nó là ở tất cả những nước theo chủ nghĩa Lenin thì đảng và nhà nước coi nhân dân là trẻ con, ngu dốt, không đầu óc.

Trong tình thế này thì những quyền hình thức về ngôn luận và hội họp hoàn toàn là một trò hề. Từ đó chúng ta thấy một sự mâu thuẫn cơ bản: một khi bất kỳ nhà nước nào, dù Liên Xô hay Việt Nam hiện nay, có quyền tuyệt đối thì họ không có cách nào để bảo đảm lợi ích khách quan của nhân dân.

Có hai quan điểm về Tự do có liên quan xin đề cập. Một là “Tự do negative” (tức là quyền cá nhân không bị vi phạm). Nó có nghĩa là nhà nước không được vị phạm quyền của ai cả bởi vì ai cũng có những quyền như nhau. Khái niệm này xuất phát từ chủ nghĩa tự do (liberalism) vốn cho rằng nhân dân cần có tự do đối với nhà nước.

Tức là giới hạn của quyền lực nhà nước nên được cụ thể hóa bởi nhân dân. Mặt khác khái niệm ‘Tự do “positive” (tiếng anh là “positive freedom”) ám chỉ nhân dân thực có đủ năng lực để làm những điều họ muốn, họ cần. Về lý thuyết, xã hôi chủ nghĩa cần có một Đảng tiên phong để bảo đảm những quyền tự do tích cực này.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy kinh tế thị trường có vấn đề đối với loại tự do này (thí dụ bạn có tự do về ngôn luận nhưng vì không có việc làm nên bạn cũng được tự do để sống dưới gầm cầu).

Nhưng mặt khác nền kinh tế tập trung hóa thường không hiệu quả, và cuối cùng cũng không hiệu quả đối với cả hai loại tự do nói trên. Vậy có thể nói dù Việt Nam có cơ chế thị trường, cơ chế chính trị không đủ hữu hiệu để đẩy mạnh cả hai thứ tự do này.

Hãy trở về Việt Nam và xem hiện nay dưới cơ chế thị trường những tự do positive của người dân là khá hơn dù sự mất công bằng càng nghiêm trọng. Trong khi đó thì những “tự do negative” gần như là không có hay chỉ có với những giới hạn khắt khe. Rõ rằng tình trạng này là lạc hậu.

Khi thanh niên ở thủ đô, ngay nơi cụ Hồ từng phát biểu về Tự do, đã bị công an đánh đập tàn tệ, thì ý nghĩa của Tự do ở Việt Nam là như thế nào vậy? Khi những ai muốn báo chí Việt Nam cổ động cho trách nhiệm giải trình của chính phủ bị bỏ tù và bị hành hạ như súc vật thì đó là Tự do chưa? Ở thời điểm này, điều duy nhất mà Hồ Chí Minh nói mà chúng ta nên nhớ đến chính là : “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc  thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì.”

Hiện nay toàn dân Việt Nam đang tìm cách để người dân Việt Nam được sống tự do một cách thực sự. Và tôi cũng như nhiều bạn của Việt Nam thực sự hy vọng toàn dân Việt Nam sẽ thành công.

JL

5 thoughts on “Tự do

  1. Thưa giáo sư,

    Trong bài viết ông có nhắc đến một số nhà tư tưởng của thời kỳ Ánh sáng như J.J Rousseau, Locke, Hobbes. Ba tác giả này đề bàn về khế ước xã hội để bảo đảm tự do cho con người. Hobbes sống vào thời kì có nhiều biến động ở Anh, đó là giai đoạn chiến tranh và nổi loạn. Ông rất thất vọng về tính cách của con người, ông cho rằng “Con người cấu xé nhau như chó sói”, mượn lời từ một câu tục ngữ latin, tư tưởng của Hobbes tạo đà cho sự hình thành của chế độ quân chủ chuyên chế, tuy nhiên, trong tác phẩm Léviathan của Hobbes, có mở ra một hướng về dân chủ, là đối thoại giữa công dân và nhà lãnh đạo, cần có sự thỏa thuận giữa hai bên, điều này mới có bản khế ước xã hội. Quan điểm của Rousseau lãng mạn, nhưng không có định hướng rõ ràng, ông cho rằng con người chỉ có tự do trong tình trạng tự nhiên, con người trở nên xấu xa vì sự cám dỗ của vật chất, vì vậy Rousseau phản đối của sở hữu, ông đề cao bình đẳng hơn tự do, chính Rousseau là người bàn về khái niệm dân chủ nhân dân, quan điểm của ông là nguồn cảm hứng cho những người theo phái cực tả sau này ở Pháp, như Robespierre, Danton, Saint-Just, họ cũng là những người cộng sản đầu tiên. Bàn về Locke, thật tuyệt vời khi đọc về quan điểm về tự do của tác giả này, sau gần 3 thế kỷ quan điểm của ông về khế ước xã hội mà ở đó Nhà nước phải đảm bảo các quyền tự nhiên của con người. Khế ước xã hội chỉ tồn tại khi các quyền lợi của con người được duy trì. Locke, Montesquieu, Voltaire, Tocqueville và Lilncoln đã hoàn thiện các nguyên tắc dân chủ mà hôm nay con người được thừa hưởng.
    Đôi lời tâm sự cùng giáo sư, chúc ông luôn mạnh khỏe, và tiếp tục có những bài viết sắc sảo.

    Phan Thành Đạt

  2. Chào anh và thành thật xin lỗi anh trước nếu có lỡ làm phiền anh,

    Có nhiều tài liệu chứng minh ông HCM là một trong những người tạo ra những chiến dịch thảm sát người dân, một trong số đó là cải cách ruộng đất — http://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3i_c%C3%A1ch_ru%E1%BB%99ng_%C4%91%E1%BA%A5t_t%E1%BA%A1i_mi%E1%BB%81n_B%E1%BA%AFc_Vi%E1%BB%87t_Nam

    Tui biết giá trị từ những trang wiki không thể chính xác hoàn toàn, nhưng bất cứ một người dân Việt nào đã sống qua thời đó đến nay đều có thể khẳng định chuyện đó. Chuyện này mong rằng sao này nước Việt có tự do dân chủ hoàn toàn sẽ chỉnh sửa lại hệ thống giáo dục và làm cho rõ ràng lịch sử đất nước.

    Ngoài ra, như anh cũng biết chủ nghĩa cộng sản tôn thờ bạo lực, thứ chủ nghĩa đó ông HCM du nhập vô nước Việt và làm đất nước chia cắt đau thương.

    Có những người tin ông ta, nhưng có những người coi ông ta là tội đồ. Tui chấp nhận góc nhìn của riêng anh, nhưng xin anh đừng gọi ông ta là “cụ Hồ”. Đơn giản chỉ gọi tên ông ta là được rồi. That’s a person with a name, please just address him as the name, that is enough.

    Cám ơn anh,

  3. Tư tưởng về tự do của Hobbes, Locke và Rousseau có thể ứng với những giai đoạn khác nhau của tiến trình lịch sử, cũng như về nhận thức của con người về bản thân và xã hội (con người như một tổng thể). Hobbes gần giống với Platon khi cho rằng cần có một chính thể chuyên chế (được tập hợp bởi những con người ưu tú nhất). Locke có thể tạm bằng lòng với một xã hội hiện đại, khi mỗi cá nhân đều được trang bị những công cụ cần thiết về giáo dục, về luật pháp để giảm thiểu vai trò của nhà nước. Rousseau đưa ra một viễn cảnh cho tương lai, khi tự do cá nhân được gần như tuyệt đối, cũng chính là khi mỗi cá nhân đều đã trưởng thành và tự định đoạt được cuộc sống của mình (nhưng với điều kiện tất cả mọi cá nhân hoặc đa phần cá nhân đều có được nhận thức và thực hành được như vậy)

  4. Một thể chế mà ban lảnh đạo còn không có tự do về mặt tư tưởng lẫn đường lối chính trị thì họ làm sao ban cho người dân cái quyền tự do mà ngay cả họ cũng không có. Việc có tự do hay không còn phụ thuộc vào nước đó đã có độc lập hay không? Chúng ta thấy rất rõ VN còn phụ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều, thậm chí có những động thái cho là ban lảnh đạo đang làm việc cho Trung Quốc hơn là VN. Ví dụ như vừa rồi chủ tịch nước Sang đã ký 10 văn kiện được cho là văn kiện đầu hàng, hay danh sách các blogger cần được bắt. vậy thì nền độc lập đã rất mong manh tìm tự do lại càng khó.

Comments are closed.