Dân chủ, hòa giải, giải phóng

Lịch sử xã hội không bao giờ mất đi sự quan trọng của nó mà lại không mất đi sự phức tạp. Muốn hiểu tình trạng của một xã hội đương đại bắt buộc phải hiểu một cách đầy đủ và sắc thái về con đường mà xã hội đó đã đi từ trước đến nay. Muốn đối phó với những thách thức lớn của hôm nay phải hiểu một cách sâu hơn về nguồn gốc của những thách thức đó.

Mặt khác, năng lực của chúng ta để đề cập những thách thức của hôm nay luôn luôn tồn tại trong vòng những hạn chế về thể chế và những cách suy nghĩ do chính lịch sử xã hội tạo ra. Hơn nữa, trong bất cứ xã hội nào luôn luôn có những thành phần muốn giữ hiện trạng của hôm nay chính vì họ được hưởng quyền lợi của hiện trạng đó.

Trong dịp ngày 30 tháng 4 năm 2014 tôi xin trân trọng đề nghị để hòa giải dân tộc, nhân dân Việt Nam ở hai bên phải đối mặt lịch sử theo một cách mới. Phải có đủ dũng cảm để thực hiện những bước đi cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Phải nhận ra rằng giải phóng thực sự cho toàn quốc Việt Nam sẽ chỉ có nếu toàn dân Việt Nam thực sự thống nhất về một số nguyên tắc thiết yếu do chính người dân Việt Nam và mọi người dân Việt Nam quyết định hay có sự ưng thuận thực sự của họ.

Trong 39 năm qua, đặc biệt là từ đầu thập kỷ 90, người dân Việt Nam ở khắp nơi (kể cả ở ngoài nước) đã thấy những thay đổi sâu sắc trong xã hội của đất nước mình. Từ một mô hình kế hoạch tập trung Việt Nam đã chuyển sang một mô hình dựa vào kinh tế thị trường. Từ một nước đói nghèo, Việt Nam đã lên đường công nghiệp hóa.

Rõ ràng sự phát triển của đất nước có nhiều yếu tố rất hứa hẹn bên cạnh những thách thức rõ nét. Vấn đề hòa giải là một trong những thách thức lớn đó. Cách trả lời câu hỏi này hoàn toàn phù thuộc vào quan điểm của mọi người đối với một câu hỏi lớn hơn nữa: Chúng ta muốn có một Việt Nam như thế nào?

Những lý do để ủng hộ một quá trình hòa giải ở Việt Nam được nói đến nhiều nhất chính là để mở rộng điều kiện của mọi người tham gia một cách tích cực vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên sự thực rằng chúng ta vẫn đang bàn, tranh cãi, và suy ngẫm về hòa giải ở Việt Nam sau gần 40 năm kể từ ngày 30/4/1975 chứng tỏ rằng cách tiếp cận vấn đề hòa giải đến nay vẫn còn nông cạn và hoàn toàn chưa được.

Muốn có một quá trình hòa giải thực sự phải cam kết nỗ lực để đầy mạnh một “xã hội mở,” một “xã hội bao gồm” mà trong đó ai cũng đều có cơ hội để tham gia và không có việc bị loại trừ vì tư duy hay những tin tưởng của mình. Phải có những thể chế và hành vi dân chủ như TT Nguyễn Tấn Dũng đã nêu trong thông điệp đầu năm.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vấn đề hòa giải chưa bao giờ là một chuyện đơn giản và không thể diễn ra theo hướng một chiều.  Muốn hòa giải phải có đủ dũng cảm chính trị để tưởng tượng và đấu tranh cho một tương lai khác hẳn với hiện nay.

* Có ai dám tưởng tượng rằng chính phủ Việt Nam và ĐCSVN sẽ gửi lời xin lỗi chính thức tới hàng triệu người ở bên thua cuộc bị xúc phạm hay phân biệt đối xử trong nhiều năm trong thời hậu chiến? (Có người bảo tôi chuyện đó không bao giờ có! Chưa chắc! Có ai dám tưởng tượng Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải ở Nam Phi? )

* Có ai dám tưởng tượng rằng chính phủ Việt Nam sẽ công nhận những bà mẹ (hay bà má) mất con cái trong chiến tranh ở bên thua cuộc cũng là những bà má anh hùng (nếu nghĩ về quá khứ vì nhiều thập kỷ chiến tranh của Việt Nam là một bi kịch lớn cho cả nước, cả dân tộc), và sẽ chu cấp cho họ một khoản tiền hàng tháng để công nhận cuộc chiến tranh của ngày xưa là một bi kịch cho toàn dân? (Trước khi loại trừ khả năng xin cho biết đã và đang có những nỗ lực ở một số cộng đồng ở miền nam Việt Nam để đề cập chính vấn đề này).

* Có ai ở bên thua cuộc chấp nhận dành thời gian để chia sẻ những bước đầu họ cần làm trong một quá trình hòa giải? Tham gia những bàn tròn trên TV về hòa giải? (Trước khi nói không nhớ YouTube còn hoàn toàn miễn phí.)

* Có ai ở cả hai bên thành lập một tạp chí do người đại diện cho các bên cùng biên soạn để đề cập những vấn đề phải đề cập? (Lập một trang blog có gì phức tạp đâu!)

* Có ai dám thành lập một quỹ chu cấp hòa giải hàng tháng? (Có quỹ Hoàng Sa rồi và nỗ lực đó có vẻ khá thành công)

* Có ai dám tưởng tượng sẽ có một lá cờ hòa giải mà những người ủng hộ hòa giải đều có thể treo trước nhà trong những năm tới để bày tỏ tình yêu nước và người anh chị em Việt Nam? (Có bao nhiêu người Việt Nam thật có tài về nghệ thuật, cần chờ gì nữa?)

* Có ai trong ĐCSVN dám nghĩ đến một cách công khai những cải cách chính trị mà có thể mang lại dân chủ thực sự ở Việt Nam? (Nguyễn Tân Dũng đã phát biểu rất hay rồi, dù chưa thấy bước quyết định nào. Vì sao?)

Nếu câu trả lời là không và những đề nghị này là hoàn toàn vô lý và không khả thi thì chúng ta không nên nói về hòa giải nữa. Hãy để cho những vết thương cứ mãi mãi không lành, duy trì một Việt Nam bất hòa muôn năm. Một kết quả đáng buồn và đáng tiếc.

Tôi hiểu rằng đã qua một năm mà Quốc Hội Việt Nam (tức Đảng Cộng Sản Việt Nam) vẫn quyết định giữ nguyên hiện trạng và vì thế tâm trạng trong và ngoài nước đối với vấn đề hòa giải thì rõ ràng điều này là không được tốt lắm. Thậm chí có người đã khuyên tôi đừng nói đến hòa giải nữa vì đau quá.

Nhưng thuyết định mệnh không bao giờ là một con đường hứa hẹn. Mới hôm qua có một cựu bộ trưởng tuyên bố xã hội dân sự phải được chấp nhận và bảo vệ. Đó là một bước đầu hết sức hứa hẹn. Vì không có xã hội dân sự thì không thể nào có một quá trình hòa giải thực sự.  Phải hiểu rằng xã hội dân sự của Việt Nam là phức tạp. Nó không chỉ bao gồm những người ngoài bộ máy, mà còn có nhiều người có chân trong và ngoài bộ máy. Những người mà có đầu mà chưa thấy miệng vì những hạn chế và rủi ro cụ thể của họ.

Lịch sử không bao giờ quyết định tương lai. Nhưng những điều kiện của hôm nay – từ vật chất và thể chế cho đến cách suy nghĩ của chúng ta đều là sản phẩm của những quá trình lịch sử. ”Hội chứng chấn thương tâm lý” (PTSD) không chỉ xảy ra với bên thua cuộc mà là ở cả hai bên, từ những người dân thường đến những lãnh đạo các cấp.

Đó là một sự thật nước Việt Nam đã phải chịu đựng gần 40 năm trời nhưng vẫn chưa được công nhận. Những dấu hiệu của hội chứng này không chỉ xuất hiện ở khía cạnh tâm lý cá nhân mà về cả hành vi chính trị. Nhưng, khác so với rối loạn stress sau sang chấn thường loại, trường hợp của Việt Nam bao gồm cả xã hội, điều này đã và đang vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.

Đã gần 40 năm rồi. Người dân Việt Nam muốn tạo điều kiện để mọi người tham gia một cách tích cực vào sự phát triển của đất nước, người Việt Nam phải nỗ lực để thực hiện một quá trình hòa giải cụ thể, không chỉ nói từ hòa giải.

Khác với đất nước Triều Tiên, Việt Nam không còn bị chia cắt nữa. Nhưng cũng khác so với Hàn Quốc hay Đài Loan, toàn dân Việt Nam thực sự chưa được thống nhất đối với những giá trị chính trị và dân sự thiết yếu. Chỉ khi mọi người dân Việt Nam từ mọi phía và mọi quan điểm chính trị đều thống nhất, như thế thì mới có giải phóng thực sự ở Việt Nam.

Có không ít người bảo tôi đặt quá nhiều niềm tin vào ĐCSVN một cách thái quá. Họ bảo: “Khi mà những cuộc biểu tình ôn hòa về vấn đề cướp đất của nông dân, vẫn bị trấn áp một cách thô bạo. Những người bất đồng chính kiến vẫn bị bỏ tù, thì làm sao có hòa giải được JL!?” Vâng, ai đã đọc những bài blog của tôi đều biết tôi đồng ý.

Thực sự tôi nghĩ gì về hòa giải ở Việt Nam? Tôi nghĩ rằng muốn hòa giải thì phải có dân chủ, dù dân chủ đó phải do chính người dân tạo ra. Tôi nghĩ rằng xã hội dân sự đang phát triển ở Việt Nam là lực lượng cần thiết để đạt được một quá trình hòa giải thực sự. Vì muốn hòa giải thì sẽ phải có sự tham gia của mọi người ở đủ các bên. Và tất nhiên, nếu muốn hòa giải thì nhân quyền sẽ phải được bảo vệ và thúc đẩy từ mọi phía. Đó chỉ là những ý kiến cá nhân của tôi.Sau cùng, để có một quá trình hòa giải và hòa hợp người dân Việt Nam sẽ cần phải có những hành động cụ thể.

Các bạn thân mến, khi viết những bài blog, một khó khăn tôi luôn luôn phải đối phó xuất phát từ việc phải viết cho nhiều đối tượng độc giả và nhiều người trong số họ có khả năng sẽ không đồng ý với nhau. Một dân tộc còn nhiều bất hòa chưa được giải quyết. Tôi biết khi viết về chính trị mình sẽ phải “khéo léo” một chút. Về mặt đó chắc là tôi chưa hoàn thiện. Tôi muốn tiếp tục làm việc ở Việt Nam và đóng một vai trò có tính xây dựng thông qua nghiên cứu và phân tích chính sách. Những bài viết như thế này cũng có chủ định xây dựng mà thôi….

Tôi không muốn mình sẽ phải viết một bài như thế này nữa vào năm sau, đúng dịp 40 năm. 40 năm là đã quá lâu rồi, đúng không ạ? Chỉ khi có hòa giải thực sự Việt Nam mới được giải phóng, các bạn có đồng ý với tôi không?

JL

Lưu ý: dù có một số doạn văn như nhau, bài trên không phải là bài tôi đã gửi tới tờ báo Lao Động mà đã có một phần được đăng ngày 29/4. Bài này (trên) dài hơn nhiều và có nội dung tranh cãi hơn.

Hòa giải Lao Động

Phương thuốc gì cho ngành Y tế Việt Nam?

Ngành Y tế của Việt Nam đang rơi vào một cuộc tranh cãi lớn trong lúc cả người dân lẫn chính phủ đang đối phó với một sự bùng nổ trong số lượng ca bệnh sởi ở một số vùng, trong đó có TPHCM và Hà Nội.

Từ đầu năm, sự bùng nổ này đã trực tiếp hay gían tiếp gây ra cái chết của hơn 111 trẻ em, trong đó ít nhất 25 ca tử vong trực tiếp do bệnh sởi. Đến ngày ngày 8 tháng 4, số ca bệnh sởi được công bố là 2,492 ca.  Đến ngày 18 riêng Hà Nội đã có 1,062 ca và đến ngày 16/4/2014, cả nước đã ghi nhận có 3.126 trường hợp mắc sởi trên 8.441 người bị phát ban nghi mắc sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, theo Bộ y tế. Và có khả năng sự bung nổ này sẽ sớm được tuyên bố là dịch bệnh.

Theo tôi hiểu, tính đến thời điểm hiện tại, quy mô của sự bùng nổ bệnh sởi năm nay, dù lớn nhưng đến bay giờ vẫn chưa bằng một số năm gần đây, ví dụ như 2009-2010. Và chúng ta cũng được biết, nói chung, mức độ nguy hiểm của virus bệnh sởi về cơ bản là không thay đổi từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo lần này chính là tỷ lệ tử vong và sự xuất hiện của những ca nghiêm trọng cao hơn bình thường. Do đó, nếu Việt Nam đang đối phó với một dịch bệnh thực sự thì tình hình có khả năng xấu đi.

Về những vấn đề kỹ thuật tôi không có nhiều để nói vì tôi không phải là cán bộ y tế chuyên nghiệp.  Nói nhiều mà thiếu cơ sở không ích gì mà cũng có thể gây hoang mang. Mới lên trang web của Bộ Y tế thấy họ có đang trả lời câu hỏi qua mạng, và đang áp dụng những giải pháp khác. Hy vọng những giải pháp này sẽ hiệu quả. Hiện nay có vẻ ngành y tế đã lên báo động cấp cao.

Chắc chắn những thảo luận về sự thực hiện của ngành y tế nên và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Trong khi đó, những có hỏi như “vì sao?” “làm gì?” và “làm thế nào” đang được hỏi một cách rộng rãi. Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ một số ý tưởng ban đầu về tình trạng bệnh sởi và tình trạng chung của ngành y tế. Trong khi đó không quên một lúc nào vấn đề chính trước mặt là phòng chống đe dọa sức khỏe công cộng này một cách toàn diện và hiệu quả.

Tranh cãi về sự bùng nổ bệnh sởi

Cũng như các tranh cãi có quy mô lớn khác, tranh cãi về bệnh sởi lần này đến từ nhiều yếu tố. Từ một góc nhìn khách quan, có hai tranh cãi chính. Một là cách kiểm soát và tiếp cận xử lý bệnh dịch sởi của ngành y tế. Thứ hai là cách quản lý và công bố thông tin.

Khi phân tích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dịch sởi ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ ràng có nhiều hiện tượng có vấn đề. Hệ thống các bệnh viện nhi ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội đã trong tình trạng quá tải từ lâu và cách quản lý số lượng bệnh nhân không những không có hiệu quả mà còn trực tiếp gây ra tình trạng lây lan virus. Khi trẻ em đến bệnh viện, mỗi giường bệnh phải cho 2, 3, 4 tới 5 trẻ nằm chung, lại có cả thành viên trong gia đình của trẻ mắc bệnh cũng ở lại bệnh viện thì sẽ không bất ngờ khi con số ca tử vong và nghiêm trọng đang tăng.

Tất nhiên, với những người (như tôi) không được đào tạo trong ngành y, sẽ không thể khẳng định một cách chắc chắn những gì mình không biết rõ, nhưng sẽ không cần phải đoạt giải Nobel về Y học để có thể hiểu được rằng những điều kiện quá tải và sự quản lý thiếu hiệu quả cần phải xử lý ngay lập tức. Từ góc độ này, việc khuyến khích các gia đình có con mắc bệnh không nên tập trung vào những bệnh viện tuyến TW là hợp lý, dù có thể muộn đi mấy tháng.

Về vấn đề quản lý thông tin thì chúng ta sẽ có cảm giác như đang phải đối mặt với một hộp đen. Vì nhiều lý do (cả đơn giản lẫn phức tạp sẽ được đề cập ở dưới đây), sự uy tín của ngành y tế ở Việt Nam đã giảm sút một cách nghiêm trọng trong những năm gần đây. Có thể nói, những chính sách y tế của Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố rất tốt. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước trên thế giới, sự minh bạch của ngành y tế Việt Nam là một vấn đề cực lớn.

Là một người đã và đang nghiên cứu về ngành y tế của Việt Nam, tôi cũng được biết những người làm trong ngành cũng rất lo cho danh tiếng của ngành mình. Cái cách mà ngành Y ‘quản lý’ thông tin là rất, thậm chí có thể nói là quá chặt chễ. Vì vậy, hiện tượng không ít người phải đặt ra câu hỏi liệu có phải ngành y tế đã giấu quy mô của dịch bệnh là không bất ngờ cũng như việc có những người trong ngành lên án vai trò của báo chí.

Đại đa số người cả trong lẫn ngoài ngành y tế hiểu rõ vấn đề bệnh sởi này cũng như những vấn đề trước đây là hậu quả của những điểm yếu có tính hệ thống trong ngành y tế. Dù nhiều người đang đòi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức, và dù trách nghiệm giải trình luôn luôn là quan trọng, những vấn đề Việt Nam đang đối phó cũng phải có giải pháp mang tính hệ thống.

Vậy, có hai vấn đề phải tách bạch. Về ngắn hạn, phải làm gì một cách cụ thể để ổn định hóa tình trạng trong việc khám chữa bệnh đối với bệnh sởi và quản lý thông tin một cách minh bạch, chính xác và rõ ràng.  Về trung hạn (không thể dài hạn được), phải nỗ lực để tăng tốc độ cải cách ngành y tế.

Tất nhiên, vấn đề cải cách ngành y tế chẳng đơn giản đâu vì những vấn đề trong ngành y tế chỉ phản ánh những điểm yếu trong những thể chế của Việt Nam. Bình thường, khi dân gặp khó khăn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, họ sẽ tự có trách nhiệm cho bản thân.  Tuy nhiên, trường hợp một cơn đại dịch xảy ra thì lại là một chuyện khác; qua dịch sởi lần này, người dân đã có thể thấy rõ những hạn chế của những thể chế Việt Nam có tính chất sống còn.

Sức khỏe của ngành y tế Việt Nam

Nhìn chung, ở nước nào ngành y tế cũng có khả năng thành một lĩnh vực đầy tranh cãi, chính vì hành động của ngành có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe và mức sống của mọi người trong  xã hội đó.  Đối với y tế, các nước không đều như nhau và sự thực hiện của ngành cũng có thể thay đổi qua nhiều năm.  Khi nhiều người không hài lòng với ngành y tế hay ngành mất uy tín thì là một vấn đề rất lớn.

Trong quá trình đổi mới ở Việt Nam thì ai cũng đều biết ngành y tế đã và đang là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Những bất cập trong ngành xuất phát từ cách phát triển của ngành và lộ trình cụ thể của nó trong ba thập kỷ qua.

Trong nhiều năm, ngân sách mà nhà nước Việt Nam dành cho ngành y tế là quá thấp. Chẳng hạn, trong những năm 90, (vâng tôi biết Việt Nam vẫn khổ trong thời điểm đó) số tiền chi ra cho y tế chỉ là trên dưới 1% tổng GDP của đất nước (so với 3% như hiện nay). Và, nói chung, trách nhiệm về vấn đề chi trả dịch vụ y tế đã được chuyển từ phía nhà nước đến hộ gia đình; hậu quả là vào cuối những năm 1990, 80% số tiền được chi cho dịch vụ y tế là tiền người dân bỏ ra từ túi của họ; chuyện đó đã có hậu quả là dịch vụ y tế đã bị ‘thương mại hóa’ một cách quá mạnh, dẫn đến nhiều điểm bất công.

Tăng trưởng kinh tế về sau này đã cho phép Việt Nam và ngành y tế giải quyết một số vấn đề trong ngành y tế, như mở rộng hệ thống, hiện đại hóa trang thiết bị và một sự thật rất đáng mừng là Nhà Nước Việt Nam trong những năm gần đây đã đầu tư nhiều hơn cho ngành Y Tế. Việc bảo hiểm Y tế đang phát triển (dù có nhiều bất cập) cũng là việc tốt.

Nhưng khác với trước đây, vấn đề ở Việt Nam hiện nay không chỉ còn là số tiền chi trả cho y tế (cả từ phía nhà nước lẫn túi người dân) là đủ. Vấn đề là số tiền đó được dùng để mua gì. Vấn đề là hiệu quả kinh tế của ngành đối với sức khỏe công cộng. Điều này làm cho tôi nhớ đến nước Mỹ, nơi vấn đề chủ yếu là số tiền chi trả khổng lổ; cả lãng phí lẫn không hiệu quả.

Thứ hai là bộ máy quản lý ngành còn nhiều vấn đề từ cấp trung ương đến địa phương. Tôi không có âm mưu tấn công ai cả mà chỉ khẳng định nhiều vấn đề trong ngành có liên quan đến tình hình quản lý trong ngành. Tôi đoán kể cả những cán bộ cao cấp trong ngành sẽ chấp nhận quan điểm này. Lấy một ví dụ cụ thể: tình trạng ở nhiều bệnh viện của Việt Nam còn quá tải. Ở những bệnh viện TW cũng có thể là hậu quả của việc dân muốn lên tuyến trên. Ở những người khác, vấn đề chưa chắc xuất phát từ việc số giường bệnh còn thiếu. Vấn đề là những khuyến khích kinh tế. Việc xây thêm bệnh viện mới chưa giải quyết vấn đề nếu không đề cập đến nguyên nhân cơ bản.

Có lẽ Bộ Y tế vẫn quá thiên về các bác sĩ mà quá xem nhẹ những người có kỹ năng quản lý. Vâng, ở nhiều bệnh viện trong phạm vi cả nước những khuyến khích kinh tế được quan tâm hơn cả sức khỏe của bệnh nhân (vấn đề này là vấn đề quốc tế chứ). Và vâng, tình hình Y đức ở Việt Nam phải được cải thiện nếu muốn nâng cao chất lượng của dịch vụ trong ngành. Tôi cũng như các bạn đã nghe những chuyện sợ lắm về ngành y tế (‘muốn cái chích đau hay không đau,’ ‘muốn sống hay về nhà?’).

Chắc chắn có nhiều cái về ngành Y tế là duy nhất. Thế nhưng, nhiều vấn đề trong ngành rất có liên quan đến những vấn đề trong các ngành khác. Thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, những vấn đề đối với những khuyến khích tài chính ở các đơn vị dịch vụ và chất lượng quản lý của ngành chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của một ngành y tế hiệu quả.

Trong một bối cảnh như thế này, khi có những vụ án như bác sĩ làm chết bệnh nhân và bỏ xác thì nhiều người muốn ai chịu trách nhiệm. Điều đó dễ hiểu thôi. Tôi chỉ xin nhắc lại cho bạn là dù mọi người đều có trách nhiệm của họ, đại đa số vấn đề trong ngành là thuộc thể chế và quản lý. Trách nhiệm giải trình của bộ Y tế đối với dân nên là ở chỗ cải cách ngành. Những thói xấu ở một số người trong ngành thực sự là bi kịch nhưng chưa chắc một bộ trưởng có thể xóa bỏ ngay được vì những vấn đề này đã có từ lâu. Những vấn đề của ngành có tính hệ thống.

Kết luận

Ở phía sau cuộc khủng hoảng bệnh sởi hôm nay là những vấn đề trong ngành y tế mà đã và đang kéo dài từ lâu. Tôi hy vọng khủng hoảng hôm nay sẽ giúp cả nước tập đề cập những vấn đề này. Trong việc quản lý thông tin, quản lý bệnh viện và quản lý ngành y tế nói chung. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự minh bạch và trách nghiệm giải trình là hai trong những cách điều trị có hứa hẹn nhất. Tôi chỉ lo để điều trị ngành y tế phải điều trị cả bộ máy.

JL

 

Trung lưu mong manh

Có một bài rất đáng đọc có tựa đề “Trung Lưu mong manh” (“The fragile middle“) – được đăng trên tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times). Bài này, do Shawn Donnan, Ben Bland, và John Burn-Murdoch viết, bắt đầu bằng một ví dụ điển hình từ Indonesia, để đề cập đến vấn đề toàn cầu, một vấn đề có vẻ sẽ trở thành một vấn đề rõ nét trong những năm tới.

Đó chính là tình trạng trên dưới 2,8 tỷ dân trên thế giới hiện này có mức độ thu nhập bình quân từ 2 đến 10 đôla Mỹ/ngày. Người ta gọi họ là tầng lớp trung lưu mong manh. Tất nhiên, đọc bài này làm cho tôi nghĩ đến thực trạng, tiềm năng và tương lai của Việt Nam.

Dưới đây (trong phần I và II) tôi sẽ trình bày nội dung của bài do tôi dịch sang tiếng Việt. Sau đó, sẽ nêu rõ một cách ngắn gọn sự tương đồng của cái gọi là tầng lớp “trung lưu mong manh” ấy đối với người dân Việt Nam.

I.   Chuyện của Muljoko

Muljoko, một người đàn ông 27 tuổi hiện đang kiếm sống bằng nghề dọn dẹp vệ sinh cho những tòa nhà văn phòng cao tầng sang trọng ở Jakarta.

Có rất nhiều thứ để chúng ta liên tưởng tới giải cấp trung lưu: Có xe gắn máy, có vài cái điện thoại di động đẹp…v.v… Tình trạng của ông ta chắc chắn là khá hơn vì gặp may mắn hơn so với thời trước, khi ông lớn lên tại một làng nông nghiệp nghèo nàn ở phía nam đảo Sumatra. Cũng như hàng triệu người trên khắp thế giới trong ba thập kỷ qua, Muljoko đã vươn lên thoát khỏi tình trạng nghèo khó và đang là một nhân viên rất có vị thế trong hàng ngũ những “thị dân trung lưu” đang nổi lên ở Châu Á.

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn tình hình tài chính và những nguyện vọng của ông, chúng ta thấy vị trí của Muljoko trong giai cấp trung lưu là rất mong manh.

Thu nhập hàng tháng của Muljoko là mức lương tối thiểu, khoảng 2,4 triệu Rupi/ tháng; có nghĩa là ông đang sống dựa trên mức thu nhập gần 7 đôla Mỹ/ ngày. Khoảng phân nửa số tiền đó phải dùng để mua thức ăn và trả tiền thuê một căn phòng mà ông đang chia với em trai, trong một nhà tập thể. Sau khi chi trả tiền xăng dầu và sửa xe máy, ông chỉ còn 500,000 Rupi (khoảng 44 đôla Mỹ) hay ít hơn 1,5 đôla Mỹ/ ngày, để chi trả những khoản chi tiêu cá nhân, gửi tiền về gia đình ở Sumatra, hoặc dành dụm tiền cho những dự định ngày cưới của ông trong tương lai.

Vì thế, chẳng bất ngờ khi Muljoko đang rất lo lắng về tương lai. Ông lo sẽ làm gì nếu phải đối phó với trường hợp có người trong gia đình bị bệnh; hoặc làm sao thu nhâp của ông có thể đủ chi tiêu nếu cưới vợ và lập gia đình riêng?

 Theo định nghĩa của “giai cấp trung lưu” được Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) áp dụng: người có thu nhập từ 2-30 đôla Mỹ/ ngày. Ông ấy là một thanh viên có cuộc sống vững chắc. Nhưng bản thân ông ta không thấy như vậy.

Thực ra, chàng thanh niên Indo này là điển hình cho một nhóm ngày càng được chú ý đến, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của những nền kinh tế trong khu vục đang có xu hướng giảm.

Tại thời điểm mà nhiều người đang quan tâm đến sự phát triển của giai cấp trung lưu, trên thực tế Muljoko thuộc nhóm có thể miêu tả một cách chính xác là “tầng lớp trung lưu mong manh của thế giới”: Một nhóm gồm có gần 3 tỷ người dân đang sống bằng mức thu nhập từ 2 – 10 đôla Mỹ/ ngày. Mức sống này làm cho họ trên mức nghèo khổ, nhưng vẫn gặp vất vả trong việc đạt sự ổn định về tài chính, yếu tố tiêu biểu của giai cấp trung lưu.

II.   Trung lưu mong manh

Không còn nghi ngờ gì nữa, một thế giới đang ngày càng ít người nghèo hơn so với thời gian trước và những thập kỷ có tăng trưởng kinh tế tốc độ cao đã tạo ra hàng triệu người tiêu dùng trên khắp các nước đang phát triển ở Châu Á.

Nếu năm 1990, ước tính có khoảng 1,9 tỷ người, chiếm hơn một phần ba dân số thế giới đang sống dựa trên mức thu nhập từ 1,25 Đôla Mỹ/ ngày. Thì đến năm 2010, theo Ngân hàng Thế giới, con số này đã giảm xuống còn 1,2 tỷ người,  ít hơn 1/5 tổng dân số toàn cầu.

Hơn nữa, trong 25 năm kể từ sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, nhóm những người đang có thu nhập từ 2 – 10 Đôla Mỹ/ ngày là một trong những nhóm được hưởng lợi lớn nhất do quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hóa… Nhưng trong bối cảnh toàn cầu, số người đạt mức sống & vị trí ổn định trong “tầng lớp trung lưu’ vẫn còn nhỏ. Trong khi những người không còn nghèo nàn nhưng chưa đạt mức “trung lưu” đã phát triển theo cấp số nhân.

Một phân tích của tờ Financial Times dựa trên dữ liệu qua hơn 30 năm của Ngân hàng Thế giới, thu thập từ 122 quốc gia đang phát triển, cho thấy sự thay đổi này rất rõ. Như tình trạng đói nghèo giảm, số lượng người tập trung tại nhóm trên ngưỡng nghèo (cận nghèo) đã tăng mạnh. Nhưng chỉ có một số lượng tương đối nhỏ trong số những người này có xu hướng vượt ra ngoài nhóm đó. “Kết quả là 4 trong 10 người của thế giới hiện nay đang sống trong thành phần trung lưu mong manh. Tức tỷ lệ nhân loại đang sống trong nhóm này cao hơn bất kỳ nhóm khác” –  Homi Kharas, nhà kinh tế tại Viện Brookings, cho biết.

Trong năm 2010, theo số liệu công bố mới nhất, 40% dân số thế giới – tức khoảng 2,8 tỷ người – sống trên mức thu nhập 2 – 10 Đôla Mỹ/ ngày (được thu thập từ năm 2005, ngang bằng sức mua). Cũng theo phân tích của FT, ở các nước đang phát triển, hiện có 2,4 tỷ người người sống dưới mức thu nhập 2 Đôla Mỹ/ ngày và chỉ 662 triệu ngượi kiếm được hơn 10 Đôla/ ngày. Những con số này phản ánh một sự thay đổi đáng chú ý. Vì vào năm 1981, có 58% dân số thế giới sống dưới 2 Đôla/ ngày. Cũng trong năm đó, chỉ 20% (tức 930 triệu người) trên thế giới kiếm được từ 2 – 10 Đôla/ ngày.

Nhưng, việc tăng thu nhập & lợi nhuận của họ ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ các nền kinh tế mới nổi trong 30 năm qua, nhiều người cho là dường như sắp kết thúc. Như sự tăng trưởng chậm lại kéo theo sự giàu lên của tầng lớp trung lưu mới nổi ở đô thị ngày càng ít thấy… là điều không thể tránh. Trong một bài báo đăng vào tuần trước, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng: ” Tỷ lệ tăng trưởng ở các nước đang phát triển có thể đạt 2-2,5%, yếu hơn thời gian trước khủng hoảng, tức giai đoạn phát triển vượt bậc”.

Đáng lo ngại hơn, đó là khả năng thời gian tăng trưởng chậm kéo dài sẽ làm suy giảm giá trị tăng trưởng của cả thập kỷ vừa qua. Làm thế nào để nhóm người dễ bị tổn thương có thể thoát khỏi đói nghèo hay tránh những rủi ro rơi trở lại nhóm đó? “Đó là một câu hỏi rất quan trọng. Và tôi nghĩ rằng họ vẫn còn rất dễ bị tổn thương” – Basu, một chuyên gia Kinh tế nói.

Những thập kỷ thành công của cuộc chiến chống đói nghèo đã dẫn đến một xu hướng tư duy giả định, chỉ có duy nhất một con đường: người dân dịch chuyển ngày càng lên cao hơn trên các bậc thang kinh tế và hiếm khi trượt trở lại. Tuy nhiên, ở nhiều nước đang phát triển, vẫn còn một nhóm rất lớn những người chỉ ở trên và ở dưới mức một chút so với nghèo khổ mỗi năm. Thu nhập của Nông dân Ấn Độ vẫn còn dễ bị tổn thương do một vụ thu hoạch thất mùa, vì vậy việc ở lại hay thoát khỏi đói nghèo thực chất có liên hệ mật thiết với thời tiết nông vụ. Theo Ngân hàng Thế giới, tại Indonesia, 55% người nghèo trong bất cứ năm nào, đều có khả năng sống trên mức nghèo khổ của năm trước.

Một số chuyên gia về phát triển kinh tế cho rằng, mạng lưới an sinh xã hội được cải thiện ở các nước như Brazil, đảm bảo số người thoát khỏi đói nghèo ngày càng tăng ít có khả năng bị tuột trở lại hơn. Nhưng những mạng lưới an sinh này có lỗ hổng lớn. Ở ndonesia chẳng hạn, chúng ta đã nhìn thấy vào năm 1998, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và ngay sau sự cai trị 34 năm của nhà độc tài Suharto kết thúc, đã đẩy hàng triệu trượt người rơi lại cảnh nghèo đói. Tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây đã đưa Indonesia tiến lên một cơ sở vững chắc hơn. Nhưng một phần lớn dân số dễ bị tổn thương vẫn còn. Trong năm 2010, có 111 triệu người (trong tổng số 240 triệu người dân Indonesia) vẫn sống dưới mức 2 Đôla/ ngày. Khoảng 125 triệu người sống trên mức 2 – 10 Đôla/ ngày… Hàng ngũ của giai cấp trung lưu mong manh hiện nay là quá lớn không thể không tính đến. Các cá nhân  của nhóm này đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nội tại các nước đang phát triển.

Cuối cùng, chúng ta có thể thấy sự quan trọng của nhóm này về chính trị. Trong những nền dân chủ lớn như Ấn Độ hay Indonesia – cả hai đều đang ở giữa cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt. Các cuộc thăm dò cho thấy cử tri bị hút về phía các ứng cử viên hứa hẹn quản trị tốt, thực hiện cải cách và một tương lai kinh tế tươi sáng hơn.

Trong khi ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với những thách thức hiện hữu của việc đảm bảo hạnh phúc – sự hài lòng của người dân… Gần đây chẳng hạn, chính quyền đang tập trung vào việc cung cấp nhà ở giá rẻ, giấy phép cư trú và cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, phục vụ cho các công nhân di cư, một nhóm mà mặc dù họ đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng cũng đã bị chèn ép bởi giá cả tiêu dùng tăng cao và khả năng tiếp cận các hệ thống giáo dục hoặc y tế công cộng.

Ông Basu vẫn lạc quan rằng: một cái gì đó gần với mô hình tăng trưởng, cuối cùng sẽ trở lại với thế giới các nước đang phát triển. Nhưng ông cũng cảnh giác: những rủi ro có thể tái gây cản trở các tiến bộ: kinh tế Trung Quốc chậm lại, các công nghệ mới như robot và máy in 3D, và tiền lương chiếm một phần giảm tổng sản phẩm trong nước.

“Thế giới đang rơi vào thấp điểm, một trong những biểu hiện đó có thể chưa hoàn toàn rõ nét. Tôi nghĩ rằng đó là một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử kinh tế toàn cầu. Nhưng đó là một thời điểm rất kỳ lạ bởi vì những thách thức tiềm ẩn lớn nhất không phải là những thách thức dễ thấy nhất.” – ông Basu nói.

Quay về Việt Nam

Những người theo dõi kinh tế xã hội Việt Nam đều biết những con số thường được nêu, như:

  • Trong 20 năm qua, tỷ lệ nghèo chính thức ở Việt Nam đã giảm mạnh;
  • Trong cùng thời điểm, mức sống đã lên một cách đáng kể dừ không đồng đều;
  • Thu nhập bình quan ở Việt Nam đã vượt qua mức độ 1,000 đô cách đây mấy năm;
  • Tỷ lệ “cận nghèo” còn cao và tỷ lệ nghèo có thể cao hơn những con số chính thức.
  • Vì nhiều lý do, tỷ lệ số dân mà trong tình trạng dễ bị tổn thương vẫn rất lớn;
  • Nhà Nước Việt Nam có những chính sách an sinh xã hội đang được triển khai và dù đống một vai trò quan trọng cũng có những hạn chế nhất định.

Vậy, một trong những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong những thập kỷ tới chính là: làm gì và làm thế nào để giúp những người trong tình trạng nghèo nàn, dễ bị tổn thương, và thuộc nhóm ‘trung lưu mong manh” vươn lên giải cấp trung lưu một cách nhanh và bền vững.

Tất nhiên đó là một vấn đề rất vĩ mô.
Nhưng là một vấn đề không thể bỏ qua.

JL

 

 

Vạn Lý Trường Chinh cũng phải tránh sân Tennis

Trong câu chuyện đầy tranh cãi về đường Trường Chinh ở Hà Nội, chưa thấy ai đề cập những mỉa mai tôi thấy. Hay là quá hiển nhiên rồi? Đường Trường Chinh được mang tên của một nhà cách mạng Việt Nam (Ông Đặng Xuân Khu).  “Lên đường cách mạng” ông lấy cái tên Trường Chinh để tưởng nhớ đến cuộc Vạn lý Trường chinh của Trung Quốc; một chiến dịch nổi tiếng với mục tiêu là dành thắng lợi và công bằng cho nhân dân TQ.

Ai đều biết về lịch sử chính trị đếu biết đến Vạn lý Trường chinh vì nó đã trở thành một khuôn mẫu cho những phong trào XHCN ở khắp nơi, cũng như một thắng lợi lớn của phong trào XHCN mà những sinh viên như chính tôi đã tìm hiểu đến khi học về Đông Á.

Thật đáng mỉa mai, con đường có cái tên thật nhiều ý nghĩa cách mạng này cuối cùng lại phải đi cong theo yêu cầu của một công đồng biệt thự với nhiều khuôn mặt đã ngày xưa phục vụ trong quân đội nhân đân Việt Nam; nơi mà ngày xưa cũng đã đấu tranh cho một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công bằng v.v. Chuyển sang cơ chế thị trường những người vĩ đại trong phòng không đã tự tổ chức một “cải cách ruộng đất” riêng biệt (hay biệt thự) để dành một thắng lợi cuối cùng. Như thế, cuối cùng có những người công bằng hơn những người khác….vậy, có lễ cần một vạn lý mới và thẳng tới một Việt Nam minh bạch hơn.

Ông Trường Chinh được nhiều người biết đến như một nhân vật cấp cao đầy mâu thuẫn. Song, trong những năm gần đây chúng ta cũng mới biết vào cuối sự nghiệp chính trị của mình, chính là ông chứ không phải là ông Nguyễn Văn Linh đã nhận thấy được sự cần thiết phải chuyển sang Kinh tế thị trường, dù điều đó là hơi muộn màng.

Trường Chinh cũng không còn sống để chứng kiến cái mà chúng ta có thể tạm gọi là “cải cách ruộng đất lần thứ 2” mà đã tiếp diễn trong những năm sau ông mất.  Điều này cũng làm tôi băn khoăn không hiểu ông sẽ nghĩ gì khi được biết con đường mang tên mình bị uốn cong chỉ để tránh một khu biệt thự của các quan chức thời nay.

Liệu ông có đứng lên kêu gọi một cuộc vạn lý trường chính mới để đấu tranh cho minh bạch và một trật tự xã hội công bằng hay không? Thực ra, một xã hội minh bạch và công bằng sẽ không thể có từ trên xuống; phải có sự tham gia của mọi thành phần xã hội, một ý không xa những ý tưởng XHCN mà Trường Chinh đã ủng hộ.  Để đạt được minh bạch và công bằng xã hội, mọi thành phần phải có quyền tham gia và đóng góp ý kiến một cách bình đẳng. Đó là cái đồng chí Trường Chinh và những người sống kiểu biệt thự xưa và nay dường như chưa được thấy.

JL

Biển Đông Nam Á

Vừa phát hiện hôm nay tôi đã bị trích dẫn nhầm một cách to lớn!

Được phỏng vấn hôm qua với hãng Bloomberg cho một bài về/việc Hai chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc thao dượt chung kéo dài 6 ngày với Hải quân Vìệt Nam, tôi có nhận xét, Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt và kiểm soát “gần như là toàn bộ Biển Đông Nam Á”… Hôm nay lên mạng thấy nó được đăng áp đặt, kiểm soát “toàn bộ Đông Nam Á.”… Chắc chắn tôi đã lên danh sách đen của Bắc Kinh rồi!

Tôi đã cho hãng Bloomberg biết nhưng rất khó khi bài đã được đăng, phát hành rộng rãi rồi. Mặt khác, nó cũng không giúp gì mấy cho hàng Bloomberg, vốn đã và đang bị trừng phạt về những bài họ có đăng trước đây về sự tham nhũng quy mô lớn có liên quan đến giới lãnh đạo của TQ và cụ thể là Tập Cận Bình.

Rồi không sao, vì sau: Tôi “chẩn đoán” vấn đề xuất phát từ việc là trong cuộc phỏng vấn tôi có nói Biển Đông Nam Á (Southeast Asian Sea) như tôi luôn luôn gọi Biển Đông. Rõ ràng tên “Biển Hoa Nam” là không được rồi về ít nhất bốn mặt: (1) Chủ yếu là sản phẩm của thời đại thuộc địa hày thời đại đế quốc của TQ; (2) không phản ánh chủ quyền theo luật pháp quốc tế; (3) không đúng về mặt địa lý; (4) vừa dùng nó vừa “chính đáng hóa’ những chính sách và thái độ bất chính đáng của Bắc Kinh trên biển.

Trong một cuộc thảo luận điện thoại với một đại diện của hàng Bloomberg mới thực hiện cách đây 30 phút, họ có ý nếu sửa bài thành “Southeast Asia Sea” thì sẽ gây rối loạn, vì không có một biển có tên chính thức đó. “Nhưng,” tôi có trả lời, “đó đã chính là những từ tôi đã dùng.” Muốn trích dẫn phải chính xác chứ. Bây giờ tôi vẫn đang suy nghĩ nên hay không nên yêu cầu hãng Bloomberg sửa bài, làm cho nó đọc đúng những từ Biển Đông Nam Á.

Tạm thời chỉ trích bài, nói cho những nhà báo quốc tế rất rõ: Biển Đông Nam Á!

JL

Cập nhật: Tôi đã yêu cầu hãng Bloomberg sửa bài. Nói cho họ biết Biển Đông Nam Á là một sự gọi tên địa lý phi chính trị mà tôi và nhiều người khác đang thường dùng.

Cập nhật thứ hai: Họ đã sửa bài theo yêu cầu. Toàn Thắng! Nghĩa vụ tiếp theo: thực hiện thành công việc đổi tên biển một cách chính thức.

Văn hóa vụ án

Là mọt nước đang phát triển còn nhiều cái Việt Nam đang thiếu. Nhưng một cái chắc chắn Việt Nam không thiếu là số lượng vụ án. Từ vụ án Trần Văn Sang và anh Trần Văn Miên cho đến những vụ án Dương Chí Dũng và Trần Xuân Giá.. ngày nào cũng có những vụ án mới.

Vậy, số “vụ án” bình quân một năm ở Việt Nam đang tăng? Hay chỉ có vẻ như thế vì thông tin về những gì đang xãy ra ở Việt Nam của hôm nay là dễ tiếp cận hơn gấp mấy lần so với những năm trước? Thậm chí số lượng vụ án ở Việt Nam có xu hướng giảm dần? Tôi dám đoán đại đa số người ở Việt Nam sẽ giả định cả số lượng lẫn quy mô và mức độ nghiêm trọng của những vụ án là tăng mạnh trong những năm qua. Nhưng chưa chắc đặt vấn đề như thế này là có nghĩa gì.

Trong bài nay, xin giải thích (1) tại sao hỏi như trên gần như là vô nghĩa; nhưng (2) tại sao hỏi thế giúp chúng ta chẩn đoán một bệnh chứng của xã hội Việt Nam nói chung và nền chính trị của Việt Nam nói riêng. Cụ thể, trong bài này tôi sẽ đề nghị cái gọi là “vấn đề vụ án” của Việt Nam đã thành một gánh nặng. Ý không phải là nói xấu ai cả mà chỉ là chia sẻ nhận xét của tôi, xem phản ứng của các bạn đọc từ mọi phía là như thế nào.

Hỏi về số vụ án là vô lý…

Trước hết, chúng ta phải đối mặt với những vô lý. Như ai đã đọc trang này đều biết, tôi chẳng phải là một chuyên gia về tiếng việt. Và tôi cũng phải thừa nhận là tôi chẳng biết góc của từ ‘vụ án’ là cái gì. Ở Việt Nam từ “vụ án” mang ít nhất hai nghĩa – một là một ca, một trường hợp của một hành động gì đó mà có khả năng có một yếu tố phạm pháp, vi phạm, xâm phạm, v..v. Và thứ hai, theo nghĩa phổ biến (hay ít nhất theo sự hiểu biết hạn chế của tôi) mang ý nghĩa tương tự với những vụ bê bối (hay ‘scandan’) gì đó.

Tất nhiên ở nước nào cũng có những vụ án. Vậy, xin hỏi, ở Việt Nam số lượng vụ án đang tăng chứ!? Chẳng biết, vì vẫn đang hỏi một cách hết sức mơ hồ. Trước hết tôi xin cố gắng giải thích tôi đang nói về cái gì, muốn đề cập vấn đề nào. Đó không phải là vì muốn tìm hiểu về tỷ lệ hay tốc độ gia tăng tội phạm ở Việt Nam, dù điều đó cũng có thể liên quan đến “vụ án” ở một số khía cạnh nhất định. Và đó cũng không phải là những “vụ án” liên quan đến những “siêu sao” Việt Nam hay quốc tế. Cái tôi đang quan tâm đến là những trường hợp, những “vụ án” mang nội dung tội phạm nghiêm trọng, mức độ nghiêm trọng cao, có gây những phản ứng rộng rãi, và có nội dung bí ẩn hay đáng ngờ hay cả hai?

Những vụ án này có nhiều loại. Có những “vụ” được công nhận là “vụ” chính thức. Nhưng cũng có những “vụ” mà chỉ được một phần nhất định của xã hội công nhận là “vụ”. Hay cũng có những cái có thể gọi là “cụm vụ án” mà trong nó có những yếu tố phức tạp và gây ra những ý kiến khác nhau, như vụ án “vụ án Dương Chí Dũng” chẳng hạn.

Và phía sau đại đa số vụ án “quan trọng” ở Việt Nam có những lý thuyết âm mưu. Có những lý thuyết âm mưu có định hướng, như chúng ta cũng thấy hàng tuần trên tờ báo An Ninh Thế Giới. Cũng có những lý thuyết âm mưu được “hiện hình” một cách phi chính thức trong những xóm, trên những vỉa hè, và những chỗ làm việc trên phạm vi cả nước. Và tất nhiên cũng có một số trang web gần như chuyên viết về vụ án. Ai quyết định những vụ án nào là quan trọng cũng là một vấn đề nữa. Vụ án của một người nông dân có thể là chuyện rất bình thường hơn vụ án của những “cá lớn”. Hơi mất dân chủ ở đấy!

Một vụ án chính hiệu là cái gì? Cái gì nên được coi là vụ án và cái gì thì không? Trong đó có đánh giá những ‘vụ án’ mà không được công nhận một cách chính thức là gì? Có phải là “vụ án phi chính thức”? Và chúng ta có thể đánh giá sự nghiêm trọng của mọi vụ án thế nào và theo tiêu chuẩn gì? Và ý nghĩa của những vụ án là gì?

Đủ rồi, Ông muốn nói cái gì!!??

Bàn về vụ án như thế này cũng là có nét vui chơi. Và nói mãi chưa chắc có thể xác định chính xác những ý nghĩa các nhau. Song, chúng ta đều biết những hiện tượng liên quan đến từ ‘vụ án’ cũng có một ý nghĩa hết sức quan trọng – thậm chí sống/chết – đối với đời sống hàng ngày ở Việt Nam. Chính vì một ‘vụ án’ quan trọng dù liên quan đến vấn đề nào đều có liên quan đến những câu hỏi về công lý.

Tôi đang lo vế số lượng của các vụ án ở Việt Nam. Nhưng tôi không rõ những lo lắng là có cơ sở. Như đã nói trên, có khả năng ấn tượng của tôi xuất phát từ một đặc trưng của “xã hội mạng” của Việt Nam. Ít nhất, tôi đã có một ấn tượng mạnh là nền không gian mạng (cybserspace) của Việt Nam đã phát triển một chức năng quan trọng: là phát hiện và phổ biến hóa những ‘vụ án’ các loại. Dạo này khi lên các trang web của VN ngày nào cũng có hàng loạt vụ án mới, từ mọi phía. Xin đừng hiểu sai ý tôi.

Việc có thông tin và có những quan điểm khác nhau trên không gian mạng của Việt Nam là một bước rất tốt. Chủ yếu, tôi lo lắng “văn hóa vụ án” của Việt Nam đang bộc lộ một tình trạng đáng chú ý. Ở các nước khác có những thể chế có hiệu quả cao, những vụ án thường được đề cập qua một quá trình minh bạch, trong một khuôn khổ thể chế mà dân chúng có được thông tin một cách rõ ràng. Còn ở Việt Nam, chưa. Trong một bối cảnh mà bộ máy tư pháp của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện và thậm chí còn trong giai đoạn “chống diễn biến hòa bình” thì hiện tượng “văn hóa vụ án” trong xã hội sẽ tiếp tục phát triển, dẫn đến một xã hội thực sự mệt mỏi và căng thẳng.

Vậy, có thuốc gì cho bệnh ‘văn hoá vụ án’? Tôi xin đề xuất một giả thuyết như thế này: Khi Việt Nam phát triển một nền báo chí độc lập hơn, một tư pháp tự chủ hơn, và một thống trị minh bạch hơn, thì cái gọi là ‘văn hóa vụ án’ sẽ giảm bớt và mức độ tín nhiệm của người dân đối với nhà nước sẽ tăng mạnh. Hy vọng trong một tương lai gần chúng ta sẽ có dịp để thử giả thuyết đó.

JL

Xin chào các bạn,

Bài khó hiểu vì những ý tưởng còn mơ hồ….xin các bạn biết tất cả những bài của tôi chỉ viết bằng tiếng Việt mà thôi (nếu viết bằng tiếng anh sẽ ghi rõ)…Ý của bài là ở Việt Nam có quá nhiều ‘vụ án’ (‘incidents’) chủ yếu do những điểm yếu trong những thể chế… từ báo chí cho đến tư pháp v.v. Tình trạng thiếu minh bạch dẫn đến ‘văn hóa vụ án.’