Hòa giải và cải cách

Khi mới lập blog này, tôi đã gây tranh cãi khi đề cập đến vấn đề quốc kì. Cụ thể, tôi đã lý luận rằng người Việt Nam nên tập trung nỗ lực để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay nếu không sẽ trở thành tù nhân của lịch sử.

Với đề nghị như vậy, có không ít người cho rằng tôi là người “yêu chế độ”. Vài hôm sau, sau khi thừa nhận bài viết của tôi có lẽ chưa đủ nhạy cảm đối với những quan điểm trái ngược, tôi lại bị tố là “phản động”. Khổ thế không biết!

Đến bây giờ, tôi có rất nhiều bạn từ mọi phía. Vì nghiên cứu nhiều về chính sách của nhà nước Việt Nam, tôi có nhiều bạn làm trong những cơ quan nhà nước ở các cấp trên mọi miền của đất nước. Qua quan sát và nghiên cứu, tôi thấy hoàn cảnh xã hội của những người bạn của tôi thật là đa dạng. Thực vậy, một trong những điều thích nhất ở Việt Nam là được tiếp xúc với nhiều người dân.

Nhưng chỉ qua những thảo luận gay gắt (đặc biệt trong thời điểm mới lập blog này), tôi đã hoàn toàn hiểu ra rằng nhiều vấn đề ở Việt Nam có liên quan đến vấn đề hòa giải. Hơn nữa, tôi có cái nhìn rõ hơn về mối quan hệ giữa vấn đề hòa giải dân tộc và cải cách. Vì vậy, tôi đã quyết định bắt đầu một dự án nghiên cứu để làm rõ những quan điểm về vấn đề này từ phạm trù chính trị, ở cả trong và ngoài Việt Nam.

Giả định là một nghiên cứu kiểu này về vấn đề tuy không còn mới mẻ nhưng vẫn có tính thời sự như hòa giải dân tộc có thể góp phần làm rõ những vấn đề lâu nay được thừa nhận bởi người Việt Nam ở khắp mọi nơi qua nhiều cách khác nhau.

Lịch làm việc quốc tế của tôi trong những tháng tới cũng sẽ giúp tôi thực hiện nghiên cứu này. Trong tuần tới sẽ có những thảo luận cá nhân và bàn tròn ở Trung và Tây Âu; ở Úc, Mỹ vào mùa thu và mùa đông này và vài nơi ở Việt Nam. Trong suốt thời gian này tôi sẽ thỉnh thoảng chỉa sẻ, đưa ra tài liệu, cập nhật những ý tưởng hay nổi lên trong những cuộc thảo luận. Đồng thời, tôi sẽ thu thập ý kiến từ những bạn đọc khác nhau.

Sau đây xin nêu lên năm câu hỏi:

  1. Hòa giải có nghĩa là gì?
  2. Hòa giải dân tộc ở Việt Nam phải có những yếu tố nào?
  3. Quá trình hòa giải nên diễn ra như thế nào nếu bắt đầu từ năm này?
  4. Cụ thể, làm sao để có thể thu hút sự tham gia từ mọi phía?
  5. Nên có những bước đi như thế nào trong một tương lai gần?

Xin các bạn cho biết quan điểm và ý kiến cũng như những câu hỏi cốt yếu mà tôi có thể chưa nhận ra.

  • Xin gửi tới địa chỉ jlondontraloi@gmail.com
  • Có thể dấu tên nhưng làm ơn cho biết một chút về bản thân mình
  • Không viết bài quá dài; nên ngắn gọn, súc tích nhưng chất lượng
  • Không gửi tập tin đính kèm nào, viết ngay vào mục tin nhắn

Vào đầu tháng 10 tôi sẽ chia sẻ những bài, những ý tưởng hay nhất trong thời điểm ban đầu và thảo luận thêm về những bước đi tiếp theo của công trình này. Qua đó cũng có thể cho ra đời một số kết quả có giá trị như bài thảo luận, sách vở hay trang web cố định (established).

Mục tiêu chủ yếu là cải thiện một quá trình mà sẽ đẩy mạnh hòa giải lẫn khuyến khích những thảo luận thiết yếu về những thách thức mà Việt Nam đang phải đương đầu hiện nay.Tôi biết nhiều người Việt giỏi hơn minh đã đề cập những vấn đề này. Hy vọng vị trí bất thường của tôi sẽ cho phép một thảo luận có thể tránh được những trở ngại xưa. Hy vọng những nỗ lực này sẽ có ích cho Việt Nam.

JL

 

9 thoughts on “Hòa giải và cải cách

  1. Jonathan thân,

    Chúc mừng ông đã dứt khoát chạm vào điều thiếu nhất cho tương lai Việt Nam , một tương lai toàn cục cho toàn thể đất nước và dân tộc .
    Chân thành cám ơn ông đã không mệt mỏi suy nghĩ và dấn thân cho đất nước chúng tôi, mà có lẽ trong tim óc ông cũng tràn đầy tình yêu và hi vọng .

    Thân kính

  2. JL thân mến!

    Bạn đã biết: “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt”?
    Bạn đang nhắc đến hòa giải, điều này sẽ khác với giải hòa.
    Thế nào là hòa giải? Tại sao phải hòa giải? Hòa giải như thế nào?

    Giải hòa là không muốn xung đột với nhau nữa, nên không nhắc lại những mâu thuẫn.
    Hòa giải là không muốn xung đột xảy ra, nên giải tỏa các mâu thuẫn.
    Giải hòa được với nhau nhưng chưa hẳn đã hòa giải. Đã hòa giải thì đương nhiên đã giải hòa.

    Nước Việt trên thực tế đã giải hòa về chiến trận nhưng chưa giải hòa về tâm thế.
    Dân tộc Việt hiện tại không thể hòa giải, hòa giải chỉ xảy ra khi và chỉ khi không còn độc tài cộng sản.

  3. Thưa Gs London.

    Cũng giống như một bạn đọc ở trên, tôi cảm nhận được đây chính là vấn đề nóng bỏng nhất trong những vấn đề (về VN) mà ông đã đề cập tới. Như ông đã nói, ông đã từng có kinh nghiệm “xương máu” chỉ vì một bài viết về một khía cạnh nhỏ trong chuyện “hòa giải” này, chuyện màu đỏ hay vàng của lá quốc kỳ.

    Sự cần thiết của một tinh thần hòa giải thì có lẽ, là người VN, hoặc không cần là người VN, như ông, ai ai cũng thấy rằng, nó quan trọng đến mức nào. Một xã hội thiếu tinh thần hòa giải là một xã hội tiềm ẩn vô số những nguy cơ. Đó là một xã hội nói chung, còn đặc thù như xã hội VN, đó lại càng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

    Khi một xã hội được điều hành bởi những bàn tay “hung bạo” và những đầu óc “thiển cận”, những quan điểm khác biệt sẽ là những ngòi nổ bất cứ khi nào, càng bị dồn nén, sức bung của một cái lò so càng mãnh liệt. Rất nhiều người nhìn vào sự ổn định bề mặt của một thể chế độc tài để ca ngợi nó và…giống như tự an ủi rằng thì là độc tài cũng có mặt tốt. Tôi thì tôi không cho là vậy, tôi cho đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng sự khác nhau biến thành lòng căm phẫn.

    Từ tiếng súng ở Tiên Lãng cho tới tiếng súng ở Thái Bình đã là một quãng đường không hề ngắn ngủi. Nếu không thấy đó là dấu hiệu dự báo sự bùng phát đang đến gần hơn, sẽ là điều vô cùng đáng tiếc.

    Thưa Gs London.

    Với tôi, tinh thần hòa giải trước hết phải được đặt trên sự công bằng. Sự tha thứ, có lẽ khác một chút, chẳng hạn như Chúa Jesus sẵn sàng răn bảo những tín đồ hãy tha thứ cho kẻ hủy diệt thân xác mình mà không cần đến sự công bằng. Nhưng, sự hòa giải thì khác. Kêu gọi hòa giải mà không có một biểu hiện công bằng làm nền tảng, chắc chắn sẽ thất bại.

    Đào sâu thêm một chút, ngay cả lòng khoan dung, tính tha thứ đã kể ở trên, không phải là không cần đến sự công bằng, nó chỉ thể hiện ở một cấp độ cao hơn, ẩn giấu hơn mà thôi. Sự công bằng hiện diện ở trong sâu thẳm tâm hồn của đám con Chúa. Jesus đã khẳng định, đã bảo đảm với họ rằng, dưới mắt Thiên Chúa. không một tội ác hay một việc thiện nào có thể bị che giấu. Tin chắc vào sự công bằng của Thiên Chúa, họ dễ dàng tha thứ cho những kẻ đang hành xử thiếu công bằng đối với họ trên mặt đất này.

    Tóm gọn lại, tôi muốn nhắc Giáo sư một điều then chốt, yếu tố CÔNG BẰNG là không thể thiếu để chúng ta có thể cổ võ hay thực thi được tinh thần hòa giải. Kêu gọi một tinh thần hòa giải đối với người đang bị áp bức, bị bách hại, với những kẻ đang đàn áp họ, là một điều không được…công bằng lắm.

    Trân trọng.

  4. J thân mến!
    Các quan chức ở đâu trên thế giới cũng thế, về cơ bản tất cả đều bụng bự vì họ ăn nhiều mà… Họ ăn hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn, hàng triệu và thậm chí hàng tỉ đô. Thế bảo sao không béo… bụng! Kèm theo cái nữa là họ hầu như rất ít vận động chân tay (một số chính thể độc tài, đa số não các quan chức còn mới nguyên vì nó hầu như không thèm hoạt động, tại sao phải hoạt động vì tất cả đã có… súng lo cho rồi!!!) thành ra bụng đã to lại càng to tợn!
    Do vậy phần ngực và bụng quan chức không riêng gì Việt Nam mà trên khắp thế giới có độ tương phản rất lớn: Trên lép kẹp dưới vươn ra hiên ngang đến là thô… bỉ!
    Còn ở Việt Nam thì sự thô bỉ đó lại càng có cơ hội thể hiện một cách hoành tráng hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Tại sao? Tại vì không như các nới trên thế giới, quan chức thường ngậm miệng ăn tiền xong rồi… lủi, riêng Việt sau khi ăn họ – các quan – còn vỗ ngực bồm bộp. Vỗ thế nào? Vỗ rằng: Chúng ông là đỉnh cao trí tuệ loài người! chúng ông vì dân, do dân và của dân! chúng ông là những vì sao sáng nhất trong muôn vì sao! Chúng ông vĩ đại! Chúng ông cao cả! Chúng chỉ có đúng, còn lại toàn sai! Chúng ông là chúng ông… công cao hớn núi… đại khái thế!
    Thành ra nước tôi sau gần 40 năm độc lập mà thực ra chẳng có hoà bình vì lòng người còn li tán lắm J thân mến ạ! Sự bình yên ngoài kia là sự bình yên tù đọng, cam chịu, chấp nhận, nhẫn nhục của một chiếc áo tù chứa đấy nước thải cặn bã. Nó không phải là sự bình yên sạch sẽ, phóng khoáng, tươi tắn vui nhộn đầy sự sống của một dòng sông.
    Ông đã lựa chọn một việc khó! Tôi chúc ông thành công, mà thật ra là tôi nên chúc tôi và dân tôi thành công mới phải!
    Cám ơn ông!

  5. Người ta bất đồng là bất đồng về quan điểm nên muốn hòa giải thì phải có môi trường cho các quan quan điểm khác nhau được thể hiện, hay nói cụ thể là phải đa nguyên về tư tưởng và chính trị, khi mà người ta cứ khăng khăng tư tưởng của họ tuyệt đối đúng không cần chứng minh và họ không sẵn sàng không chấp nhận dù chỉ là biện pháp chứng minh tư tưởng của họ không hoàn thiện hay sai, chưa nói đến việc thể hiện những tư tưởng khác thì chẳng có gì để bàn luận, nghĩ là không thể thể và không bao giờ hòa giải được. Ngoài ra văn hóa và giáo dục cũng là yếu tố cần thiết để hòa giải những bất đồng này, nó là phương tiện để hòa giải bất đồng nên khi mà thiếu văn hóa và nhận thức không đầy đủ, không đúng theo chuẩn mực chung của loài người văn minh thì không có cách thức nào để hòa giải được.

  6. Trước khi đi vào câu hỏi #1 của anh Jonathan , tôi có thể đặt 1 tiền đề này xem có hợp lý không ?  
    Với vài trò độc tôn độc đảng , quả là kiêu căng ngạo mạn , không có luật pháp bảo vệ sự sinh hoạt chính trị “bình đẳng” giữa các đảng phái ,đoàn thể , giữa các cá nhân dân thường và các đảng viên ..
    Như vậy thể chế chính trị VN chỉ có kẻ cai trị là Đảng và người bị trị là nhân dân , chỉ có kẻ trên , người dưới , kẻ mạnh và người dân yếu thế .
    Không có sự bình đẳng tất yếu này thì sự hoà giải sẽ chẳng bao giờ thành công , sự hoà giải thực sự sẽ chỉ đến được với sự đối xử bình đẳng trong hiến pháp và luật pháp giữa các công dân mà không bị Đảng và chính quyền trù dập với hiến pháp và luật pháp không rõ ràng và với sự độc tôn cai trị của Đảng .

    Túm lại , muốn sửa đổi , cải cách hay hòa giải , xin đề nghị bắt đầu sửa đổi từ trên “đỉnh cao trí tuệ ” trước hết trong hiến pháp và luật pháp .
    Người dân qua bao đời , không hề nuôi lòng oán hận những chế độ và chủ nghĩa xưa cũ, nếu như ngày hôm nay luật pháp và hiện pháp bảo vệ họ một cách bình đẳng .
    Nếu cải cách được như thế thì đã là hòa giải rồi vậy .

  7. Nosi theo kiểu “Nam Kỳ Quốc”, ông quả là bạo phổi khi đem vấn đề nan giải, hay nôm na là hắc búa như HOÀ GIẢI DÂN TỘC VIỆT NAM lên diễn đàn. Ông viết tiếng Việt rất giỏi, nhưng không rõ ông có thấu đáo Lịch Sử và Văn Hoá Việt nam không? Vấn đề hoà giải, cũng như một vài khía cạnh của nó, đã được nêu lên trong những bình luận (phản hồi) nêu trên. Nó không đơn giản để có thể giải thích cũng như giải quyết trong một cuộc tranh luận dù có chủ đề.
    Hiện hữu hoà giải không chỉ đơn thuần giữa hai bên “Thắng vàThua” mà còn dính dáng tới Văn Hoá cũng như Con Người của ba miền Bắc, Trung và Nam. Càng khó giải quyết hơn khi miền Bẳc coi miền Nam (VNCH) cũ như một THUỘC ĐỊA bị cai trị sẳt máu hơn cả người Pháp trước đây.
    Nếu ông hiểu được câu tục ngữ “cây muốn lặng gió chẳng đừng” ông sẽ nhì rõ vấ đề HOÀ GIẢI thật là khó nuốt.
    Tuy nhiên tôi vẫn chúc ông thành công và cảm phục lòng vị tha của ông.

Comments are closed.