Ukraine và cánh tả ở phương Tây

Dạo này có nhiều người đang lo về tình hình tại Ukraine. Trong đó có tôi. Là một nhà quan sát chính trị ở Việt Nam tôi cũng khá quan tâm đến những quan điểm của người Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Nói chung, tôi vẫn thấy những người ủng hộ Putin vô điều kiện là những người rất hạn chế về tư duy và gần như là thuộc nhóm chưa biết tư duy độc lập có thể tồn tại.

Song tôi cũng thừa nhận, dù tôi có quan điểm của tôi, Ukraine không phải là một trường hợp đơn giản. Hơn nữa, đại đa số người, trong đó có tôi, rất có thể chưa có đủ thông tin. Trong khi đó, tôi phải chia sẻ với các bạn đọc một hiện tượng làm cho tôi bất bình mà xin bàn ở dưới này.

Hôm qua tôi đã gửi email tới một người bạn, cũng là một giáo sư, và cũng là một người Mỹ, về một hiện tượng tôi thấy khá lạ thậm chí khó chịu. Đó chính là không ít nhân vật và báo chí nổi tiếng thuộc phái tả của Mỹ (như The Nation) đang bày tỏ sự thông cảm của họ đối với nhà đọc tài Putin về hồ sơ Ukraine. Tôi đặc biệt quan tâm đến ý kiến của bạn này vì ông ta đã sống nhiều năm cả ở Châu Âu lẫn Đồng Nam Á và, nói chung, là một người mà biết nhiều. Trả lời câu hỏi của tôi, bạn này có viết:

Hi Jonathan, Không chỉ là phái tả ở bên Mỹ, mà phái tả ở Châu Âu (cũng có vài tiếng nói nổi danh ủng hộ Putin ở Anh Quốc, chẳng hạn). Một lý thuyết có thể là như này: Sự căm ghét của một số bộ phận trong phái tả tâp chung chủ yếu vào ‘đề quốc chủ nghĩa Mỹ’ hậu Iraq/Aghanistan. Ho coi Nga là một lực lượng chống lại.

Thứ hai, (một số bộ phận trong) phái tả (ở Mỹ, Tây Âu) đã chấp nhận luận điểm (không hoàn toàn không đúng) rằng (nền chính trường) của Ukraine đang bị những phe quốc gia chủ nghĩa “phát xít” đô hộ. Nếu đó là sự thật, dù chỉ là một phần nhỏ và nhất định, Putin sẽ lấy cớ đó để ép Ukraine. Tất nhiên đó cũng là vô lý – vì chính kiểu chính trị chủ nghĩa quốc gia của Nga là đáng tệ (nếu không muốn nói “phát xít”).

Thứ ba, phái tả không thích “quyền lực nhân dân” (những phong trào “people power”). Tôi đã thấy điều này xảy ra đối với Philippines hồi năm 1986, mà cánh tả thấy là một âm mưu của Mỹ (lại, không hoàn toàn sai nhưng là một phóng đại cực lớn). Đối với những cuôc nổi dậy ở Đông Âu năm 1989 cũng vây: Ví dụ, có một chuyên gia về Romani, một học giả khá giỏi, thậm chí trách mắng Mỹ về sụp đổ của Ceausescus. Điên. Và tất nhiên Georgia và Ukraine trong những năm 2000s. Thấy người dân của những nước này ‘bị lỡ độ đường vì đêm tối,’ không hề tự đúng lên chống lại độc tài chính trị, mà luôn luôn là con rối của quyền Mỹ. Cũng có lúc phái tả thật là kỳ lạ.

Tại sao tôi lo về những quan điểm của cánh tả phương Tây về hồ sơ Ukraine/Putin? Lý do đơn giản là tôi là một người rất thông cảm với chính trị cánh tả. Tôi rất quan tâm đến những vấn đề như công bằng xã hội v.v… Tôi cũng là một người chống đề quốc, dù sự đế quốc chủ nghĩa đó là của Mỹ hay Nga hay Trung Quốc. Cái mà tôi không thể nào chấp nhận được là ủng hộ cho một chế độ độc tài không tôn trọng nhân quyền hay một lãnh đạo chính trị mà đã được bâu cử môt cách dân chủ mà lại không chơi theo những luật chơi dân chủ.

Dù không theo đạo và dù gia đình của tôi đã ở Mỹ hơn 100 năm trời, tôi là một người gốc Do Thái; cụ ngoại sinh ra ở Odessa và cụ nội ở Lithuania. Trong gia đình đã có người chết vì cả Hitler lẫn Stalin. Vậy, tôi không coi nhẹ chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa đế quốc. Tôi phải thừa nhận, kiến thức của tôi đối vối Đông Âu không cao. Nhưng, nó dủ cao để khẳng định như sau: Chúng ta phải ủng hộ một nền chính trị dân chủ ở Đông Âu. Phải chống lại những quan điểm thực sự mang tính đế quốc và phát xít ở mọi phía. Năm nay là kỷ niệm 100 năm chiến tranh thế giới thứ nhất. Chúng ta đã học cái gì?

Là một người khá thông cảm với chính trị cánh tả, tôi đặc biệt hổ thẹn khi những người “đòi công lý” lại ủng hộ những kẻ mà chẳng tôn trọng dân chủ và nhân quyền một chút nào. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng hiểu rõ hơn về tình hình ơ Ukraine và ủng hộ những Anh Chị Em Ukraine mà đang đấu tranh cho một tương lai dân chủ, công bằng, và phi cả phát xít lẫn đế quốc. Đó là kiểu chính trị cánh tả duy nhất tôi có thể ủng hộ được.

JL

16 thoughts on “Ukraine và cánh tả ở phương Tây

    • Nói có sách, mách có chứng. Bạn cần và phải dẫn chứng lời bạn ‘phán cái đùng’ rằng tác giả JL “tỏ ra quá kiêu căng và coi thường người khác”; nếu không, lời bạn chỉ là Nói Lấy Được như…Vẹm!

  1. Agree with you indeed Pro. J. London .The” Lefts” is always accidentally/ conveniently blindly forget about their actions to
    political tragic of other people/country for example they were screaming out loud against about the the support of USA government to the South Vietnam during war , but most the “Lefts” were conveniently forgot about what happen to the few hundred thousand ex official/soldier/officers/ political dissident were starved , tortured, imprisoned in those CAMPS call as ” Reeducation” or about 3 millions Cambodian were shot , starved or bludgeoned to death by Khmer Rouge , just because those people happen to live in the city or happen to go to school or being a teacher , doctor !! These “leftist” people sometimes make me puke !! I was wonder why do not they go and live in North Korea or Russia for a short time , may be after such experiences their EYE SIGHT will be wide open !!
    !! have a good day Professor !!

  2. Ông London nhắc đến hai chữ “Đế Quốc”, đó là một đề tài thú vị. Học sinh Việt Nam được học rất nhiều về chủ nghĩa đế quốc. Lịch sử Việt Nam cận đại là lịch sử vẻ vang chống đế quốc và giải phóng dân tộc và vì thế nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ và đoàn kết với các dân tộc đã hoặc đang bị đô hộ áp bức bởi đế quốc. Chỉ có điều vạch mặt chỉ tên ai là đế quốc là có vấn đề: nó bị sai lệch, lập lờ đánh lận con đen, nói thẳng ra là bịp bợm nhằm mục đích tuyên truyền. Ví dụ sách sử luôn dạy Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ nhất, trong khi lịch sử Mỹ từ khi lập quốc không có hoàng đế (Emperor), hầu như không có thuộc địa thực sự, và không có đế quốc (Empire – hiểu theo đúng nghĩa đen). Ngược lại hai anh cả XHCN là Liên Xô và Trung Quốc về bản chất là hai đế quốc thực sự, đều là sản phẩm của các hoàng đế đi xâm chiếm thuộc địa. Trong các đế quốc này đều có các dân tộc nhỏ bị cai trị, chưa được giải phóng, trong khi họ thực sự là muốn “giải phóng dân tộc” như Việt Nam luôn mồm hô hào. Đế quốc Nga nhờ có Liên Xô tan rã mà các dân tộc bị trị mới giành được độc lập. Trung quốc thì chắc còn lâu (nó còn đang muốn làm đế quốc to hơn bây giờ nữa kia!). Nói tóm lại học sinh Việt Nam cần được dạy lại về lịch sử, và phải hiểu rõ cái gì trước đây được dạy dỗ là bịp bợm. Sau đó mới có thể ý thức được thực tế hiện tại, điều mà tôi nghĩ là ông London có nhã ý muốn làm cho họ hiểu. Sẽ không ngạc nhiên nếu có rất nhiều người không hiểu (hoặc cố tình không hiểu).

    • Tôi thấy hết sức buồn cười ở chỗ nhiều người nói Nga xâm lược Ua nhưng khi mỹ và tây phương nã bom đạn vào những nước khác thì lại không phải là xâm lược mà là để lật đổ độc tài mang tự do dân chủ . Đó chính là vấn đề, chừng nào vẫn còn suy nghĩ đó thì về bản chất cũng chỉ là bọn lừa đảo này thay bọ lừa đảo khác mà thôi

      • Khi phương tây nã đạn vào nước khác rồi bảo đó không phải là xâm lược mà là để lật đổ độc tài mang tự do dân chủ thì ở các nước phương tây đó nhiều người dân không tin, thậm chí còn biểu tình phản đối. Tất nhiên phản đối, phản biện hay gì gì đi nữa không phải lúc nào cũng có tác dụng, nhưng nó cũng làm cho chính phủ không hòan toàn muốn làm gì thì làm. Đó cũng là sự khác nhau giữa phương tây với Việt Nam, Trung Quốc và Nga hay bắc Triều Tiên. Do đó khi lãnh đạo Việt Nam hùng hồn tuyên bố Việt Nam dân chủ vạn lần hơn phương tây thì đó quả là rất buồn cười.
        Còn chuyện tại sao ở việt Nam nhiều người sùng bái Putin làm cho ông London thấy có vẻ khó hiểu, theo tôi chẳng qua là do truyền thông (một chiều) của Việt Nam mà thôi.

  3. Qua chuyện Ukraine và Nga xảy ra, thấy một vài điều:

    1.
    Tình báo Hoa Kỳ và EU dở như …hạch! tình báo dở và các nhà phân tích, hoạch định chính sách cũng…nhát như cáy ngày. Chả ai lường được Putin hắn dám làm như vậy. Vậy ra tin tưởng vào EU hay Hoa Kỳ, nên chăng? Hãy tự bảo vệ mình là bài học luôn đúng.

    2.
    Như một bài báo nịnh thối anh Putin nhân dịp anh ấy đọc diễn văn sau khi sát nhập Ukraine vào Nga (đại ý “bài diễn văn vĩ đại làm thay đổi thế giới”). Các lời bình khác không đáng kể hay thậm chí là nhố nhăng trong nội dung ấy, nhưng “thay đổi thế giới” có thể đúng: trật tự, các đường biên giới, toàn vẹn lãnh thổ và cách hành xử sẽ khác đi. Chưa kể sự kiện xâm lược Ukraine sẽ là tiền lệ xấu. Lý lẽ trên đầu họng súng!

    3.
    EU và Hoa Kỳ, như lờ mờ đoán trước (bởi…lịch sử!) lại trơ cái mặt mốc ra. Các “cam kết” dưới ô dù Hoa Kỳ (lại một lần nữa) trở thành trò cười. Giác thư cam kết tôn trọng lãnh thổ hiện hành, kiên quyết chống lại bất cứ “thằng” nào ăn thịt Ukraine ..v..v. của các nước Anh, Hoa Kỳ và Nga, để đổi kho vũ khí hạt nhân của Ukraine (1,800 đầu đạn, thứ 3 Thế giới). Bài học có lẽ các nước khác nên nhìn bọn Iran, Bắc Hàn bằng con mắt khác, hay ít ra cũng chưa vội cho chúng là…bệnh hoạn? Thật là nguy hiểm.

    4.
    Các cam kết chỉ là giấy (lộn). Nhât, Hàn, Philippin hay ..v..v…chớ quá tin mà chết như …VNCH. Nước Mỹ (lại) chứng tỏ mình là kỳ thủ chuyên đánh…nước một, chạy theo sự kiện chứ dek tiên liệu được cái gì.

    Nói họ có viễn kiến? chưa chắc, chính họ build lên anh Bin Laden để chục năm sau hắn đập lại chú Sam…rồi hàng loạt các nhân vật như Mubarak của Egypt, dung nạp và ve vãn loại như Gaddafi của Libya để chúng trở thành hung thần của đất nước chúng, chơi với Tàu cộng, Việt công…

    Vừa rồi chính quyền Obama đi đêm với tay tổng thống vừa được bầu của Egypt là Morsi bán 40% đất Egypt trên cao nguyên Goland lấy 25 tỷ USD (Mỹ chi) cho Israel, Palestin và …Huynh đệ Hồi Giáo (!?), chắc để chúng thành lập nhà nước Hồi giáo khủng bố cho…tiện?

    Tóm lại, chú Sam giỏi khoản vác đá ghè chân mình.

    5.
    Tự nhiên lãi hình thành thế đối đầu Nga-Mỹ/EU. Muốn chắc thắng Nga (cả trong cấm vận-nếu dám chơi rắn) lại phải lôi kéo thằng…Tàu. Không thể chơi hai thằng một lúc được. Tàu đã đánh tiếng về phe Mỹ (hay cố tình xúi cho Mỹ/EU quyết tâm đối đầu Nga hòng hưởng lợi) bằng cách…tuyên bố “tôn trọng chủ quyền Ukraine tại LHQ làm bẽ mặt Nga. Nếu vậy các nước Đông nam á coi chừng bởi chả cái gì so với mối lợi “thân” Tàu của Hoa Kỳ. Phi, Đài và xa hơn tý là Việt nam sẽ lại một lần nữa có thể bị “bán”. Chơi với bạn nhưng lại móc nối với kẻ thù của bạn Á Đông mình gọi là kẻ “phản bạn”, nhưng không ảnh hưởng tý ti ông cụ nào đến lý luận “không có bạn, không có thù…chỉ có quyền lợi Mỹ là tối thượng”!

    6.
    Hoa Kỳ và Eu nếu có lượng khí đốt bù cho 30% mua từ Nga và chơi trò embargo đủ dài (ít nhất 2-3 năm) mới có cơ làm chết Putin. Nhưng vừa rồi Nga dụ khị làm như dịu giọng (“không trả đũa lệnh cấm vận của EU blah blah”). có lẽ lại một cuộc mặc cả (rất nhanh chóng) trên lưng dân Ukraine. Mất Crime hoàn mất. Giống như Hoa kỳ làm trung gian hòa giải giữa Tàu và Phi tại bãi Cỏ Rong: hai bên triệt thoái lực lượng, nhưng chỉ có Phi rút, còn Tàu thì (ngang nhiên) tăng thêm tàu chiến trước mặt Mỹ, đến nỗi giờ Phi phải thả gạo tiếp tế bằng dù…

  4. Ta đang ở Cõi Trần, giữa Thiên Đàng và Địa Ngục, nên phải chấp nhận 2 thế lực cùng tồn tại. Hài hước là 2 thế lực luôn cùng vỗ ngực “Ta là chính nghĩa! Mi là phản động!”
    Vậy nên, chẳng cần mất thời gian phản đối phe kia. Mà hãy tập trung củng cố “phe ta.”
    Hãy cố gắng đơn giản cách sống: KHÔNG LÀM HẠI NGƯỜI KHÁC.
    Nói thêm, rất vui khi biết gốc gác của GS. Vì tôi cũng cảm tình với Israel.

  5. Ngay từ đầu bài viết tác giả đã kết luận rằng”những người ủng hộ Putin vô điều kiện là những người rất hạn chế về tư duy và gần như là thuộc nhóm chưa biết tư duy độc lập có thể tồn tại.” nói thẳng ra thì giống kiểu chưa nói đã kết luận anh sai rồi, ko cần nói gì thêm. Đó không phải tư duy của những người thảo luận nhằm thêm hiểu biết

    Vấn đề ucraina về bản chất là cuộc giành giật địa chính trị giữa Nga và Pt trong đó những chính trị gia Ua là những kẻ cơ hội mà ông Putin ví von không sai( những kẻ lừa đảo này thay bằng những kẻ lừa đảo khác)và lợi ích dân tộc bị tước đoạt .

    Còn nói về Putin thì tôi cho rằng người phương tây cho rằng ông ta độc tài nhưng đối với người Nga thì ông ấy đã vực dậy Nga từ đống trò tàn và có vị trí ngày càng lớn và thách thức phương tây. Điều đó làm chính quyền phương tây ko hài lòng môt chút nào và trên thực tế tất cả những nước trên tế giới nếu ko chịu nghe lời phương tây và nhất là có ý định thách thức đều là độc tài cả . Một ví dụ điển hình ( siri với Át sát mới ngày nào vẫn còn ngồi an vui vẻ cùng Kery mà chẳng mấy chốc thành độc tài cần phải loại bỏ) mặt bên kia là Ả rập với một ông vua mà ai cũng biết rằng ko những độc tài mà còn rất hà khắc nhưng vẫn được Mỹ và tây phương đón tiếp trọng thị và lặng thinh. Do đó độc tài hay không phụ thuộc góc nhìn và lợi ích mà thôi

    • Tôi đồng ý với ý kiến của bạn. Độc tài, phát xít hay anh hùng tùy thuộc vào góc nhìn của từng người. Bài này của JL cũng như bài “Ukraine và Việt Nam” theo tôi phản ánh cái nhìn 1 chiều, có phần thiên vị Mỹ và Tây phương của JL về tình hình tại Ucraina. Tất cả các bên đều vì lợi ích của mình đầu tiên. Tôi không tin là JL có thể khẳng định là những hành động của Mỹ và Phương Tây hiện nay tại Ucraina chỉ là vì họ muốn bảo vệ dân chủ, nhân quyền, luật pháp quốc tế (tất cả những điều này họ đều chà đạp trong những hành động trước đây tại Nam tư, Irac, Libi,…)

      • Liên quân mà không can thiệp vào Nam Tư thì Liên Bang này chìm trong bể máu do tự tàn sát lẫn nhau.
        Hồi đó tôi đang ở Bulgaria nên biết rất rõ.

  6. Mình cũng cùng tâm trạng như bạn Jonathan. Về vụ khủng hoảng Krym, ở Đức ban đầu cũng những người được xếp vào nhóm Putin-Versteher (nghĩa đen: những người hiểu Putin; tạm dịch là những người thông cảm cho hoàn cảnh của Putin), họ toàn là những người cực tả. Ban đầu mình cũng thấy ngộ ngộ. Ai đời lúc nào cũng mở miệng bênh người nghèo, người yếu, mà bây giờ lại về phe nước khổng lồ đi dành đất nước khác. Nhưng rồi mình tự cho là đó là những người ở Đông Đức lớn lên dưới chế độ cộng sản, hay sinh trưởng trong gia đình mà cha mẹ là cộng sản nên vẫn còn suy nghĩ lối ý thức hệ tư bản vs. cộng sản. Nhưng mà chế độ Putin là chế độ Mafia công an trị chứ có phải cộng sản đâu. Mà đây đâu có phải là lần đầu, Putin đã dùng những trò tương tự ép bức Gruzia và cả Moldova nữa.
    Sau này cả những lãnh tụ già của SPD ở Tây Đức như cựu thủ tướng Gerhard Schröder, và Helmut Schmidt cũng tự cho là mình thông cảm cho Putin, làm mình chóng mặt luôn. May mà ở đây cũng có nhiều người phê bình tương tự như bạn Jonathan. Cảm ơn bạn về bài rất hay này.

  7. Cái logic của phái tả là:

    – Mỹ và Tây phương là đại biểu của tư bản.

    – Liên Xô thời xưa, và Putin ngày nay chống lại Mỹ & Tây Phương là chống lại tư bản.

    – Chống lại tư bản thì tức là thuộc phái tả.

    – Đã là phái tả thì tức là cùng phe với ta.

    Điều mà các vị phái tả này không biết là chống lại tư bản nhưng chưa chắc là phái tả. Đức Quốc Xã cũng chống lại Mỹ và các nước Tây Âu nhưng Đức Quốc Xã đâu phải là phái tả. Liên Xô thời xưa và Putin thời này với cách cai trị độc tài thì không đáng gọi là phái tả vì phái tả là phái bênh vực cho quyền phát biểu và các quyền con người của quần chúng chứ không phải là kẻ cầm quyền tiêu diệt hết các quyền của quần chúng. Liên Xô thời xưa bản chất thì cũng chẳng khác gì Đức Quốc Xã, chẳng qua là đội lốt Cộng Sản mà thôi. Quả thật có lúc Liên Xô đã bắt tay với Đức Quốc Xã và hè nhau xâm lăng Ba Lan. Đó đâu phải là hành vi của phái tả, đó là hành vi của đế quốc, là của phái hữu.

  8. “Nga ngố”, “Nga lợn”! Đó là lời đám con cháu tôi, đang làm ăn ở Nga, hay nói khi tôi gặp chúng nó.
    Năm 1954, USSR (CCCP) đã giao Krưm (Crimea) cho Ukraina. Năm 1998 Phương Tây và Nga khẳng định lại điều này khi Ukraina chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.
    Nay Nga chơi trò bẩn thò tay trộm lại Krưm. Rồi nói bá láp ba sàm.

  9. Phát biểu của Gregor Gysi, Chủ tịch Khối nghị sỹ Đảng Cánh tả sau Tuyên bố của Thủ tướng Liên bang Angela Merkel về tình hình Ukraine tại Phiên họp toàn thể của Nghị viện Liên bang Đức ngày 13.3.2014
    *******************
    JL: Cảm ơn chị đã chia sẻ bài…. tôi thấy bài này là nên đọc, ít nhất để hiệu những luận điểm của những người ngại về hành vi của các chính phủ Tây Phương. Như đã nói trước, tôi là người khá thông cảm với cánh tả – Sau đọc bài tôi thấy có những luận điểm đáng chủ ý… nhất về bộ phận cực đoan trong chính trường của Ukraine. Chẳng có ai nên ủng hộ những người đó. Song, có nhiều chỗ chưa tuyết phực lắm và thậm chí misleading (nói lừa dối là quá mạnh) về/v so sánh Ukraine với Iraq, chẳng hạn, hay quan điểm mà cho rằng hay hàm ý những nước láng giềng phải hy sinh nền độc lập, nền dân chủ theo ra lẹnh của Nga đề quốc. Như đã nói, bài cũng có một số luận điểm quan trọng phải đề cập. Nhưng kết luận chẳng có nghĩa là VN nên ủng hộ Nga và nên định hướng những thảo luận báo chí theo đường lối lừa bịp và tự phực vụ của bộ máy Crem.

    Lời người dịch:

    Thay cho việc tóm tắt các luận điểm chính, tôi quyết định dịch miễn phí 🙂 toàn văn bài phát biểu này trên cơ sở Biên bản chính thức của Nghị viện Liên bang Đức. Hy vọng tư liệu đầu nguồn này có thể giúp bạn đọc Việt Nam có một hình dung cụ thể về quá trình thảo luận chính sách Ukraine của Đức, một quốc gia đang đóng vai trò then chốt trong quan hệ giữa Phương Tây và Nga trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị hiện nay. Ngoài ra biên bản tốc ký này, trong đó bao hàm các ghi chú chi tiết về phản ứng của cử toạ bao gồm các chính khách thuộc Liên minh chính phủ cũng như của các đảng đối lập, cũng có thể cung cấp những ấn tượng sinh động về văn hoá nghị trường, trước hết là về nghệ thuật diễn giải của Gregor Gysi, một luật sư gốc Do Thái xuất thân từ CHDC Đức trước đây và người được coi là một trong những nhà chính trị Đức có khả năng hùng biện nhất.

    * *

    *

    Thưa ông Chủ tịch! Thưa các quý bà và quý ông! Putin muốn giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp quân sự. Ông ta không hiểu rằng các vấn đề của nhân loại không thể giải quyết bằng binh lính hay súng đạn, mà hoàn toàn ngược lại.

    Kể các các vấn đề của nước Nga cũng không thể giải quyết bằng cách đó.

    Tư duy và hành động của ông ta là sai và chúng tôi lên án điều này một cách rõ ràng!

    Tuy nhiên đây cũng chính là phương thức tư duy từng thống soái và vẫn đang thống soái ở Phương Tây: ở các trường hợp Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Libya.

    Thay thế cho xung đột hệ thống trước đây nay là các đối kháng về quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Nga. Chiến tranh lạnh đã kết thúc, tuy nhiên các đối kháng về quyền lợi như vậy vẫn hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ quả tương tự.

    Hoa Kỳ muốn mở rộng khu vực ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có, và Nga muốn mở rộng khu vực ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có. Liên quan đến Nga tôi chỉ nêu ra các từ khoá sau đây: Georgia, Syria, Ukraine.

    Cho dù lên án hành động của Putin, người ta vẫn phải nhìn nhận nguyên do đã dẫn tới toàn bộ tình trạng tình trạng căng thẳng và xung đột hiện tại. Tôi xin nói một cách hoàn toàn rõ ràng với các quý vị: Tất cả mọi sai lầm mà NATO và EU có thể có thì họ đều đã mắc phải.

    Tôi bắt đầu với Gorbachev vào năm 1990. Ông đã đề nghị thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsaw, xây dựng một quan niệm “An ninh chung” với Nga. NATO đã bác bỏ đề nghị này và nói rằng: Giải thể Khối hiệp ước Warsav thì được, nhưng NATO vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Và từ một liên minh phòng thủ, NATO đã trở thành một liên minh can thiệp.

    Sai lầm thứ hai: Khi tiến hành thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc đó là Genscher và các Bộ trưởng Ngoại giao khác đã tuyên bố với Gorbachew rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa hẹn này đã không được giữ. NATO đã được mở rộng một cách quyết liệt về hướng của Nga.

    Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã đánh giá việc kết nạp một cách vội vàng các nước Đông Âu vào NATO là một sai lầm lớn và cố gắng của Phương Tây nhằm mời Ukraine vào NATO là một khiêu khích nghiêm trọng. Không phải tôi, mà là Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tuyên bố như vậy.

    Và sai lầm thứ ba tiếp theo đó là quyết định đặt tên lửa ở Ba Lan và Séc. Chính phủ Nga đã nói rằng: Việc này ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của chúng tôi; chúng tôi không muốn điều đó. – Thế nhưng Phương Tây đã tuyệt nhiên không hề quan tâm tới ý kiến này. Quyết định đặt tên lửa vẫn được thực hiện.

    Ngoài ra trong cuộc chiến ở Nam Tư, Phương Tây đã nhiều lần vi phạm và vi phạm một cách nghiêm trọng công pháp quốc tế. Giữa chừng cựu Thủ tướng Schröder cũng đã thừa nhận việc này. Serbia đã không tấn công một nhà nước khác, và cũng không có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy mà nó đã bị ném bom, với sự tham chiến lần đầu tiên của Đức sau 1945. Và người dân của Kosovo đã được phép quyết định li khai khỏi Serbia thông qua một trưng cầu dân ý.

    Lúc đó tôi đã cực lực phê phán sự vi phạm công pháp quốc tế này và đã nói với các quý vị: Ở Kosovo các quý vị đang mở nắp chiếc bình của Pandora; bởi vì nếu việc này được cho phép ở Kosovo thì các quý vị cũng sẽ phải cho phép nó ở những nơi khác. – Các vị đã mắng chửi tôi. Các vị đã không đếm xỉa đến điều này, đơn giản bởi vì các vị cho rằng với tư cách là những người thắng cuộc trong Chiến tranh lạnh thì tất cả các ràng buộc cũ không còn hiệu lực với các vị nữa. Tôi xin nói với các quý vị rằng: Người Basque hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Người Catalan hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Và tất nhiên bây giờ người dân của Krym cũng sẽ hỏi như vậy.

    Thông qua việc vi phạm công pháp quốc tế và qua phương thức luật tục người ta cũng có thể tạo ra một công pháp quốc tế mới; các quý vị đều biết điều này. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng việc ly khai Krym là một sự vi phạm công pháp quốc tế, cũng như việc ly khai Kosovo đã là một sự vi phạm công pháp quốc tế.

    Tuy nhiên tôi đã biết trước Putin sẽ dựa vào tiền lệ của Kosovo, và ông ta cũng đã làm như vậy. Và bây giờ, thưa bà Thủ tướng Liên bang, bà lại nói rằng: Tình hình dạo đó hoàn toàn khác.

    (Claudia Roth, Augsburg, LIÊN MINH 90/ĐẢNG XANH: Thì cũng đúng như vậy mà!)

    Cũng có thể như vậy. – Nhưng mà quý vị bỏ qua một điều rằng: Vi phạm vi phạm công pháp quốc tế đơn giản là vi phạm công pháp quốc tế.

    Thưa bà Roth thân mến, bà hãy thử hỏi một vị thẩm phán xem liệu ăn cắp vì động cơ cao cả so với việc ăn cắp vì động cơ không cao cả có còn là hành vi ăn cắp nữa không. Vị thẩm phán sẽ nói với bà rằng: Ăn cắp là ăn cắp. – Đây chính là vấn đề.

    Dạo đó ông Struck (Bộ trưởng Quốc phòng Đức dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder) đã tuyên bố rằng: Cộng hoà Liên bang Đức phải bảo vệ an ninh của mình ở dãy Hindu Kush. – Và bây giờ ông Putin tuyên bố: Nước Nga phải bảo vệ an ninh của mình trên bán đảo Krym – Phải nói thêm là Đức không có hạm đội đóng ở dãy Hindu Kush và cũng nằm xa nơi này nhiều lần. Mặc dù vậy tôi nói rằng: Cả hai câu nói này đều đã sai và đang sai.

    Nhưng vấn đề còn lại là: Một khi nhiều bên vi phạm công pháp quốc tế trách cứ một bên vi phạm công pháp quốc tế là nước Nga, rằng nước này đang vi phạm công phạm quốc tế, thì điều này không mang tới một hiệu quả và độ tin cậy đặc biệt nào. Đây là một thực tế mà chúng ta phải đương đầu.

    Obama cũng nói y như bà, thưa Thủ tướng Liên bang, về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Thế nhưng các nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Serbia, Irag và Libya. Phương Tây cho rằng có thể vi phạm công pháp quốc tế bởi Chiến tranh lạnh đã trôi qua. Người ta đã coi thường một cách thô bạo các quyền lợi của Trung Quốc và Nga. Các quý vị không còn một sự nể vì nào trước nước Nga thời Jelzin, vị Tổng thống thường say xỉn này. Thế nhưng tình huống đã thay đổi. Một cách rất muộn màng, các quý vị đã dựa vào những nguyên tắc công pháp quốc tế được hình thành vào thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tôi rất ủng hộ cho việc tái lập hiệu lực của công pháp quốc tế – nhưng mà là cho tất cả mọi bên! Khác đi thì chẳng thể nào được.

    Tiếp theo đó lại có sự giành giật Ukraine giữa EU và Nga. Cả hai đều suy nghĩ và hành động như nhau. Barroso, Chủ tịch Uỷ ban EU, đã nói: Hoặc là Liên minh thuế quan với Nga hoặc là Hiệp định với chúng tôi! – Ông ta không nói: “Cả hai”, mà là “Hoặc thế này – Hoặc thế kia!”. Còn Putin thì nói: Hoặc là Hiệp định với EU hay là với chúng tôi! – Cả hai đều cùng tư duy và hành động theo phương thức loại trừ. Đây là một sai lầm đầy tai hoạ của cả hai bên.

    Không hề có một Bộ trưởng Ngoại giao nào của EU đã tìm cách nói chuyện với chính phủ Nga và ghi nhận các quyền lợi an ninh chính đáng của Nga.

    Nga e sợ rằng sau khi có quan hệ chặt chẽ hơn với EU thì NATO sẽ vào Ukraine. Nga cảm thấy càng ngày càng bị bao vây. Nhưng người ta chỉ tập trung vào việc tranh dành ảnh hưởng ở Ukraine.

    Các Bộ trưởng Ngoại giao EU và NATO đã hoàn toàn không đếm xỉa đến lịch sử Nga và Ukraine. Họ chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của Krym đối với nước Nga. Bản thân xã hội Ukraine bị phân hoá một cách sâu sắc.

    Kể cả điều này cũng không được lưu ý đến. Sự phân hoá sâu sắc này đã bộc lộ từ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai và vẫn còn thể hiện tới tận ngày hôm nay. Phía Đông Ukraine có thiên hướng nghiêng về Nga. Phía Tây Ukraine có thiên hướng nghiêng về Tây Âu. Hiện tại không có bất cứ một nhân vật chính trị nào ở Ukraine khả dĩ đại diện được cả hai phần của đất nước. Và đây là một sự thật đáng buồn.

    Tiếp theo đó còn có Hội đồng châu Âu và OSZE, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Thưa bà Thủ tướng Liên bang và ông Bộ trưởng Ngoại giao, các quý vị đã quá sao nhãng các tổ chức này trong thời gian cuối. Tiền cho các tổ chức này ngày càng bị cắt giảm, bởi vì các quý vị cho rằng chúng không có gì quan trọng. Thế nhưng đây là những tổ chức châu Âu duy nhất mà cả Nga và Ukraine đều là thành viên. Vì vậy chúng ta phải củng cố lại những tổ chức này – cả trên phương diện tài chính – và không được phép lảm nhảm về việc khai trừ Nga; đây là một chuyện hoàn toàn trật khấc.

    Tiếp theo đó chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng gia tăng một cách nghiêm trọng ở Maidan. Chúng ta đã chứng kiến những kẻ bắn tỉa và nhiều người chết. Có nhiều lời đồn đại về việc này. Trong những tình huống như vậy sẽ có nhiều điều dối trá. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị thiết lập một Uỷ ban điều tra quốc tế. Chúng ta, trước hết là người dân Ukraine, có quyền biết những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm nào ở đó. Tôi vui mừng là bà, thưa Thủ tướng Liên bang, đã ủng hộ việc này.

    Ở Maidan có nhiều lực lượng dân chủ, nhưng cũng có nhiều lực lượng phát xít. Và Phương Tây đã trực tiếp và gián tiếp đồng loã.

    Sau đó Bộ trưởng ngoại giao Steinmeier, Bộ trưởng ngoại giao Pháp và Ba Lan đã ký kết với Yanukovych và phe đối lập một hiệp định. Và bây giờ, thưa Bộ trưởng Ngoại giao, ông lại nói rằng, Yanukovych đã vô hiệu hoá thoả thuận này thông qua việc ông ta bỏ trốn. Điều này sai. Người dân ở Maidan đã bác bỏ thoả thuận này với một đa số áp đảo,

    Còn ông, thưa Bộ trưởng Ngoại giao, đã không tranh thủ sự ủng hộ cho thoả thuận này trên quảng trường Maidan. Chỉ sau khi bị bác bỏ, Yanukovych mới rời khỏi Kiew.

    Sau đó Nghị viện đã họp và phế truất ông ta với 72,88 phần trăm số phiếu.

    Tuy nhiên Hiến pháp quy định tỷ lệ số phiếu phải là 75 phần trăm. Bây giờ ông Röttgen (Chính khách CDU, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Nghị viện Liên bang Đức) và những người khác nói rằng: Ừ thì trong một cuộc cách mạng người ta không thể để ý đến Hiến pháp một cách tường tận được. Chỉ vài phần trăm ít hay nhiều hơn thì cũng có sao đâu… – Vâng, người ta có thể làm được mọi việc như vậy. Chỉ có điều là bây giờ Putin dựa vào đó và nói rằng: “Không có đa số để phế truất theo quyết định của Hiến pháp”,

    và vì vậy đã căn cứ vào bức thư mà Yanukovych đã gửi cho ông ta.

    Ngoài ra: Khi bỏ phiếu ở Nghị viện có rất nhiều người trang bị vũ khí đứng ở đó. Điều này không thật đặc biệt dân chủ. Và trong đợt trưng cầu dân ý vào chủ nhật tới ở Krym cũng sẽ có nhiều binh lính có trang bị vũ khí có mặt ở đó. Cả điều này cũng không thật đặc biệt dân chủ.

    Điều thú vị là, thưa Thủ tướng Liên bang, bà có nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý như vậy không được Hiến pháp Ukraine cho phép. Vậy thì lúc nào nó có hiệu lực và lúc nào thì không? Khi bỏ phiếu phế truất Tổng thống thì nó không có hiệu lực, và khi tiến hành trưng cầu dân ý ở Krym thì bỗng nhiên nó lại có hiệu lực. Các quý vị phải biết rằng: Quý vị chấp nhận toàn thể Hiến pháp Ukraine hay chỉ là một số phần nhất định của nó, những phần dễ chịu đối với các quý vị? Đây là một kiểu cách mà tôi biết và không thích.

    Tiếp theo đó một chính phủ mới đã được thành lập và ngay lập tức được công nhận bởi Tổng thống Obama, bởi cả EU và cả chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức. Thưa bà Merkel! Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Môi trường, Viện trưởng Viện Công tố tối cao – tất cả họ đều là các thành viên phát xít. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là người đồng sáng lập Đảng phát xít Swoboda. Các thành viên phát xít chiếm giữ những vị trí quan trọng và áp đảo, chẳng hạn trong khu vực an ninh. Chưa bao giờ những kẻ phát xít tự nguyện từ bỏ quyền lực, một khi họ đã chiếm giữ một phần của nó.

    Tối thiểu thì chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức phải vạch rõ đường giới hạn ở đây, cho dù chỉ vì quá khứ lịch sử của chúng ta.

    Khi mà đảng FPÖ (Đảng cánh hữu ở Áo) của Haider tham gia chính phủ Áo, thậm chí đã có các biện pháp tẩy chay quan hệ và tương tự. Vậy mà đối với những kẻ phát xít ở Ukraine chúng ta lại án binh bất động? Swoboda có những mối quan hệ vô cùng mật thiết với NPD (Đảng phát xít mới ở Đức) và với các đảng Nazi khác ở châu Âu. Chủ tịch của Đảng này, Oleg Tjagnibok, đã tuyên bố nguyên văn như sau. Bây giờ tôi sẽ trích dẫn; các quý vị phải nghe những gì ông ta đã nói, nguyên văn như sau:

    “Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”

    Kết thúc phần trích dẫn. Tôi nhắc lại. Người đàn ông này đã nói như sau:

    “Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”

    Kết thúc phần trích dẫn. – Hiện tại đang có những sự tấn công đối với người Do Thái và người Cánh tả, vậy mà các quý vị không hề nói một điều gì về việc này? Vậy mà các quý vị vẫn nói chuyện với những người của Swoboda? Tôi cho đây là một vụ tai tiếng. Tôi phải nói thẳng với các quý vị như vậy.

    Bây giờ thì – như đã báo trước – các quý vị muốn đưa ra các biện pháp trừng phạt, nếu như không còn có cách nào khác. Nhưng mà việc này sẽ không gây ấn tượng đối với Putin. Nó sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm. Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, có lý. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt không phải là dấu hiệu của một chiến lược, mà là dấu hiệu cho việc thiếu đi một chiến lược. Điều này cũng đúng với các chuyến bay quân sự đang diễn ra tới tấp ở Ba Lan và các nước Cộng hoà vùng Ban Tích. Làm như vậy là vì mục đích gì?

    Các tài khoản của Yanukovych và thuộc hạ của ông ta bị phong toả, vì đây là tiền bị ăn cắp của quốc gia. Câu hỏi của tôi là: Các quý vị không biết điều này từ trước đó à? Câu hỏi thứ hai: Tại sao lại chỉ là tài khoản của những người này? Thế còn tài khoản hàng tỉ bạc của các trùm tài phiệt ủng hộ cho những lực lượng khác thì sao? Tại sao ở đây các vị lại không làm gì cả? Tại sao mọi việc lại diễn ra một chiều như vậy?

    Chỉ có con đường của ngoại giao.

    Thứ nhất. Phương Tây phải công nhận quyền lợi an ninh chính đáng của Nga ở Krym, như giữa chừng Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng đã thừa nhận. Phải tìm ra một quy chế cho Krym mà Ukraine, Nga và chúng ta có thể chấp nhận.

    Phải đưa ra đảm bảo đối với Nga rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO.

    Thứ hai. Tương lai của Ukraine nằm ở chức năng cầu nối giữa EU và Nga.

    Thứ ba. Ở Ukraine phải triển khai một quá trình trao đổi và hoà giải giữa miền Đông và miền Tây, có thể là thông qua một hệ thống liên bang hay là một liên minh quốc gia, có thể là với hai chức danh Tổng thống.

    Điều mà tôi trách cứ EU và NATO: Cho đến hiện tại chưa ai tìm và tìm thấy quan hệ với Nga. Bây giờ điều này phải thay đổi một cách triệt để.

    An ninh ở châu Âu không thể có được nếu không có Nga hoặc chống lại Nga, mà chỉ có thể có được cùng với Nga. Nếu như cuộc khủng hoảng này vào một ngày đó được khắc phục thì một lợi thế có thể có được là công pháp quốc tế sẽ được mọi bên cùng tôn trọng.

    Xin cảm ơn.

    • Công pháp quốc tế chỉ duy trì được với những lãnh tụ tôn trọng nó. Luật rừng ” mạnh được yếu thua ” vẫn thường xảy ra , nếu Ukraine đủ mạnh để tự bảo vệ thì Nga có danh giut thêm được quyền lợi gì ở Crimea !?

Comments are closed.