Hai giáp rưỡi – Chúc mừng năm mới!

Cách đây đúng hai giáp Âm lịch, tức là năm Canh Ngọ – 24 năm trước, tôi đã sang Việt Nam lần đầu tiên. Hai giáp sau, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh về nhiều mặt.

Nếu hai giáp trước, Việt Nam đã là một nước nông nghiệp với mới tới 66 triệu dân, thì hôm nay, Việt Nam là một quốc gia đang công nghiệp hóa với số dân hơn 90 triệu người. Và nếu trước đây, Việt Nam là một trong những nền kinh tế nghèo nhất Đông Á, trong 24 năm vừa qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế mau chóng, sự giảm mạnh số hộ nghèo đói, và sự phát triển nhanh chóng của ngoại thương.

Bất chấp sự chững lại gần đây của các hoạt động kinh tế và những lo lắng hiện tại về sự yếu kém trong các thể chế cơ bản, Việt Nam là một nước còn nhiều tiềm năng. Vấn đề là chất lượng của sự phát triển đất nước Việt Nam sẽ như thế nào?

Có lẽ một trong những thay đổi quan trọng nhất là nước Việt Nam không còn bị cô lập như trong quá khứ. Chỉ mới 24 năm trước, khi tôi đến Việt Nam lần đầu, các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam rất hạn chế. Việc một người Mỹ sang Việt Nam là chuyện hiếm. Trong khi ngày hôm nay, chính quyền Hà Nội đã có quan hệ với hơn một trăm quốc gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức khu vực và quốc tế. Với sự pha trộn nhiều lợi thế cạnh tranh, và cả vị trí địa lý thuận lợi nằm ngay điểm giao của các tuyến đường thương mại tầm cỡ ở Đông Á, một tương lai sáng lạng hơn, thịnh vượng hơn cho Việt Nam tưởng chừng nằm trong tầm với.

Tuy nhiên, vẫn có những điều không chắc chắn đáng để bàn về tương lai của Việt Nam. Trong đối nội, không thiếu những thách thức cấp bách. Đa số liên quan đến những thách thức về lãnh đạo và thể chế. Trong đó, những vấn đề như sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình (không phải giải trình theo kiểu hình thức) là đặc biệt quan trọng. Vấn đề lớn thứ hai là sự bất bình đẳng trong xã hội, hiện đang tăng lên cùng với sự nhận thức rõ ràng hơn về sự bất công của người dân. (Là người Mỹ, tôi sẵn sàn chấp nhận vấn đề mất công bằng cũng là một vấn đề cũng rất lớn ở nước tôi – nhưng blog này nói về các vấn đề của Việt Nam).

Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt hiện nay là làm sao để đất nước có thể phát triển và mở rộng tầng lớp trung lưu. Muốn làm điều đó, chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng phát triển số lượng lao động có kỹ năng cao thì mới hy vọng phát triển đất nước mạnh và bền vững được. Và phải giảm tối thiểu những loại chi phí (nhiều khi quá đáng) mà người dân phải gánh chịu từ hàng hóa đến các dịch vụ cơ bản, từ vấn đề nhà ở đến các dịch vụ giáo dục và y tế.

Là người khá lạc quan dù không ngây thơ, tôi tin rằng những thách thức trong nước có thể và phải được giải quyết sớm. Và những nỗ lực trong nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực này.

Giải quyết những vấn đề nêu trên quả là điều không dễ dàng, vì tốc độ, phạm vi, kết quả của những nỗ lực cải cách ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai yếu tố quan trọng là sự dũng cảm chính trị và trí tưởng tượng (trong ít nhất một phần quyết định) của giới lãnh đạo chính trị, một yếu tố chưa thấy rõ. Thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự mới nổi ở Việt Nam.

(Ở đây xin nhấn mạnh: Ở Việt Nam, xã hội dân sự không chỉ ở ngoài bộ máy Đảng cộng sản Việt Nam, mà (trong một số khía cạnh) có sự tham gia chưa công khai của nhiều người đã và đang là đảng viên. Tôi tin rằng trong những năm qua, xã hội dân sự sẽ được xem là một thế mạnh thay vì sự đe dọa của đất nước. Dù nghĩ gì về những nhân vật trong xã hội dân sự của Việt Nam, chẳng có ai có thể nói họ là những người không yêu nước. Nói họ không yêu nước chính là nói dối!)

Trong những tháng qua trên blog này, tôi chủ yếu đề cập đến những vấn đề trong nước. Thật ra, chẳng ai có thể đoán được quá trình này sẽ tiếp diễn như thế nào. Chúng ta đều biết sự phát triển của đất nước Việt Nam nên là một quá trình do chính người dân Việt Nam quyết định. Song, có một số điều đáng lo đang tiếp diễn trên phạm vi quốc tế mà điều đó đang đe dọa trực tiếp đến sự độc lập và nguyện vọng của người dân.

Vấn đề thứ nhất trong những thách thức này là Việt Nam cùng với Đông Á và thế giới, sẽ xử lý các thách thức quan trọng trong khu vực như thế nào. Cái tôi đang đề cập đến chính là sự bành trướng và những hành vi đế quốc của Bắc Kinh, mà một lần nữa đang làm dấy lên căng thẳng trong khu vực. Dù là người có một thái độ tôn trọng nhất định đối với Bắc Kinh, rõ ràng 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” không miêu tả những hành vi của Bắc Kinh hiện nay, dù ta giả định “hữu nghị, hợp tác, và ổn định” có nghĩa là Việt Nam không còn là nước độc lập. Việc Hà Nội đón nhận 6 tàu ngầm hạng Kilo từ Nga và dự định tăng cường bảo vệ bờ biển Việt Nam bằng tên lửa, công nghệ quân sự Nga là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đó không phải là một tương lai sáng lạng mà những người Việt trẻ tuổi và những người từng trải mong mỏi. (Ai muốn xem tôi đề cập vấn đề này bằng tiếng Anh có thể bấm link này).

Trong hai giáp qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ về mặt xã hội dù vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo phải đề cập. Và trong suốt thời gian đó, “Ông tây này” đã rất nỗ lực để hiểu thêm về những vấn đề này. Càng học nhiều và càng tìm hiểu nhiều, càng biết mình chưa biết đủ. Nhưng tôi vẫn cố gắng như mọi người. Trong những tháng tới, nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ sang Việt Nam để thực hiện một dự án nghiên cứu cho Liên Hợp Quốc và nhà nước Việt Nam, nhằm hỗ trợ tìm những cách giảm thiểu những trở ngại mà người dân Việt Nam đang phải đối mặt khi tiếp cận các dịch vụ giáo dục, và y tế, năng cao sự mình bạch và trách nhiệm giải trình trong hai ngành quan trọng này. Qua đó và qua việc phan tích những kinh nhiêm quốc tê, chúng tôi sẽ tìm giúp đẩy mạnh “tăng trưởng kinh tế bao trùm” ở Việt Nam.

Xin chia sẻ với các bạn rằng cách đây vài tuần, khi tôi đang ở Việt Nam, có một bạn đã khuyên tôi rằng việc chia sẻ những suy nghĩ và chính kiến của mình về đất nước này sẽ chỉ tăng rủi ro không được chính quyền hoan nghênh ở Việt Nam nữa. Vâng. Tôi hiểu rất rõ về điều đó. Tuy nhiên, ở địa vị của tôi, tôi vẫn phải là tôi; một người chân thành. Nếu các bạn thấy có bài nghiên cứu hay blog nào có tính “thiếu xây dựng” thì xin vui long cho tôi biết cụ thể nhé. Nếu thấy những bài blog “thiếu khách quan” thì tôi cũng sẵng sàng suy ngẫm về điều đó. Nhưng, xin chia sẻ: Tôi là người muốn và có điều kiện để đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam, và tôi cũng muốn sống đúng theo lương tâm của tôi. Nếu có cơ sở mà lại không tìm cách nói ra thì là bất lương rồi. Đúng chưa?

Tôi nhận ra, những thách thức trước mắt là rất lớn và khó giải quyết. Nhưng, nếu có đủ quyết tâm thì bất cứ cái gì đều có thể đạt được. Dù cuộc thảo luận về tương lai của Việt Nam rất dễ đón nhận những trận ném đá, vào dịp Tết này, tôi xin gửi lời chúc an khang thịnh vượng tới toàn thể người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, đồng thời trân trọng đề nghị rằng: Với đủ nỗ lực, dũng cảm, và sáng tạo, cũng như một tình thần cơi mở mới, toàn dân Việt Nam cũng có thể giải quyết những thách thức này trong vòng nửa giáp.

Hai giáp và nửa giáp là hai giáp rưỡi đấy. Chúc mừng năm mới toàn dân Việt Nam!

JL

26 thoughts on “Hai giáp rưỡi – Chúc mừng năm mới!

  1. Dear Mr. Jonathan London,

    Từ khi biết blog của anh (xin phép được gọi như vậy), tôi đã theo đọc các bài, các bài của anh thật đáng đọc, tôi thấy như vậy.
    Năm hết tết đến, xin chúc gia đình riêng của anh luôn được an lạc. Riêng anh, tôi mong sẽ vẫn được đọc đều đặn các bài của anh.

    Đọc bài anh viết, như mọi người đều thấy, anh có cách nhìn thật sâu sắc, hài hước, thấu hiểu và đầy lòng yêu thương con người Việt Nam như thể anh là người Việt.
    Tôi ước gì có nhiều người Việt Nam hơn, được coi là có học, có thêm lòng trắc ẩn, lòng tự trọng để có thể làm việc tử tế, lên tiếng trung thực hoặc ít nhất tránh tham gia vào những nhóm tham lam, ươn hèn, hùa nhau nơi công sở, ngoài xã hội.

    Anh chắc có “nhân duyên” với Việt Nam nên các bài viết của anh thật đau đáu, những chuyện xã hội thì ẩn dưới những bài viết châm biếm nhẹ nhàng, những vấn đề lớn có thể thấy rõ sự đăm chiêu, day dứt trên gương mặt anh trước bàn phím…

    Còn biết bao nhiêu điều khác nữa anh đã viết rất hay.
    Một lần nữa xin chúc cho gia đình bé nhỏ của anh Jonathan London luôn ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.
    Chúc Mừng Năm Mới

  2. Chúc anh John năm mới mọi sự như ý. Rất tâm đắc với tài đối đáp nhanh và chính xác của anh tới đaij biểu từ TQ trên BBC google hangout gần đây về đường lưỡi bò.

  3. Chào anh
    Tôi muốn viết,nhưng bạn HồngNhung đã nói giúp hết rồi.
    Chúc anh và gia đình dồi dào sức khỏe hạnh phúc và vạn sự như ý trong năm mới!

  4. Những bài viết của GS chỉ thích-hợp cho những người biết suy-nghĩ. Có lẽ GS đang cố thử “nước đổ đầu vịt” chăng?
    Dù sao, đừng nản-lòng nhé, GS thân-yêu, người mà kiếp-trước có-thể là một quan-văn Việt Nam…

  5. 7g 30 sáng mùng Một Tết ở Saigon .

    Thân chúc GS và gia quyến một năm mới an lành, vui sống .
    Chỉ riêng việc VN dùng Năm Âm Lịch và đón năm mới chung với người Trung Quốc đã là một nan đề văn hóa , lich sử từ 1,000 năm Bắc thuộc , tuy nhiên, việc nhiều người Việt trong ngoài nước mong muốn vinh danh, nhắc nhở và tri ân các tử sĩ, liệt sĩ Hoàng Sa của Quân Lực VNCH , Trường Sa của Quân Đội Nhân Dân như nhau, cũng đã là bước đi rất dài .
    Các nan đề khác của VN chắc chắn rồi sẽ có ánh sáng như khi cùng tắc biến , điều cần thiết là có những tri tuệ và trái tim như của ông , bền bỉ như bước chân trên đá hay gan góc chịu những cơn mưa đá bất công .

    Chân cứng trên đá cứng mới là chân…cứng , chờ đá mềm thì chân hẳn cũng mềm .
    Chúc mừng năm mới .
    Thân kính
    NT

  6. Tôi là một độc giả hay ghé qua trang blog của GS, và nhận ra rằng GS là một người có nhân duyên với Việt nam và luôn đau đáu cho sự phát triển của dân tộc Việt chúng tôi.
    Năm mới, tôi kính chúc GS dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và luôn giữ mãi nhiệt huyết của mình đối với sự phát triển Việt nam như bấy lâu nay.
    Xin cảm ơn GS.

  7. Sự phát triển của VN từ những năm 1990 hoàn toàn khách quan,thật ra nếu chính quyền không nới lỏng những quy định ấu trĩ và quan liêu,thì VN cũng theo vết xe đổ của các nước Đông Âu,đơn cử chính sách nới lỏng sự quản lý của nhà nước đồi với nông dân-nông nghiệp,đã tạo ra sự thay đổi ngoạn mục,từ quốc gia thiếu đói,thường xuyên đi xin cứu trợ từ quốc tế,đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo chỉ trong 5 năm (nhưng chính quyền vẫn “tư tin” cho rằng thay đổi đó ,là do có sự lãnh đạo sáng suốt).Sự phát triển giai đoạn này,chính là được giảm bớt một số hạn chế về chính sách,nó là tiền đề cho sự phát triển của VN trong khoảng 15 năm;nay sự phát triển đã bị khựng lại,lý do cũng là từ những cơ chế lạc hậu,nó kềm hãm sự phát triển của xã hội,những phong trào đòi hỏi dân chủ-minh bạch hóa xã hội-phản đối tham nhũng,cường quyền…chính là điểm đột phá cho VN phát triển,nếu còn duy trì cơ chế như hiện nay,thì nó cũng là 1 sự giới hạn cho việc phát triển của VN về mọi mặt.Bánh xe lịch sử bao giờ cũng quay theo đúng quy trình của nó,con người chỉ có thể tác động để nó quay chậm lại (như VN hiện nay),hoặc nhanh hơn (như các nước châu Âu-Mỹ),chứ không thể làm cho nó ngừng lại
    Một người nước ngoài,nhưng J London có nhiều tâm huyết để góp ý cho VN,những ai hiểu biết sẽ trân trọng và quý mến,nhưng ông cũng có thể bị ném đá,vì ông đã chỉ ra những kẻ làm chậm vòng quay lịch sử,ông sẽ biết mình phải làm gì.Ngày đầu Xuân,như mọi người VN khác,tôi chúc ông mạnh khỏe-hạnh phúc và minh triết

  8. Chúc GS năm mới an khang, mọi người Việt bình dân như tôi rất trân trọng những bài viết chân thật, xây dựng và tầm nhìn. Chúng tôi muốn xây dựng cuộc sống tốt hơn nhưng chúng tôi không có biết làm cách nào ít gây thương tổn, chúng tôi chấp nhận, mặc kệ nhưng chúng tôi không phục tùng. Cảm ơn ông đã mở ra những suy nghĩ mới, chân trời mới, đầy tình thương và bác ái, chúng tôi bị đầu độc bởi bia rượu, thuốc lá, nô lệ của tham nhũng, mê tín. Cảm ơn ông, chúng tôi luôn lắng nghe những lời chân thật từ ông!

  9. Xin cảm ơn anh về những gì anh đã viết về nước Việt và cho nước Việt. Mong có dịp cafe với anh ở SG 🙂

  10. “Cách đây đúng hai giáp Âm lịch, tức là năm Canh Ngọ – 24 năm trước, tôi đã sang Việt Nam lần đầu tiên. Hai giáp sau, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh về nhiều mặt.”
    It’s interesting that you know the lunar calendar and signs very well 🙂
    Did you see any CHANGE in the world of “Độc quyền”?

    Độc quyền chiếm hữu: quốc hữu hóa & tư hữu hoá
    Độc quyền yêu nước & biểu tình bày tỏ lòng yêu nước
    Độc quyền tham nhũng & chống tham nhũng
    Độc quyền “tự diễn biến” & chống “diễn biến”
    Độc quyền hòa hợp, hòa giải dân tộc
    Độc quyền tạo sự kiện xã hội dân sự & trấn áp xã hội dân sự
    Độc quyền đơn phương & đa phương, đa dạng hóa quan hệ quốc tế
    :~)

  11. Chúc mừng năm mới âm lịch Việt Nam. Anh là một người trí thức đích thực.

  12. Chúc mừng anh năm mới âm lịch Việt Nam. Anh là một người trí thức đích thực.

  13. Phù… Tết Âm qua rồi… Trong thâm-tâm, nhiều người Việt rất “chán ghét” Tết này mà không biết vì sao? Cái gì không phải của mình thì không có cảm-tình. Phải không Giáo sư JL?
    Còn tình-cảm của Giáo sư với Viet Nam chắc là “How deep is your love”…

    • Tết âm làm gì nên tội mà chán ghét nó hả bạn? Cái Tết âm sao lại không phải là của mình? Nói vậy thì Việt Nam cũng không phải là của giáo sư JL – 1 người Mỹ.

    • Là tình cảm của tôi thôi, OK? Cũng như bạn yêu nó là việc của bạn vậy.
      Ta đang được tự do trong vườn xanh của JL.

  14. Tim nghèo túng cứ bồi thường hạnh phúc
    Vì đức tin giầu có biết bao nhiêu
    Khi tù ngục với tự do khác hẳn
    Gã cai tù nào từ chối được yêu ?

    Kẻ xung túc từ ăn mày dĩ vãng
    Khi xưng vương cần áo mão ai ban?
    Cần tung hô chỉ nghèo nàn tâm phúc
    Vạn tuế nào làm minh chứng ngai vàng?

    Tưởng lưu vong là vượt biên trốn biệt
    Mặc kệ người mất nước giữa quê hương
    Buồn – Thương khóc – vốn an thần bổ não
    Mỗi tân niên mở rạp đóng thêm tuồng

    Người cai tù cớ sao từ chối lộc
    Thả anh em bằng cắt đứt bản thân
    Giải phóng mình sao phải đòi xám hối ?
    Ai là người nên ném đá tha nhân ?

    Mộ đắp gió khắp mọi vùng cương vực
    Ma Biển Đông – Hồn biên trấn Cao Bằng
    Ma Bách Việt với đạn Tàu bom Mỹ
    Tượng đài nào chẳng chôn xác Việt Nam?

    Xuân vẫn mẹ khóc con chưa rời ngục
    Vẫn lũ điên động thổ những công trình
    Đất lành lắm nhưng trùng trùng oan khuất
    Bão nhân dân khi tiên tổ rùng mình .

    ​NT​

    ​Tận Xuân​ Năm Ngọ Khi UPR mở tại Geneve

  15. Xin GS suy ngẫm coi – nước Mỹ tự do dân chủ còn bị săm soi, đả kích; vậy ở đây thì sao nhỉ? Câu trả lời chắc đầy buồn bã…

  16. Khi viết, từ cộng sản nên thêm vào từ nhà cầm quyền hay chính phủ VN. Vì từ cộng sản, đồng nghĩa với tội ác chống lại loài người, cả thế giới đều biết, ngay cả người cộng sản rất ngại ai dùng từ này với họ.

  17. KG: GS Jonathan London và quý bạn đọc!
    Lần nữa xin mạn phép GS Jonathan London!
    http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5888
    https://www.facebook.com/HoiNhungNguoiYeuThichSachCuaTranChungNgoc
    Vì nhiều lần tôi trích dẫn GS Trần Chung Ngọc
    Vì có lần tôi đề cứ GS Jonathan London cùng viết chung GS Trần Chung Ngọc,
    Vì có lần có người nghi ngờ tôi là GS Trần Chung Ngọc…
    trên Blog XInLoiOng.
    Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự ra đi của GS Trần Chung Ngọc, một nhân cách lớn, một tâm hồn cao đẹp, một trí thức tài hoa và thiện tâm, một Việt kiều chân chính và ưu tú… Cầu mong GS siêu thoát và sớm đầu thai tái sinh cho dân tộc VN được hồng phúc!
    Xin cảm ơn GS Jonathan London!
    Bình Dân.

Comments are closed.