Việt Nam tới đâu từ đây?

Trong khi được mô tả như một cuộc đấu lãnh đạo của Đảng giữa đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có thể được nhớ tới như dấu mốc khởi đầu của một sự chuyển dịch thế hệ trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng. Nhưng một sự chuyển dịch thế hệ không nhất thiết kéo theo những thay đổi lớn. Quả thật, sau mọi sự phấn khích và căng thẳng bao quanh Đại hội, ở Việt Nam hiện nay là một tâm trạng phản cao trào.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Thông qua sự kết hợp giữa các phương tiện mang tính thủ tục (quyết định số 244-QĐ/TW chẳng hạn) và vận động chính trị khôn khéo gây bất ngờ cho nhiều người, Nguyễn Phú Trọng đã giành cho mình một nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ hai. Trong quá trình này, dường như ông cùng những người ủng hộ về cơ bản đã làm đoản mạch sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tấn Dũng, người tự nhận mình có tư tưởng chính trị độc lập – vị thủ tướng đương nhiệm cho đến cách đây vài tháng vẫn còn được nhiều người kỳ vọng vào vị trí lãnh đạo.

Di sản của ông Dũng chính là sự sụp đổ của ông. Dù được dán nhãn rộng rãi là một nhà cải cách, thành tích của ông Dũng chưa bao giờ vừa vặn với cách mô tả đó. Ông chủ yếu là một chính trị gia đã dựng nên một mạng lưới bảo trợ vững chắc và bắt đầu những cải cách thúc đẩy lợi ích của những người có vị thế và một số nhà đầu tư nước ngoài được chọn. Đôi khi những “cải cách” và hành động của ông có vẻ như đã làm tổn hại đến thành tựu kinh tế của đất nước.

Trong khi ông Dũng thể hiện mình cống hiến cho một Việt Nam cởi mở và dân chủ hơn, những người chỉ trích ông lại bác bỏ một khả năng như vậy. Nhưng, trước sự thất vọng tràn trề của những người chỉ trích, phong cách và tài trí bí ẩn của ông Dũng đã khiến nhiều người Việt Nam xem nỗ lực giành chức Tổng Bí thư của ông như một nỗ lực đem lại hướng đi mới trong nền chính trị Việt Nam, một hướng đi tuy rõ ràng không hoàn hảo nhưng chí ít sẽ mang lại sự thay đổi.

Thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra. Mỉm cười là những người thường được mô tả là đại diện cho phái bảo thủ trong Đảng. Ngay sau Đại hội, báo chí nhà nước tràn ngập hình ảnh ông Trọng được một nhóm những người mới được bổ nhiệm được lựa chọn cẩn thận của ông chúc mừng. Ngược lại, trong ảnh ông Dũng hoặc đứng nhẫn nhịn, hoặc quay lưng lại, hướng ra lối về.

Vậy thì tới đâu từ đây? Trong không gian mạng sôi động của Việt Nam và trên báo chí quốc tế, kết quả của cuộc kế vị lãnh đạo được xem như một phiếu thuận cho sự tiếp diễn trong Đảng. Đây là một kết luận có lý. Suy cho cùng ông Trọng, dù giáo điều và bị chê cười đến đâu, mới là người thắng thế. Ông Trọng, chứ không phải “ông Dũng độc lập,” mới là người giữ chức Tổng Bí thư trong ít nhất hai năm tới và có thể là năm năm.

Còn có những dấu hiệu khác về sự tiếp diễn. Một ví dụ là số lượng đông đảo cán bộ công an trong Bộ Chính trị mới được chọn. Chủ tịch nước mới được xức dầu thánh của Việt Nam là “sếp cảnh” của đất nước. Còn hai vị trí lãnh đạo cấp cao khác – Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội – thì một người là quan chức mờ nhạt từ miền Trung còn một người từ miền Nam tuy có năng lực trong các vấn đề xã hội nhưng vẫn chưa thể hiện được bản thân trong các lĩnh vực khác.

Có lẽ sự tiếp diễn quan trọng nhất là Việt Nam sẽ vẫn là một đất nước được cai trị bởi tập thể, bất chấp những lời kêu gọi “cải cách chính trị cấp bách” từ Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư sắp nghỉ. Về khía cạnh này Việt Nam khác hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Cơ quan chính trị tối cao của đất nước, Bộ Chính trị, nay gồm 19 thành viên.

Cũng phải thừa nhận rằng từ bên ngoài, rất khó đánh giá mức quyền lực của các thành viên Bộ Chính trị. Hơn nữa, từ hôm nay không thể biết ai sẽ thay ông Trọng sau nhiệm kỳ này. Như vậy, định hướng và tinh thần của nền chính trị chóp bu Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn vẫn còn là câu hỏi mở, ít nhất là đối với tác giả bài viết này.

Vắng ông Dũng, chúng ta có nên cho rằng những cải cách ở Việt Nam sẽ chậm lại? Có lẽ là không. Bộ Chính trị mới có một số thành viên trẻ, có năng lực và có năng lượng, đại diện cho các khu vực chính sách chủ chốt như tài chính và ngoại giao. Và tinh thần rộng lớn hơn của chính trị Việt Nam dù ngập ngừng đến đâu cũng không phải là bất động.

Rồi còn có áp lực thay đổi. Trong khi việc đảm bảo những lợi ích dài hạn của Đảng vẫn là mục tiêu chủ chốt, giới lãnh đạo Việt Nam cũng cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc tế. Cả bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã đến thăm Hoa Kỳ trong năm vừa rồi và toàn thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đều công nhận Hoa Kỳ là một đối tác thương mại và an ninh không thể thiếu. Rõ ràng là thời thế đã thay đổi, ngay cả khi một người bảo thủ nắm quyền.

Việt Nam có nhiều lợi thế. Nhưng đa số chuyên gia tin rằng nền kinh tế nước này – vốn suy yếu do phi tập trung hóa thái quá và thương mại hóa lấy nhà nước làm trọng tâm – có thể vận hành tốt hơn hiện nay. Liệu giới lãnh đạo mới được chọn của Đảng có nhận ra điều này và có khả năng tiến hành những cải cách có ý nghĩa hay không vẫn còn chưa rõ. Người dân Việt Nam đang kêu gọi cải cách tương đối mạnh mẽ, nhưng họ không lãnh đạo Đảng.

Có lẽ không chắc chắn nhất là ông Trọng sẽ đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh như thế nào. Và Bắc Kinh sẽ hành xử ra sao. Hiện nay, việc quân sự hóa trên Biển Đông đã và còn đang được tiến hành. Trong quá khứ ông Trọng đã chủ trương một cách tiếp cận hòa hoãn với Trung Quốc. Ông Trọng không đơn độc trong việc nhận ra là vì lợi ích tốt nhất của mình Việt Nam nên có quan hệ tốt nhất có thể với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, duy trì mối quan hệ láng giềng đã trở thành một thách thức lớn. Bị dồn vào chân tường, người dân Việt Nam sẽ đòi hỏi giới lãnh đạo đất nước bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Sẽ không có ai bất ngờ nếu Bắc Kinh có hành động bạo động trong những tháng tới. Để đối phó với khả năng này, Hà Nội phải có một sáng kiến mới. Đề xuất mới đây của tôi và Vũ Quang Việt chỉ là một trong nhiều phương án nên được xem xét.

Như riêng tôi đã đề nghị nhiều lần, giới lãnh đạo Việt Nam nên tiến hành những bước cụ thể để giành được sự ủng hộ của quốc tế. Cải cách thể chế và tôn trọng nhân quyền là hai bước cụ thể sẽ không chỉ góp phần vào sự chính danh của nhà nước mà còn giúp đỡ cho hoạt động của nền kinh tế và giúp Việt Nam trên chính trường quốc tế ngay lập tức.

Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu? Với sự lựa chọn lãnh đạo này, có phải Việt Nam sẽ thụt lùi? Các vị lãnh đạo mới được chọn sẽ cứ làm như trước đây? Có lẽ là không.

Nhưng lý do sẽ không nằm trong giới chính trị chóp bu. Chính người dân Việt Nam đang ngày càng quan tâm và tham gia vào những tranh luận chính trị xã hội. Họ đang đòi hỏi cải cách, quyền lợi, và minh bạch hơn, và nhà nước đang dần đáp ứng. Trong nước nhiều người là quá gần để thấy cũng có một số, thậm chí nhiều thay đổi tích cực trong hoạt động của nhiều (chưa phải tất cả) bộ phận của nhà nước.

Như chúng ta biết, có nhiều người cực giỏi, có tên tuổi ngay trong Trung ương Đảng, cũng đang khuyến nghị cải cách, cũng như ở ngoài bộ máy. Tuy nhân quyền còn là một vấn đề rất lớn và thường xuyên bị vi phạm, tiếng nói của người dân Việt Nam vẫn không thể bị bưng bít. Dù những tự do được hứa hẹn trong hơn 70 năm qua vẫn chưa hình thành thì chúng ta vẫn phải thấy rằng ở Việt Nam ngày càng có nhiều cuộc thảo luận mở về các vấn đề xã hội và chính trị.

Thách thức hiện nay là làm sao để tạo điều kiện cho những thảo luận này thực sự góp phần vào sự phát triển của đất nước. Mở rộng tự do báo chí và nâng cao tính độc lập của Quốc hội là hai phương án mà nhiều người trong nước từng đề nghị. Ngoài ra còn nhiều đề xuất hơn nữa.

Tôi tin rằng trong tương lai gần và thậm chí trong dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển khá nhanh. Song, những mối quan tâm lớn nhất của Việt Nam lúc này là chất lượng của sự phát triển đó và mức độ lợi ích mà nó sẽ tạo ra cho người dân Việt Nam, cùng với những thách thức an ninh và quyền lợi của của đất nước.

Giải quyết thành công những vấn đề này là không dễ. Điều đó không chỉ đòi hỏi giới lãnh đạo cởi mở và sẵn sàng lắng nghe người dân. Mọi công dân đều phải có quyền đóng góp một vai trò mang tính xây dựng trong sự phát triển của đất nước. Nói Việt Nam cần một đội ngũ lãnh đạo can đảm và có năng lực hơn bao giờ hết là chính xác nhưng chưa đủ. Để giải quyết những thách thức trước mắt, cần có một tinh thần chính trị mới. Một văn hóa chính trị đa nguyên và đa chiều. Làm thế mới có thể mở đường tới một trật tự xã hội ôn hòa, dân chủ, văn minh.

Xin thêm một ý cuối cùng.

Đôi khi cách viết của tôi bị xem là viết theo kiểu chỉ trích hơn là xây dụng hay “thiếu khách quan.” Tôi cũng có thể hiểu quan điểm đó nhưng cũng xin thông cảm của người đọc vì cách nhìn của tôi phản ánh vị trí của mình. Có lễ là cách viết của mình nên nhẹ hơn, ngoại giao hơn chút. Chỉ xin nói rõ, vai trò của tôi không phải và không nên để ủng hộ người bên này, nói xấu người bên kia.

Tôi là một người chân thận mà. Ai không hài lòng với cách viết của tôi xin cho tôi biết. Tôi viết để chia sẻ những ấn tượng của tôi. Không có ý định áp đạt quan điểm và chắc chắn không muốn bị coi là bi quan. Bất đồng ý kiến là chuyện quá bình thường. Rất tiếc, một yếu tố còn thiếu không chỉ ở Việt Nam và mà ở đa số quốc gia chính là khả năng để bàn luận về những vấn đề tranh cãi nhưng giữ một thái độ trân trọng, xây dựng,

Nếu cách viết của tôi chưa đạt được kết quả đó thì rõ ràng tôi phải nỗ lực hơn nữa. Sẵn sàng làm thế. Chỉ có những ý định tốt nhất. 

Trân trọng

JL

Jonathan London là giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế và thành viên cốt cán của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Thành thị Hồng Kông. Ấn phẩm gần đây của ông bao gồm cuốn Politics in Contemporary Vietnam (Palgrave-Macmillan 2014). Bài liên quan: “Where to from here for Vietnam?East Asia Forum, Feb. 4, 2016.

2 thoughts on “Việt Nam tới đâu từ đây?

  1. Bạn đọc không bao giờ nghi ngờ thiện tâm và sự chân thật cuả Gs. JL.
    Chúng tôi chỉ lo lắng rằng trong quá trình nghiên cứu cuả mình, anh JL thu thập phải những số liệu. tư lịêu đã bị cạo sưả, những thông tin đã bị bóp méo hoặc những sự kiện đã được nhào nặn, dàn xếp, tiếp cận với những con người chỉ dẫn anh vào những lối mòn định hướng, thì anh sẽ không thể nào đi đến kết quả như mong muốn, chưa kể là có thể anh còn thấy xấu hổ về sau. Điều này đã từng xảy ra với các học giả cuả Hoa Kỳ và thế giới. Hy vọng anh JL sẽ thành công hơn và tránh được những sai lầm thôi.

  2. Tôi rất hiểu cái nhức nhối cuả Hoa Kỳ nói chung và nỗi khó khăn cuả những người nghiên cứu như Gs. JL. Qua mấy mươi năm hoà giải với Trung Quốc, rồi Liên-xô rồi Việt Nam, trong giao lưu đã không có sự bình đẳng. Có được bao nhiêu người Mỹ được phép tự do sinh sống, tiếp xúc vào nghiên khảo một cách tự do ở Trung Quốc, Nga, Trung Đông, hay Việt Nam? Nhưng ngược lại, các nước này không những đã ào ạt nhập cư vào Hoa Kỳ, thậm chí còn mua luôn các cơ quan truyền thông, âm nhạc, điện ảnh – vốn là doanh nghiệp tư nhân – tại Hoa Kỳ, thậm chí đưa người vào làm việc ở các cơ quan truyền thông cuả chính phủ Mỹ. Cho nên, những cái dở, cái xấu cuả HoaKỳ thì nó được bày ra, bằng một ngôn ngữ được hầu hết thế giới đọc hiểu, còn những cái xấu, cái dở, cái độc ác cuả những xã hội nơi con người không được quyền nói bất đồng thì nó chìm xuống đáy sâu, bị thời gian bôi xóa. Không những người ta không nhận ra, dần dà người ta đi đến chỗ chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên. Ai cũng hóng lên đại hội đảng ở Hà Nội, nơi ông Bí thư và BCT ban chức tước cho những người sẽ lánh đạo đất nước này như thể mẹ cha chia phần bánh cho các con. Thử hỏi bà Victoria Nuland biết vụ này, bà ta sẽ nói gì chứ? 🙂

Comments are closed.